Bảo tàng gặp khó trong quá trình số hóa

Bảo tàng Tôn Đức Thắng phối hợp với Trường ĐH Văn hóa TP.HCM vừa tổ chức hội thảo khoa học 'Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa'.

Trải nghiệm tham quan bảo tàng qua công nghệ thực tế ảo

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng việc ứng dụng CNTT, số hóa trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là xu hướng tất yếu, song công tác này vẫn đang khá chậm, nhiều thách thức, khó khăn.

Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài nhấn mạnh, ứng dụng CNTT trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngành Bảo tàng là phù hợp với xu thế phát triển. “Việc tiếp cận và ứng dụng các thành tựu công nghệ vào hoạt động Bảo tàng Áo dài để tăng sức hấp dẫn, hiệu quả phục vụ công chúng vẫn là ước mơ. Tuy nhiên, cơ hội để tiếp cận và được thụ hưởng các dự án từ phía nhà nước đối với các bảo tàng ngoài công lập còn rất hạn chế, khó khăn từ luật pháp, thủ tục cho đến nguồn vốn", bà Vân bày tỏ.

"Chi phí đầu tư công nghệ, “số hóa” bảo tàng, vận hành, bảo trì trang thiết bị phục vụ và tính hiệu quả mang lại cũng là một vấn đề rất đáng lưu tâm. Áp dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động trưng bày hiện nay đã không còn là việc quá khó như trước nhưng áp dụng sao cho hiệu quả với điều kiện thực tế của từng bảo tàng lại là “bài toán” không hề đơn giản”, ông Nguyễn Trọng Minh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh nói.

Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM Nguyễn Khắc Xuân Thi cho biết thêm, nguồn nhân lực chuyên trách về CNTT trong các bảo tàng còn thiếu nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác triển khai ứng dụng CNTT. Nhìn chung, quá trình chuyển đổi số, số hóa 3D hiện nay tại các bảo tàng đang gặp khó khăn lớn nhất là về kinh phí để thực hiện. Mức kinh phí để phối hợp với các công ty công nghệ thực hiện chuyển đổi số đang vượt định mức chi tiêu hằng năm của các bảo tàng, một số bảo tàng có kinh phí đảm bảo thì cũng chỉ dừng lại ở mức chuyển đổi số theo từng gói nhỏ hoặc theo các phòng trưng bày tại đơn vị, hầu hết chưa có bảo tàng nào thực hiện chuyển đổi số một cách đầy đủ.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, Phó giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh TP.HCM, việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đang trở thành xu hướng tất yếu, ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tại Việt Nam, công nghệ đã từng bước đưa vào ứng dụng trong công tác bảo tồn di sản thông qua việc số hóa các di tích, di sản văn hóa phục vụ lưu trữ, tiếp cận quảng bá. Thế nhưng, bà Kim Liên cho rằng, không phải bảo tàng nào cũng có thể ứng dụng công nghệ cho các nội dung, hiện vật mà cần phải lựa chọn loại hình phù hợp; tập trung vào vai trò của công nghệ nhưng phải làm tăng giá trị và sức hấp dẫn của hiện vật gốc. Suy cho cùng, công nghệ chỉ đóng vai trò là công cụ truyền tải nội dung một cách một cách hấp dẫn, sinh động để thu hút du khách. Nội dung nghèo nàn sẽ không thể giúp công nghệ trở nên hấp dẫn. Việc ứng dụng CNTT trong bảo tàng cần thực hiện một cách cân nhắc và thận trong để đảm bảo việc này sẽ không làm mất đi sự tương tác trực tiếp và trải nghiệm thực tế trong bảo tàng.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Trọng Minh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cũng phân tích, trong xu thế mới hiện nay, hoạt động trưng bày tại các bảo tàng còn phải hướng đến việc gợi mở các ý tưởng mới, thông qua việc tạo dựng sợi dây liên kết giữa quá khứ - hiện tại - tương lai. Tham quan trưng bày bảo tàng không còn là hoạt động nhận thức thụ động, mà trở thành quá trình khám phá, trải nghiệm, tương tác của người tham quan thông qua ngôn ngữ của bảo tàng. Dẫu vậy, việc áp dụng CNTT, các giải pháp trưng bày hiện đại ở các bảo tàng không chỉ đơn thuần là câu chuyện của công nghệ mà quan trọng nhất vẫn là chất lượng nội dung trưng bày. Bởi nếu chỉ có công nghệ vẫn chưa đủ để phát huy hết khả năng của bảo tàng và giá trị của di sản.

THÙY TRANG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/%C4%91oi-song-van-hoa/artmid/570/articleid/68065/bao-tang-gap-kho-trong-qua-trinh-so-hoa