'Bảo tàng sống' về giáo dục, điểm đến du lịch độc đáo ở Thủ đô
Hằng năm, vào những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6, Văn Từ Thượng Phúc (xã Văn Bình, huyện Thường Tín), nơi thờ phụng tôn vinh các bậc hiền tài, khoa bảng lại đón nhiều đoàn học sinh dâng hương, kính lễ với ước nguyện học hành đỗ đạt, cống hiến trí lực phát triển Thủ đô. Vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống khoa bảng được huyện Thường Tín đầu tư cải tạo, xây dựng thành điểm đến về du lịch, giáo dục độc đáo.

Theo sử liệu, Văn Từ Thượng Phúc được khởi dựng từ năm 1695 tại xã An Duyên (nay là thôn An Duyên, xã Tô Hiệu), do Tiến sĩ Dương Công Độ, một danh sĩ của đất Nhị Khê xây dựng. Ảnh: sovhtt.hanoi.gov.vn
Chốn linh thiêng hun đúc tinh thần hiếu học
Theo sử liệu, Văn Từ Thượng Phúc được khởi dựng từ năm 1695 tại xã An Duyên (nay là thôn An Duyên, xã Tô Hiệu), do Tiến sĩ Dương Công Độ, một danh sĩ của đất Nhị Khê xây dựng. Năm 1812, văn bia, đồ thờ của Văn Từ được chuyển về thôn Văn Hội, xã Văn Giáp (nay là xã Văn Bình), mở rộng quy mô và trở thành trung tâm tôn vinh đạo học của cả huyện. Nhiều thế hệ tri huyện, giáo thụ, văn thân từng nối tiếp nhau gìn giữ, trùng tu, bảo vệ nơi này như một chốn linh thiêng hun đúc tinh thần hiếu học.
Hiện nay nơi đây còn lưu giữ nhiều tấm bia đá khắc tên các nhà khoa bảng của huyện Thường Tín xưa như: Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Thái học sinh Nguyễn Phi Khanh, Đệ nhị giáp Tiến sĩ Lý Tử Tấn, nhà yêu nước Lương Văn Can cùng hàng chục tiến sĩ, cử nhân khác của vùng đất này. Những tấm bia, tượng thờ, không gian kiến trúc cổ kính nơi đây là bài học sống động về lịch sử, nhân cách và truyền thống hiếu học cho thế hệ hôm nay.
Gắn kết giữa bảo tồn di tích với phát triển giáo dục và du lịch, năm 2019, huyện Thường Tín đã khởi công dự án xã hội hóa xây dựng Văn Từ Thượng Phúc trên diện tích hơn 3.500m². Công trình được hoàn thiện vào năm 2022 với kiến trúc truyền thống hình chữ “Công”, bao gồm các hạng mục: Tiền tế, thiêu hương, hậu cung, nhà bia, tả vu, đồng trụ và các công trình phụ trợ. Những hạng mục này không chỉ phục dựng vẻ đẹp cổ kính của Văn Từ xưa, mà còn mang đến một không gian giáo dục trải nghiệm đầy ý nghĩa.
Đặc biệt, khu vực tả vu trong Văn Từ Thượng Phúc hiện được thiết kế thành một không gian mô phỏng trường thi và lớp học thời xưa. Du khách, nhất là học sinh, sinh viên khi đến đây sẽ được chứng kiến hình ảnh thầy đồ Nguyễn Phi Khanh đang ngồi dạy học, sĩ tử chăm chú làm bài, hay cụ Lý Tử Tấn đang nghiêm cẩn coi thi. Văn Từ Thượng Phúc trở thành một “bảo tàng sống” về giáo dục, là nơi thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về truyền thống hiếu học, thi cử và khát vọng tri thức của cha ông.
Điểm đến trong hành trình du lịch văn hóa – giáo dục lịch sử
Không chỉ là nơi lưu giữ và giáo dục truyền thống, Văn Từ Thượng Phúc còn trở thành điểm đến trong các hành trình du lịch văn hóa – giáo dục lịch sử của Thủ đô. Mỗi dịp đầu xuân, nơi đây rộn ràng với Lễ hội Khai bút lan tỏa tinh thần tôn sư trọng đạo, khuyến học, khuyến tài. Vào mùa thi, Văn Từ Thượng Phúc đón hàng nghìn lượt học sinh, phụ huynh và du khách thập phương tới xin chữ, dâng hương và cầu mong học hành đỗ đạt, sự nghiệp hanh thông.
“Văn Từ Thượng Phúc trở thành địa điểm tưởng nhớ về truyền thống hiếu học của các bậc tiền nhân xưa. Đến đây, các em được nghe kể chuyện về các vị tiến sĩ, được trải nghiệm không gian trường thi xưa, từ đó khơi dậy niềm tự hào và động lực học tập, tôi thấy các em rất hào hứng”, chị Nguyễn Hồng (quận Thanh Xuân) chia sẻ khi đưa con đến đây tham quan.
Tự hào về truyền thống “đất danh hương”, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh khẳng định: “Các nhà khoa bảng là biểu tượng của tinh thần yêu nước, hiếu học, là những tấm gương sáng, tạo động lực để các thế hệ người dân Thường Tín phát huy truyền thống yêu nước, hiếu học, trọng hiền tài, văn hiến”.
Trong dòng chảy hiện đại hóa, phát triển công nghiệp và đô thị, việc gìn giữ những biểu tượng văn hóa – giáo dục như Văn Từ Thượng Phúc càng trở nên ý nghĩa. Với mô hình kết hợp giữa di sản – giáo dục – du lịch, Văn Từ Thượng Phúc là một ví dụ sinh động về cách Hà Nội đang hiện thực hóa mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa gắn với nâng cao dân trí, xây dựng con người Thủ đô văn minh, hiện đại, kế thừa và tiếp nối những tinh hoa của cha ông để lại.