Nghề báo tôi yêu

Thế là đã gần 45 năm tôi bước vào nghề báo, cái nghề mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới, dù chỉ một chút trong tâm khảm, kể cả ngay từ khi còn đi học. Giờ đã nghỉ hưu, nhưng nếu có ai hỏi còn cơ hội, tôi sẽ làm nghề gì? Xin mạnh dạn trả lời rằng tôi vẫn sẽ chọn nghề báo.

Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975 cũng là lúc tôi chuẩn bị tốt nghiệp cấp 3. Thời điểm đó, tôi như con tàu không định hướng bởi suy nghĩ, xã hội mới, chế độ mới sẽ ra sao đối với lớp thanh niên vừa chớm tuổi vào đời. Được chú ruột vận động tham gia cách mạng ngay từ những ngày sau giải phóng, tháng 11-1976, tôi xung phong lên đường nhập ngũ (đợt nghĩa vụ đầu tiên ở miền Nam). Sau 3 tháng quân trường, trở về nhận nhiệm vụ tại một đơn vị sẵn sàng chiến đấu, lúc đó biên giới đang có dấu hiệu chiến tranh trước sự kích động của các thế lực thù địch. Những ngày cuối tháng 10-1977, chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, bọn Pol Pot - Ieng Sary tràn sang bắn giết, đốt phá làng mạc ở các vùng biên giới nước ta như An Giang, Kiên Giang, Bình Phước

Là người lính tình nguyện sang giúp nước bạn thoát họa diệt chủng, tôi và đồng đội đã sát cánh cùng lực lượng quân đội cách mạng Campuchia chiến đấu giải phóng Phnôm Pênh, Campuchia. Campuchia được giải phóng và từng bước ổn định, tôi cùng một số đồng đội tốt nghiệp cấp 3, được đặc cách về nước học quân y để phục vụ lâu dài trong quân đội. Từ đơn vị về biên giới Việt Nam lúc bấy giờ đường đi hết sức gian nan, vất vả. Trên chuyến xe định mệnh ấy, chúng tôi bị bọn tàn quân Pol Pot phục kích bất ngờ, 18 chiến sĩ tử vong tại chỗ, tôi bị thương nặng. Vì đồng đội nằm vắt trên người nên chúng tưởng tôi cũng đã chết, rồi vội vã thu chiến lợi phẩm và bỏ đi. Chưa làm bác sĩ đã là thương binh, sau 3 tháng điều trị tại Quân y Viện 175, Hội đồng Giám định y khoa kết luận sức khỏe tôi giảm 54%, không tiếp tục phục vụ quân đội nên cho ra quân, phục viên hay chuyển ngành do bản thân chọn. Và tôi đã đến với nghề báo từ sau bước ngoặt đó.

Tác giả (thứ 2 từ trái qua) và đoàn làm phim của BPTV tác nghiệp tại Lào

Tác giả (thứ 2 từ trái qua) và đoàn làm phim của BPTV tác nghiệp tại Lào

Tháng 7-1981, tôi chuyển ngành về công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé và được cử đi học các lớp báo chí rồi biên kịch, đạo diễn. Năm 1997, Sông Bé tách tỉnh, tôi được điều về công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước (BPTV) đến năm 2017 thì nghỉ hưu. Làm nghề báo đi lên từ một phóng viên, biên tập, biên kịch, đạo diễn rồi cán bộ quản lý với biết bao kỷ niệm vui, buồn. Nếu chỉ là cán bộ quản lý thì không có gì đáng nói. Ngồi lâu nhớ nghề, tôi giao nhiệm vụ lại cho anh em cấp phó và trở lại với nghề - làm đạo diễn cho một số phim tài liệu, trong đó có nhiều bộ phim mà đến nay tôi vẫn nhớ như in như: “Thắm mãi tình hữu nghị Việt - Lào” nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị Việt - Lào. Hay “Đông Dương chung một chiến hào” và mới đây là “Dấu ấn của đội quân nhà Phật” nói về cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc và chiến đấu của quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.

Nhắc đến bộ phim “Thắm mãi tình hữu nghị Việt - Lào”, với tôi còn đong đầy cảm xúc. Được Hội Phụ nữ tỉnh Sêkông giới thiệu tôi đến bản Pôn gặp mẹ Bun Nha. Chuyện kể rằng, năm 1970, ở chiến trường Nam Lào rất ác liệt, bộ đội Việt Nam và bộ đội Pa-thét Lào chiến đấu cùng mặt trận, cùng 1 kẻ thù. Có anh bộ đội tình nguyện Việt Nam do cơn sốt rét ác tính hành hạ đã nằm lại bản Pôn, do ăn uống không được nên sức khỏe suy kiệt, hơi thở yếu dần, tưởng chừng không qua khỏi. Thương bộ đội Việt Nam, mẹ Bun Nha lúc đó là Hội trưởng Hội Phụ nữ bản Pôn đã vận động chị em trong bản đang có con nhỏ cho anh bộ đội Việt Nam bú nhờ. Vận động mãi nhưng không chị em nào đủ bản lĩnh để làm việc này, vì đa phần các chị trong độ tuổi đôi mươi như anh bộ đội. Tưởng chừng như bất lực, nhìn anh bộ đội chết dần, trong lúc "dầu sôi lửa bỏng" ấy, chị Na Chia đã đến bên anh bộ đội Việt Nam làm nhiệm vụ của người mẹ. Từ những giọt sữa nghĩa tình này, sau một tuần tĩnh dưỡng, anh bộ đội dần dần hồi sức. Khi nghe bà con trong bản kể lại, anh đã đến gặp chị Na Chia để cảm ơn ân nhân cứu mạng và xin nhận làm mẹ nuôi, dù lúc đó chị chỉ hơn anh vài tuổi.

