Bảo tàng metro ở nhà ga metro

Việc nhắc nhở lịch sử của các ngành giao thông đã có từ hàng trăm năm trước cũng là cách ôn lại kinh nghiệm quản trị của người xưa và vinh danh những người đã bỏ xương máu, tâm trí cho công cuộc hiện đại hóa đất nước.

Vừa bước ra xe điện ngầm, khách đi vào một hành lang dài hun hút. Hai vách tường khoác màu nhung tím huyền ảo. Ánh đèn vàng lướt dọc bờ tường càng làm tăng vẻ quý phái như ở một cung điện. Trên tường, san sát từng đoạn là những khung ảnh to trên nền vàng vương giả, trình bày lịch sử ra đời xe lửa, xe tram và metro. Phải chăng ta đang ở London, Paris hay Berlin? Không, đây là một ga của Bangkok - Thái Lan, nhưng lạ chưa: có đến hai bảo tàng lưu giữ ký ức của một phương tiện giao thông kỳ vĩ.

Bảo tàng metro trong lòng đất

Đi suốt hành lang có khoảng 30 khung ảnh lớn thuật lại sống động câu chuyện khai sinh và trưởng thành của đường sắt Thái Lan. Đó là một vương quốc may mắn giữ được độc lập giữa lúc các cường quốc xâu xé châu Á từ cuối thế kỷ XVIII.

Theo đó, vào năm 1855, ý tưởng thiết lập đường sắt xuất phát từ việc nữ hoàng Victoria của Anh gởi tặng một mô hình xe lửa xinh xắn cho nhà vua Mongkut. Đây quả thật là một cách “ngoại giao kinh tế” rất khéo léo vì Anh quốc là nơi phát khởi công nghiệp hỏa xa trước nhất của thế giới (1825). Tuy vậy, mãi đến năm 1893, Thái Lan mới khai trương tuyến đường sắt đầu tiên do Đan Mạch xây dựng.

Trong khi ấy, ở Việt Nam, tuyến xe lửa sớm nhất Sài Gòn - Mỹ Tho được Pháp thi công đã khởi hành từ 1884. Còn về xe tram - đường sắt nội thị, Sài Gòn (1881) cũng đã đi trước một bước so với Bangkok (1888). Song, xe tram chạy điện ở Bangkok đã có từ năm 1892 trong khi xe điện Sài Gòn mãi đến 1912 mới hoạt động. Xe điện Bangkok được coi là tuyến xe điện lâu đời nhất châu Á.

Tác giả bên khung ảnh ghi nhận công chúa và các thành viên hoàng gia Thái Lan đi thử MRT.

Tác giả bên khung ảnh ghi nhận công chúa và các thành viên hoàng gia Thái Lan đi thử MRT.

Xét trong bình diện Đông Nam Á, đường sắt Thái Lan khai sinh không muộn màng (Indonesia: 1864, Myanmar và Singapore: 1877, Malaysia: 1885, Philippines: 1892, Lào: 1893, Campuchia: 1930). Nhưng, quan trọng hơn cả, hệ thống đường sắt của vương quốc này bao gồm chiều Bắc - Nam và Đông - Tây được nỗ lực hoàn thành chỉ trong 15 năm đầu của thế kỷ XX. Với Việt Nam, đường sắt Sài Gòn - Hà Nội thông tuyến hoàn toàn vào năm 1936.

Các khung ảnh trưng bày còn cho thấy đầu thế kỷ XX, người dân Thái và hoàng gia Thái rất tự hào về hệ thống đường sắt mới mẻ và hùng mạnh tỏa khắp đất nước. Rất lý thú, người xem bắt gặp ảnh hai chú bé đang phấn khích cưỡi một xe lửa mini do Cục Hỏa xa chế tạo vào năm 1933. Một trong hai chú bé sau này trở thành vua Bhumibol Adulyadej, người trị vì lâu nhất (70 năm) và rất được dân chúng kính nể. Một khung ảnh khác cho thấy nhà vua và hoàng hậu thường xuyên sử dụng xe lửa để đi thăm dân ở khắp vùng nông thôn và thành thị chứ không phải sử dụng xe hơi công vụ hay máy bay chuyên cơ!

