Bão số 3 (Yagi) đã thành siêu bão, tại sao có hiện tượng tăng cường độ đột biến?
Sáng nay, 5/9, bão số 3 (Yagi) đã trở nên mạnh hơn tất cả các dự báo trước đó và thành siêu bão, theo thang đo của nước ta. Cơn bão này đã tăng cường độ đột biến từ sáng hôm qua đến sáng nay. 'Tăng cường độ đột biến' là gì và tại sao lại xảy ra hiện tượng này?
Lúc 7h sáng nay, 5/9, tâm bão số 3 (Yagi) ở trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 520 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167 - 183 km/h), giật trên cấp 17 (trên 220 km/h), theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia của nước ta.
Còn theo Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) của Mỹ, sáng nay, bão số 3 có sức gió mạnh nhất là 220 km/h, được coi là bão dữ/ cuồng phong dữ dội (violent typhoon), hoặc bão Cấp 4 theo thang đo 5 cấp của Mỹ.
Theo thang đo của Việt Nam, bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 16 trở lên được gọi là siêu bão. Như vậy, bão số 3 đã trở thành siêu bão ở Biển Đông.
JTWC dự báo, đến đêm nay hoặc rạng sáng mai, bão số 3 tiếp tục tăng cấp, sẽ có sức gió 240 km/h trước khi đổ bộ bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Với sức gió như vậy, theo thang đo của Mỹ thì bão số 3 cũng là siêu bão.
Đáng chú ý, vào 7h sáng hôm qua, JTWC ghi nhận sức gió mạnh nhất của bão số 3 là 130 km/h, vậy mà lúc 7h sáng nay, sức gió đã là 220 km/h. Tức là sức gió mạnh nhất của bão số 3 đã tăng những 90 km/h chỉ trong 24 giờ.
Khi một cơn bão có sức gió duy trì tối đa tăng ít nhất 56,3 km/h trong 24 giờ hoặc ít hơn thì được gọi là “tăng cường độ đột biến”, theo CNN. Như vậy, bão số 3 đã tăng cường độ đột biến.
Một nghiên cứu năm 2022 cho biết, hầu hết các cơn bão từ Cấp 3 trở lên (sức gió mạnh nhất từ 178 km/h trở lên) đều tăng cường độ đột biến ở thời điểm nào đó.
Bão số 3 có hiện tượng tăng cường độ đột biến là vì nhiệt độ bề mặt nước Biển Đông đang cao, mà nhiệt từ nước biển cao giúp tăng năng lượng cho bão. Nhìn chung, sự biến đổi khí hậu làm nhiệt độ đại dương khắp thế giới đều tăng, nên các cơn bão càng dễ bùng nổ thành những siêu bão chết chóc.
Việc bão tăng cường độ đột biến sẽ khiến sức tàn phá của bão tăng đáng kể và nhiều khi, người dân ở những nơi bão đổ bộ có thể không kịp chuẩn bị phòng tránh. Ngoài ra, bão mạnh lên nhanh cũng khiến lượng mưa do bão nhiều hơn (có thể là mưa rất to, mưa kéo dài), dễ gây thiệt hại lớn hơn ở những vùng bị ảnh hưởng.
Hiện tại, các cơ quan khí tượng lớn vẫn dự báo bão sẽ đổ bộ miền Bắc nước ta vào thứ Bảy, 7/9, người dân lưu ý liên tục theo dõi thông tin từ các cơ quan chức năng và các bản tin tiếp theo.