Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Sưu tầm, tiếp nhận hơn 300 hiện vật, kỷ vật kháng chiến
Từ ngày 10 đến 19/4, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức khảo sát, sưu tầm, tiếp nhận hiện vật hiến tặng Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TPHCM, TP Cần Thơ và Đồng Nai. Theo thống kê bước đầu đã có hơn 300 hiện vật, kỷ vật kháng chiến được sưu tầm, hiến tặng Bảo tàng.
Trong số hơn 300 hiện vật, kỷ vật, có nhiều hiện vật, kỷ vật quý, có ý nghĩa và giá trị to lớn về Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong kháng chiến, về các kỳ Đại hội của MTTQ Việt Nam.
Nhiều kỷ vật của các cán bộ lão thành cách mạng, lãnh đạo Mặt trận qua các thời kỳ, các vị Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, các nhân sĩ, trí thức, các thế hệ cán bộ Mặt trận… đã chiến đấu, anh dũng hy sinh được gia đình dày công gìn giữ và trao tặng lại cho Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba của bác sĩ Phùng Văn Cung - nguyên Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Máy đánh chữ, hộ chiếu ngoại giao, tài liệu… gắn bó trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của cụ Huỳnh Văn Tiểng - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, nhà báo yêu nước.
Nhiều bài báo, bản thảo thơ của bà Nguyễn Thị Trang (Vân Trang), nguyên Phó Tổng thư ký của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ hòa bình Việt Nam khu Sài Gòn - Gia Định tuyên truyền, kêu gọi nhân dân đoàn kết, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hay chiếc cân tiểu ly của dược sĩ Hồ Thu - nguyên Phó Tổng Thư ký UBTƯ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam sử dụng để bào chế thuốc phục vụ kháng chiến. Tư trang, kỷ vật của liệt sĩ Trần Quang Long - nguyên Ủy viên Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, trong đó có tập thơ viết tay của chính tác giả về con đường của một thanh niên đến với cách mạng, với kháng chiến.
Đó còn là bức tranh sơn dầu về các cán bộ của Ban Trí vận - Mặt trận được gia đình cố Giáo sư Trần Văn Hanh gìn giữ hơn 60 năm qua. Những cuốn sổ công tác, những bản thảo tài liệu... đã nhuốm màu thời gian cùng với những câu chuyện chia sẻ đầy xúc động của các nhân chứng là nguồn tư liệu quý giá đối với Bảo tàng.
Sau khi sưu tầm, tiếp nhận, Bảo tàng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phân loại, bảo quản, nghiên cứu xây dựng hồ sơ lý lịch hiện vật, tổ chức trưng bày và phát huy giá trị của các hiện vật, kỷ vật kháng chiến, góp phần giáo dục truyền thống đoàn kết quý báu và lịch sử vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đến các thế hệ hôm nay và mai sau.