Các khung ảnh kế tiếp tường thuật việc xây dựng các tuyến metro ngầm đầu tiên tại Bangkok từ năm 1996 đến nay. Khá nhiều hình ảnh thể hiện quá trình vất vả để đào đường hầm, lắp đường ray, chạy thử và bảo dưỡng các đoàn xe. Tại Thái Lan, metro được gọi là Metropolitan Rapid Transit - viết tắt là MRT, với logo là các hình mũi tên xanh và đỏ (màu cờ quốc gia), đan xen ngược chiều nhau tạo thành một hình thoi vững chắc.

Đoàn tàu của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đi ra từ ga ngầm Ba Son. Ảnh: Báo Tiền Phong

Đoàn tàu của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đi ra từ ga ngầm Ba Son. Ảnh: Báo Tiền Phong

Sau 8 năm thi công tuyến MRT đầu tiên, gọi theo màu là Blue Line, hoạt động vào năm 2004 với chiều dài 48 km cùng 38 trạm. Tuyến thứ hai Purple Line - 23 km và 16 trạm xây dựng năm 2011, hoàn thành năm 2020. Như vậy, từ lúc khởi công cho đến lúc hoạt động cả hai tuyến MRT chỉ mất 8 năm. Khi đọc chi tiết này, ta không khỏi chạnh lòng khi nhớ xứ mình phải mất 14 - 15 năm mới hoàn thành tuyến metro đầu tiên ở Hà Nội và TP.HCM.

Ngoài MRT, Bangkok còn có xe điện chạy trên không với một đường ray, gọi là BTS sky train, vận hành từ năm 1999. Đến nay đã có 3 tuyến BTS sky train ở Bangkok với khoảng 70 km đường và 62 trạm. Bangkok còn có xe điện trên không nối với sân bay Suvarnabhumi, gọi là Airport Rail Link (ARL). Chính phủ Thái đã lên kế hoạch làm ARL nối 3 sân bay lớn chung quanh Bangkok. Tất cả việc đầu tư và quản trị hệ thống MRT, BTS và ARL đều có sự tham gia của nhà nước và tư nhân với các mức độ khác nhau.

Khi xem các hình ảnh trưng bày, tôi nhận ra để có được hệ thống giao thông nhanh chóng và hiện đại còn phải kể đến ý chí thúc đẩy rất lớn của quốc vương Bhumibol. Năm 1995, khi đến Bangkok để đưa tin về Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, tôi từng nghe thông điệp của nhà vua quyết liệt yêu cầu chính phủ và toàn dân phải quyết tâm xóa bỏ hình ảnh một Bangkok “kẹt xe nhất thế giới”. Với quyết tâm và chính sách đúng đắn, chỉ trong vòng 5 năm kế tiếp, khi đến Bangkok người ta thấy tình hình giao thông đã được cải thiện đáng kể. Bài học “sửa sai giao thông” của Bangkok rất hữu ích cho các đô thị lớn của Việt Nam.

Bảo tàng metro trên mặt đất

Cuối hành lang đường ngầm của “bảo tàng metro” là đường dẫn lên đại sảnh nhà ga Hua Lamphong. Hóa ra Hua Lamphong là nhà ga trung tâm xe lửa “lão thành” của Bangkok (1916) mà bên dưới lại là nhà ga MRT trẻ trung.

Nhà ga xe lửa rất bề thế, chiều rộng khoảng 200m, vòm mái thép cao to, không khác gì dáng vẻ vĩ đại của các nhà ga trung tâm ở Âu Mỹ. Nhà ga có hai cổng chính, 14 bến đậu và 22 quầy vé. Phần phía trước tòa nhà chính có hai tầng, bên dưới là sảnh khách ra vào, bên trên là các quán cà phê, nhà hàng, cửa tiệm souvenir. Điều thú vị, kiến trúc mặt tiền và bên trong sân ga đều kết hợp nét châu Âu xưa với Thái Lan cổ truyền.