Tác giả chỉ đạo phóng viên tác nghiệp tại Lào

Tác giả chỉ đạo phóng viên tác nghiệp tại Lào

Chị Na Chia tâm sự: Thấy anh bộ đội Việt Nam sắp chết, mình thương quá làm liều vậy thôi, may mà chồng cũng đồng cảm, thương bộ đội Việt Nam nên không nói gì. Sau thời gian được bà con trong bản chăm sóc, bồi dưỡng, sức khỏe của anh bộ đội Việt Nam hoàn toàn bình phục. Anh cảm ơn và từ giã bà con bản Pôn rồi tìm lại đơn vị để tiếp tục chiến đấu. Anh bộ đội ra đi vội vã không kịp để lại tên, chỉ biết anh vì nghĩa vụ quốc tế sang Lào sát cánh cùng bộ đội Pa-thét Lào đánh đuổi kẻ thù xâm lược và anh đã không có dịp trở lại bản xưa tìm lại vị cứu tinh của mình ngày nào. Chiến trường ác liệt, anh đã chiến đấu anh dũng và vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Sekong nghĩa tình.

Cũng tại Lào, còn một câu chuyện cảm động nữa. Chuyện xảy ra vào năm 1972, lúc đó mặt trận Nam Lào vô cùng ác liệt, có anh bộ đội Lào tên Khăm Sĩ, sau những ngày vận chuyển vũ khí gian khổ từ Hải Phòng vượt Trường Sơn để tiếp viện cho bộ đội Lào. Đến đường Trường Sơn, anh bị cơn sốt rét rừng hành hạ nên không theo kịp đơn vị và nằm lại giữa rừng già. Sau khi phát hiện, bộ đội Việt Nam đã đưa Khăm Sĩ đến trạm quân y để chữa trị. Tuy nhiên, do không ăn uống nhiều ngày, sức khỏe cạn kiệt, có lúc tim đã ngừng đập và do chiến trường quá ác liệt, thương binh càng lúc càng nhiều, bác sĩ ra lệnh chuyển bệnh nhân ra bìa rừng chờ chết để chôn cất. Cô y tá Nguyễn Thị Ngọc nhận lệnh ra kiểm tra lần cuối thì phát hiện đồng tử Khăm Sĩ chưa giãn hết, người còn ấm, chị vội xốc Khăm Sĩ chạy một mạch về trạm quân y cấp cứu. Nhờ sự chăm sóc, theo dõi thường xuyên của bác sĩ, đặc biệt là y tá Ngọc chăm bón từng muỗng cháo, thìa sữa, 3 ngày sau, Khâm Sĩ tỉnh lại và bình phục dần.

Thời điểm đó, bom đạn Mỹ bắn phá xuống dữ dội ngay trạm quân y, thế là mạnh ai nấy di tản. Y, bác sĩ thì tìm về đơn vị, Khăm Sĩ cũng về Lào tìm đơn vị. Mọi việc tưởng chừng đi vào quên lãng. Nhưng không, kết thúc chiến tranh, nhớ về cô y tá đã cứu mình năm xưa, Khăm Sĩ đã tìm lại chiến trường xưa, tìm lại cô y tá ngày nào liên tiếp 3, 4 năm liền. Sau thời gian dài tìm kiếm, 2 người đã gặp nhau. Y tá Ngọc lúc đó là Trưởng Trạm y tế xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, còn Khăm Sĩ là thiếu tướng công tác tại Tổng cục Hậu cần Quân đội Lào. Hai người gặp nhau vui mừng khôn xiết và quyết định kết nghĩa chị em từ đó. Những câu chuyện rất đời và cảm động, nếu như không làm nghề thì không thể biết được.

Chỉ vài chất liệu, sự kiện nhưng qua phim tài liệu đã khiến bao khán giả rơi lệ và càng hiểu hơn về mối quan hệ máu thịt giữa 2 dân tộc Việt - Lào anh em. Còn rất nhiều kỷ niệm trong đời làm báo, những chuyến đi trên đất nước Campuchia, thăm những cánh đồng chết, những hố chôn tập thể của người dân Campuchia dưới thời Pol Pot, hay những phong cảnh tuyệt đẹp ở Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ý, Bỉ, Hà Lan... đã trang bị cho cuộc đời làm báo của tôi nhiều kiến thức và thi vị. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, chuyến đi là có thêm những sản phẩm báo chí ra đời góp phần cho đời sống báo chí ngày càng đa dạng, phong phú. Có dấn thân mới thấy nghề báo thật hay và thú vị. Cuộc đời làm báo là những chuyến đi, phát hiện và khám phá, đem lại giá trị chân - thiện - mỹ và niềm vui, hạnh phúc đến muôn người, muôn nhà. Nghề báo đã thấm vào máu thịt của tôi. Vì thế, tôi nguyện sẽ đóng góp công sức còn lại của mình cho sự nghiệp báo chí tỉnh nhà, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng quê hương Bình Phước ngày càng giàu đẹp.

Phan Hoàng Yên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/162464/nghe-bao-toi-yeu