Bảo tàng tư nhân: Nở nhưng chưa rộ - Bài 3: Đầu tiên lo chuyện tiền đâu?

Bộ sưu tập đặc sắc, không gian bắt mắt, hay chính sách công chúng phù hợp… là yếu tố cần phải có của mỗi bảo tàng. Với bảo tàng tư nhân, hành trình chinh phục công chúng và duy trì hiệu quả trên đường dài, không chỉ đáp ứng tốt các tiêu chí kể trên mà trước mắt phải giải được bài toán đầu tiên là tiền đâu?

Vé đắt có nguyên do

Có thể thấy, giá vé tham quan bảo tàng tư nhân đắt gấp đôi, gấp ba lần so với các bảo tàng công lập, điều này lý giải bởi việc thu chi gần như là chuyện sống còn của bảo tàng ngoài công lập. Mỗi bảo tàng tư nhân hoàn thiện hồ sơ thành lập và đi vào hoạt động đa phần đều được một công ty đại diện pháp nhân, đây cũng chính là tiềm lực kinh tế của mỗi bảo tàng ở bước đầu thành lập. Tùy vào hoạt động kinh doanh hiệu quả mà mỗi công ty sẽ đầu tư cho bảo tàng tư nhân ở mức độ như thế nào, bên cạnh bộ sưu tập sẵn có.

 Khách tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn

Khách tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn

Chính điều này cũng được giới chuyên gia đặt ra không ít lo ngại và hiện tại đã có bảo tàng gặp phải. Công ty đứng sau các bảo tàng trong tình huống rơi vào các vụ án kinh tế, buộc phải thu hồi tài sản để khắc phục hậu quả, liệu số phận của các bảo tàng ngoài công lập như vậy sẽ ra sao. Hoạt động duy trì cầm chừng bằng cách tận dụng không gian của bảo tàng tổ chức các sự kiện ngoài lề, cũng không thể bù nổi phí vận hành, bảo tàng không tổ chức các hoạt động chuyên môn thì còn đâu giá trị văn hóa, giáo dục… Và phí vận hành, bảo quản hiện vật cũng không thể ở tình trạng âm.

Anh Trương Lê Hiếu Dân (thành viên Hội đồng tư vấn Bảo tàng Biệt động Sài Gòn) phân tích: “Ngoài việc sáng tạo và đa dạng hóa các hoạt động tạo nguồn thu cho bảo tàng thì nguồn thu chủ yếu vẫn là vé tham quan, trong khi các chi phí vận hành của bảo tàng rất lớn. Hiện nay, hoạt động của các bảo tàng tư nhân vẫn đang áp dụng theo chế độ thuế của doanh nghiệp, chưa được hưởng ưu đãi thuế như các đơn vị cùng ngành ở khối công lập. Lâu nay, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn thông qua các hoạt động cấp chi hội của Hội Di sản văn hóa TPHCM cũng đã liên kết, phối hợp các chi hội là các bảo tàng, trường đại học để đa dạng hóa hoạt động của bảo tàng.

Tuy nhiên, để có một hệ sinh thái mạnh cho sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa của thành phố, tôi nghĩ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm hơn trong việc xúc tiến các hoạt động giao lưu giữa các thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố, chứ không chỉ giữa các thiết chế bảo tàng với nhau. Từng bước thay đổi thói quen đến bảo tàng của người dân thành phố để bảo tàng không chỉ là điểm đến gắn liền với di tích - lịch sử mà còn là nơi giao lưu văn hóa với đa dạng các hoạt động văn hóa được trình diễn tại đây”.

Chia sẻ về chi phí vận hành, anh Nguyễn Thiều Kiên (Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Quang San) bày tỏ: “Chi phí vận hành cũng là một bài toán khó hiện nay, làm sao nguồn thu phải cung ứng được nguồn chi, để giữ được chất lượng cho khách tham quan khi ghé bảo tàng. Các công tác bảo trì, bảo tồn, kinh phí tổ chức sự kiện tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San đều từ các hoạt động, sự kiện của bảo tàng mà có được, nên tôi mong muốn trong tương lai, các bảo tàng tư nhân sẽ có được các chính sách hỗ trợ để không chỉ Quang San, mà các đơn vị cá nhân khác, có thêm nhiều nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động sự kiện văn hóa nghệ thuật nước nhà hơn”.