Tác giả thiết kế công trình chính là các kiến trúc sư đến từ La Mã, lấy cảm hứng từ các nhà ga lớn của Berlin (Đức) và Turin (Bắc Ý). Phần lớn các vách tường từ trong ra ngoài đều gắn những khung ảnh đen trắng và tranh vẽ khổ lớn, diễn tả quang cảnh và hoạt động nhộn nhịp của Hua Lamphong từ đầu thế kỷ trước. Trong mắt người xem, chúng nối tiếp nhau giống như những khuôn hình của một bộ phim tài liệu lịch sử bất tận.

Tháp lấy ánh sáng đồng thời là góc lưu niệm lịch sử đường sắt Thái Lan trong ga MRT Hua Lamphong.

Tháp lấy ánh sáng đồng thời là góc lưu niệm lịch sử đường sắt Thái Lan trong ga MRT Hua Lamphong.

Và rồi, thật kinh ngạc, ngay đầu sân ga đang hiện diện sừng sững 3 đầu máy xưa uy nghi. Cả ba đầu máy sơn đen đặt trên đường ray như vẫn sẵn sàng đón khách. Tất cả đều là đầu máy hơi nước với ống khói nhô cao, trở thành biểu tượng hỏa xa truyền thống - một thời oanh liệt ngang dọc khắp các lục địa. Với các cổ vật nguyên bản vô giá ấy, không cần xưng tên, cả nhà ga Hua Lamphong xứng đáng là một bảo tàng đường sắt thực thụ! Ở cánh trái mặt tiền nhà ga còn có thêm một “bảo tàng mini” trưng bày đầy đủ hiện vật liên quan đến ngành công nghiệp vận tải phổ biến này.

Khách vào đây tha hồ ngắm nhìn các mô hình xe lửa từ cổ xưa đến hiện đại, các máy móc chuyên dụng ở nhà ga và các đầu máy, toa xe, đồng phục của nhân viên đường sắt qua nhiều thời kỳ, các máy bấm vé, đèn tín hiệu. Các bộ vé xe lửa nhỏ xíu có đủ màu sắc được sưu tầm công phu, phản ánh những tuyến đường sắt đa dạng. Tại đây còn có các bộ tem, phong bì, bưu ảnh, bát dĩa, hàng lưu niệm mang dấu ấn ngành hỏa xa. Bảo tàng còn trưng bày chiếc ghế nhà vua sử dụng khi đi xe lửa cùng nhiều tranh ảnh cho thấy nội thất sang trọng của những toa xe “quý tộc”.

Đầu máy cổ xưa tại nhà ga xe lửa Hua Lamphong.

Đầu máy cổ xưa tại nhà ga xe lửa Hua Lamphong.

Bảo tàng đường sắt quy mô nhỏ ở nhà ga Hua Lamphong mới mở cửa vào năm 2015 bởi Thai Railway Foundation (TRF). Theo kế hoạch, TRF sẽ xây dựng một bảo tàng đường sắt lớn hơn trong tương lai. Đi xem cả hai bảo tàng metro trong lòng đất và bảo tàng đường sắt trên mặt đất ở Bangkok, chắc hẳn du khách Việt không thể không bâng khuâng nghĩ đến những nhà ga xe lửa và metro ở Hà Nội, TP.HCM tuy nguy nga nhưng còn thiếu vắng chất liệu lịch sử. Hàng ngày, hàng ngàn hành khách ra vào các sân ga Việt Nam chưa có cơ hội hiểu biết về dòng thời gian khó nhọc để sản sinh và điều hành các ngành giao thông, vận chuyển lớn đầy vẻ vang.

Sắp tới metro sẽ còn mở thêm nhiều tuyến, đường sắt cũng thế, nhất là dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Sân bay Long Thành và các sân bay mới sẽ mở cửa. Tại những địa chỉ công cộng lớn lao ấy, xin đừng bỏ quên hay lãng phí việc quảng bá câu chuyện ra đời các công trình công cộng do tiền thuế của dân và trí tuệ xã hội đóng góp. Mặt khác, việc nhắc nhở lịch sử của các ngành giao thông đã có từ hàng trăm năm trước cũng là cách ôn lại kinh nghiệm quản trị của người xưa và vinh danh những người đã bỏ xương máu, tâm trí cho công cuộc hiện đại hóa đất nước.

Bài và ảnh: Phúc Tiến

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/bao-tang-metro-o-nha-ga-metro-48827.html