Bảo tàng Đà Nẵng - điểm đến lịch sử, văn hóa hấp dẫn du khách

UBND thành phố Đà Nẵng chuẩn bị đưa vào hoạt động Bảo tàng Đà Nẵng, đón khách phục vụ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng thành phố. Tòa Đốc lý thời Pháp mà nay là Bảo tàng Đà Nẵng sau khi khoác lên mình 'tấm áo mới' đã trở thành điểm check-in đầy thú vị của nhiều bạn trẻ và du khách.

Những ngày này, thành phố bên bờ sông Hàn đang nhộn nhịp, tưng bừng cờ hoa kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng. Dạo bước trên vỉa hè tuyến phố Bạch Đằng lộng gió sông Hàn, có một địa điểm mà du khách và rất nhiều người dân Đà Nẵng dừng chân: Tòa "Đốc lý" ngày xưa và bây giờ là Bảo tàng Đà Nẵng.

Vị trí Bảo tàng Đà Nẵng gần trung tâm hành chính, di tích thành Điện Hải...trở thành điểm nhấn lịch sử, văn hóa của Đà Nẵng

Vị trí Bảo tàng Đà Nẵng gần trung tâm hành chính, di tích thành Điện Hải...trở thành điểm nhấn lịch sử, văn hóa của Đà Nẵng

Cả 4 khối nhà của công trình đã hoàn thiện. Tòa nhà cổ đã được khôi phục cẩn trọng và phục chế gần như nguyên mẫu. Khối nhà mới được thiết kế với ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, gam màu ghi hài hòa với tổng thể tòa nhà cổ.

Tòa Đốc lý (thời Pháp thuộc) sau gọi là Tòa Thị Chính (trước năm 1975) có tuổi đời hơn 120 năm. Ngày 29/3/1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Tòa Thị chính. Sự kiện này đánh dấu Đà Nẵng đã hoàn toàn giải phóng. Sau năm 1975, công trình này là trụ sở của UBND rồi HĐND thành phố Đà Nẵng và giờ được chuyển đổi công năng, cải tạo trở thành Bảo tàng Đà Nẵng mới, thay thế cho Bảo tàng đang hiện diện trong khuôn viên Thành Điện Hải.

Cổng Bảo tàng ở đường Trần Phú

Cổng Bảo tàng ở đường Trần Phú

Dù trải qua bao biến thiên lịch sử, công trình này đều được chọn là trụ sở của bộ máy chính quyền. Điều này khẳng định tầm vóc, giá trị đặc biệt của một công trình mang tính biểu tượng đối với người dân thành phố. Sau khi hoàn thành, Bảo tàng Đà Nẵng và Di tích Thành Điện Hải gần đó sẽ trở thành điểm nhấn trong không gian văn hóa, lịch sử của thành phố.

Bảo tàng trưng bày gần 3.000 tư liệu, hiện vật bao gồm 45 chủ đề sẽ gợi mở và dẫn dắt công chúng tham quan trải nghiệm, tìm hiểu về tự nhiên và lịch sử xã hội Đà Nẵng, những câu chuyện về văn hóa cũng như khát vọng đi lên của một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á.

Chiếc xe đạp thồ, phương tiện không thể thiếu của quân và dân ta trong kháng chiến

Chiếc xe đạp thồ, phương tiện không thể thiếu của quân và dân ta trong kháng chiến

Ông Hoàng Anh Thế - chuyên gia lĩnh vực bảo tàng đến từ Hà Nội chia sẻ: “Bảo tàng Đà Nẵng này nằm trên tòa nhà lâu đời cả trăm năm và được cải tạo không gian mới theo tiêu chuẩn của bảo tàng. Khi tới bảo tàng này với diện trưng bày về đồ họa và hiện vật rất phong phú. Về hiện vật thì ở đây có những cổ vật rất có giá trị. Điểm nhấn ở bảo tàng Đà Nẵng này thứ nhất là hình ảnh đồ họa theo phong cách mới, rồi công nghệ như 3D mapping rồi các bộ phim được làm nên, nói chung rất ấn tượng”.

Góc trưng bày các di chỉ khảo cổ

Góc trưng bày các di chỉ khảo cổ

Tháng 5/2020, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 – 44 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng. Dự án triển khai trên tổng diện tích hơn 8.600 m2, tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Đến nay, bảo tàng đã hoàn thành đúng dịp kỷ niệm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng.

Không gian trưng bày đô thị Đà Nẵng giai đoạn 1975-1996

Không gian trưng bày đô thị Đà Nẵng giai đoạn 1975-1996

Anh Lê Hải Khoa, người dân thành phố Đà Nẵng chia sẻ cảm nhận: “Tôi thấy bảo tàng ở trong thành Điện Hải đẩy ra ngoài này sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với mọi người. Nhìn từ bên ngoài là một tòa nhà màu trắng, phong cách kiểu Pháp. Sau khi được tu sửa để trở thành bảo tàng thì mang phong cách hiện đại hơn, ấn tượng mạnh hơn so với trước. Bảo tàng lại nằm cạnh thư viện khoa học tự nhiên của Đà Nẵng, nên mọi người đến thư viện thì có thể ghé thêm bảo tàng”.

Không gian trưng bày đô thị Đà Nẵng thời Pháp thuộc

Không gian trưng bày đô thị Đà Nẵng thời Pháp thuộc

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, bản thân bảo tàng là lĩnh vực khô khan, trước đây mọi người thường chỉ đến một lần rồi thôi. Nhưng nay bảo tàng được nằm trên tòa nhà cổ 120 năm tuổi với tràn ngập công nghệ hiện đại như công nghệ 3D, 3D Mapping sẽ đưa mọi người quay trở lại nhiều lần hơn. Bảo tàng nằm trên 2 trục đường trung tâm là Trần Phú, Bạch Đằng, nơi hàng ngày có hàng trăm lượt khách du lịch trong nước và quốc tế qua lại sẽ là công trình điểm nhấn về văn hóa của thành phố. Nội dung trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng mới sẽ được xây dựng trên cơ sở 6 khu vực trưng bày bao gồm: Trưng bày thường xuyên, Trưng bày chuyên đề, Trưng bày kho mở, Trưng bày có thời hạn, Trưng bày nghiên cứu phát triển, Trưng bày ngoài trời.

Khuôn viên Bảo tàng nằm cạnh trụ sở HĐND thành phố Đà Nẵng trở thành cụm công trình văn hóa ấn tượng

Khuôn viên Bảo tàng nằm cạnh trụ sở HĐND thành phố Đà Nẵng trở thành cụm công trình văn hóa ấn tượng

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết thêm: “Ngoài việc trải nghiệm thông qua hình ảnh, tư liệu trưng bày thì du khách cũng sẽ trực tiếp tương tác, trải nghiệm. Ví dụ phần thiên nhiên và con người Đà Nẵng, chúng tôi cũng đã đưa ứng dụng công nghệ 3D Mapping, đây là công nghệ mới nhất hiện nay được ứng dụng tại Bảo tàng Đà Nẵng. Đến với mỗi không gian là một gam màu khác nhau mỗi ánh sáng khác nhau. Chúng tôi muốn đưa đến cho du khách sự trải nghiệm hoàn toàn khác. Đây là một trong những bảo tàng đề cao tính ứng dụng, tương tác, trải nghiệm”.

Thành Long/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/check-in/bao-tang-da-nang-diem-den-lich-su-van-hoa-hap-dan-du-khach-post1187579.vov