Bão số 9 nhìn từ hơn 35.000 km ngoài không gian

Từ độ cao hơn 35.000 km nhìn từ vệ tinh, có thể quan sát rõ đường đi của cơn bão, áp thấp nhiệt đới từ ngày 13/10.

Ở hơn 35.000 km từ bề mặt Trái Đất, một vệ tinh âm thầm theo dõi tình hình thời tiết tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Himawari 8 - vệ tinh do Cơ quan Khí tượng học Nhật Bản quản lý được phóng lên không gian từ năm 2015, với nhiệm vụ cung cấp các dữ liệu dự đoán về bão nhiệt đới, thời tiết và các thông tin tương tự cho khu vực Đông Á, Nhật Bản và Tây Thái Bình Dương. Thông tin từ Himawari 8 được sử dụng để đảm bảo sự an toàn cho tàu thuyền, máy bay cũng như quan sát bề mặt Trái Đất cùng khu vực.

Từ vùng quan sát của vệ tinh địa tĩnh này, chúng ta có thể thấy được quá trình hình thành và đổ bộ của bão số 9.

Tối 27/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão số 9 đã gây ảnh hưởng tạo ra gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Lúc 19h, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 480 km, cách Quảng Nam 430 km, cách Quảng Ngãi 380 km và cách Phú Yên 320 km. Sức gió mạnh nhất cấp 14, giật cấp 17.

Trưa ngày 28/10, bão số 9 đổ bộ vào các tỉnh Đà Nẵng - Phú Yên với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15. Các địa phương bước đầu ghi nhận những thiệt hại do bão gây ra.

Himawari 8 là Vệ tinh Thời tiết Địa tĩnh được vận hành bởi Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA). Do mục đích ban đầu là là vệ tinh theo dõi thời tiết của Nhật nên người dùng không thể di chuyển góc chụp sang Việt Nam. Ở vị trí rìa khung quan sát, bản đồ Việt Nam bị lệch nhẹ nhưng vẫn đủ để quan sát đường đi của cơn bão số 9.

Himawari 8 có gấp đôi cảm biến so với bản tiền nhiệm, giúp chụp được các hình ảnh sắc nét đến tỷ lệ 500 mét, đây cũng là lần đầu tiên một phiên bản Himawari cho phép gửi ảnh màu về Trái Đất. Himawari 8 cũng có thể chụp ảnh mỗi 10 phút, nhanh gấp 3 lần tiêu chuẩn 30 phút của đời tiền nhiệm. Trong các trường hợp bão đặc biệt nghiêm trọng, Himawari 8 có thể chụp tối đa mỗi 2,5 phút.

Với bão số 9, Himawari 8 chụp 2.000-4.000 tấm ảnh độ phân giải cao mỗi ngày ở mỗi độ cao. Để quan sát tổng thể hoặc chi tiết, người dùng có thể sử dụng các ảnh thuộc nhiều cao độ khác nhau từ 200-12.000 m so với mực nước biển. Nhờ khả năng này, Himawari 8 có thể dự đoán đường đi cũng như cường độ của các cơn bão chính xác hơn. Thậm chí, có thể quan sát núi lửa phun trào từ hình ảnh của nó.

Tuy nhiên, do số lượng ảnh lớn, độ phân giải cao, việc truy cập và tải các hình ảnh này gây khó khăn cho những người dùng có chất lượng Internet kém.

Trước đó, vệ tinh cũng quan sát được áp thấp nhiệt đới mạnh thành bão cấp 8 trước khi vào Biển Đông.

7h sáng 20/10, áp thấp nhiệt đới ở phía đông Philippines mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Saudel. Tâm bão lúc đó cách đảo Luzon khoảng 330 km về phía đông.

Sáng 21/10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 740 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10.

Những hình ảnh này không hề rẻ tiền, Mitsubishi Electric mất 5 năm để tạo ra Himawari, gói thầu dành cho Himawari 8 và 9 trị giá 270 triệu USD, và tên lửa H-IIA để phóng vệ tinh này lên quỹ đạo cũng tiêu tốn hơn 100 triệu USD, theo WSJ. Các dữ liệu từ vệ tinh này được cung cấp cho Nhật Bản và hơn 30 quốc gia khác.

Lê Phát
Trực quan: Ngân Phạm - Ái Duyên - Minh Trí

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bao-so-9-nhin-tu-hon-35000-km-ngoai-khong-gian-post1126166.html