Băn khoăn giám định

Hiện nay, việc xin phép thành lập bảo tàng ngoài công lập và Hội đồng thẩm định hiện vật đều phải thông qua Sở VH-TT (hoặc Sở VH-TT-DL, tùy vào mỗi địa phương). Phía cá nhân hoặc tổ chức thành lập bảo tàng tư nhân phải chuẩn bị rất kỹ từ cơ sở vật chất, phòng cháy chữa cháy, bộ sưu tập, kế hoạch trình bày và hoạt động, công tác lưu trữ dữ liệu tác phẩm, kho tác phẩm, công tác kiểm kê và kiểm tra tình trạng các tác phẩm…

Trên thực tế, việc sưu tập cá nhân hoàn toàn dựa trên sở thích, vì thế khi tính đến việc thành lập bảo tàng tư nhân, một số đơn vị cũng trầy trật trong quá trình xác minh bộ sưu tập. Đại diện Bảo tàng Biệt động Sài Gòn chia sẻ: “Một trong những điểm độc đáo của các bộ sưu tập tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn nhưng cũng là một khó khăn lớn nhất với chúng tôi, đó là hiện vật rải rác ở nhiều địa điểm khác nhau. Điều này hoàn toàn không giống như ở đa số bảo tàng khác, các bộ sưu tập được tập trung tại một điểm. Do đó, chúng tôi đã phải làm việc rất nhiều, nhờ cả sự tư vấn của Hội đồng chuyên môn để phối hợp trao đổi và làm việc với Sở VH-TT TPHCM nhằm có thể thống nhất về việc xác định các bộ sưu tập, vừa đảm bảo đúng quy định, vừa đáp ứng được tính đặc thù của các hiện vật gắn liền với các điểm trưng bày của bảo tàng”.

Hiện vật rải nhiều địa điểm như ở Bảo tàng Biệt động Sài Gòn, tuy có gây nhiều khó khăn trong quá trình hoàn thiện hồ sơ thành lập bảo tàng ngoài công lập, nhưng điều này vẫn không đáng ngại, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực di sản văn hóa, cái khó nhất của các bảo tàng ngoài công lập hiện nay là việc xác định và giám định các hiện vật trưng bày, nhất là hiện vật lịch sử. Nếu không rõ ràng, nhập nhằng nguồn gốc, niên đại…, ít nhiều sẽ tác động không tốt đến khách tham quan. Và nhìn rộng ra hơn nữa, bảo tàng ở góc độ góp phần giáo dục, thì chuyện sai lệch, nhầm lẫn là điều không được phép.

Điển hình như tại một bảo tàng ngoài công lập vừa mở cửa ở quận 1, khách tham quan đã phải chịu mức giá vé khá cao để tham quan 2 bảo tàng con, trưng bày 2 bộ sưu tập khác nhau thuộc bảo tàng này. Tuy nhiên, một số sách, văn bản là hiện vật trưng bày được giới thiệu độc bản và bản gốc từ cung đình nhà Nguyễn khiến không ít người đặt câu hỏi: Những tài liệu này thuộc dạng lưu trữ quốc gia, nếu muốn có thể tìm ở các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, vậy sách hay văn bản được trưng bày và giới thiệu là bản gốc, độc bản có thực sự đúng chưa?

Bên cạnh vấn đề chính xác của hiện vật liên quan đến lịch sử, các bộ sưu tập ở bảo tàng tư nhân ngay từ đầu phải đăng ký để hoàn thiện hồ sơ thành lập bảo tàng. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, chủ sở hữu bộ sưu tập có quyền trao đổi, mua bán thêm… Việc bán hoặc đổi bất kỳ hiện vật nào trong bộ sưu tập đã đăng ký phải báo với đơn vị cấp phép thành lập bảo tàng là Sở VH-TT (hoặc Sở VH-TT-DL). Việc mua thêm cũng được các đơn vị cấp phép khuyến khích các bảo tàng báo cáo, nhưng trên thực tế gần như có rất ít bảo tàng báo cáo chuyện thêm hiện vật vào bộ sưu tập.

Hoạt động của bảo tàng tư nhân góp phần mở thêm thiết chế văn hóa phục vụ và nâng cao đời sống tinh thần người dân. Nhưng để hoa nở rộ vào mùa cần biện pháp quản lý, hỗ trợ từ nhiều đơn vị liên quan, để đường đến công chúng của các bộ sưu tập giá trị không bị đứt gánh nửa đường.

Anh Trương Lê Hiếu Dân (thành viên Hội đồng tư vấn Bảo tàng Biệt động Sài Gòn) chia sẻ: “Được biết, sắp tới TPHCM cũng sẽ thành lập Quỹ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa, chúng tôi cũng mong quỹ sẽ có các kế hoạch hành động thiết thực để các thiết chế văn hóa nói chung và các bảo tàng tư nhân nói riêng sẽ có nhiều cơ hội hơn được đồng hành với các hoạt động văn hóa của thành phố; qua đó không chỉ tham gia đóng góp phát triển quỹ, mà cũng là cơ hội để các đơn vị - tổ chức văn hóa tư nhân được tiếp cận nhiều nguồn kinh phí với mục đích phát triển di sản văn hóa của thành phố trong bức tranh tổng thể của ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo”.

HỒNG DƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bao-tang-tu-nhan-no-nhung-chua-ro-bai-3-dau-tien-lo-chuyen-tien-dau-post752911.html