Bảo tàng văn hóa nghệ thuật Đông Dương: Bản giao hưởng của ước vọng

Cái tên Bảo tàng văn hóa nghệ thuật Đông Dương ở thành phố biển Hải Phòng dường như đã và đang tạo ra như một điểm nhớ để tìm về những giá trị lịch sử, những giá trị văn hóa của dân tộc Việt suốt dặm dài thời gian, sau những vần vũ biến thiên của lịch sử.

Nơi đây dù rất khiêm tốn nằm bên đường Quốc lộ 5 mới ( phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) nhưng đã có được sức hút với nhiều giới chuyên môn, các nhà khoa học và nhất là giới trẻ muốn tìm hiểu về giá trị lịch sử của đất Việt từ thuở hồng hoang cho đến cận đại.

Lạ thay, ông chủ bảo tàng không phải là một chuyên gia khảo cổ hoặc nhà lịch sử, mà chỉ là một doanh nhân đã bươn chải và thấm những bĩ cực của đời doanh nhân và nổi danh với danh hiệu vua cá sấu đất Bắc với tên gọi Tuấn cá sấu.

Gom nhặt để xây lâu đài văn hóa cho mai sau

Trong nhiều thập kỷ qua, trong lúc bước đi giữa cuộc đời mưu sinh bằng chính bản lĩnh, cùng với sự dày dặn kinh nghiệm trong thương trường, Cao Văn Tuấn, tức Tuấn Cá sấu, vẫn lặng lẽ, chắt chiu gom góp để giữ bền thú đam mê cháy bỏng của mình trong việc lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam, vô cùng đa dạng, và cũng đầy nhân văn.

Có lúc ông đã chối bỏ những phi vụ lớn, để đạp xe từ Hải Phòng lên Hà Nội, mua bằng được một cổ vật. Và cũng sẵn sàng đổi chiếc xe đạp duy nhất, giá trị nhất trong nhà lúc ấy, lấy hiện vật. Kể ra chi tiết này của Tuấn cá sấu không phải là kể khổ, mà muốn khẳng định sự hết mình của một người đam mê và luôn muốn giữ gìn lịch sử đất Việt yêu dấu.

Và rồi, khi có được những thành quả trong sản xuất, kinh doanh, thì Tuấn cá sấu lại càng có điều kiện để sưu tầm và bổ sung những cổ vật vô giá vào bộ sưu tầm đồ sộ của mình. Đến hôm nay, bộ sưu tầm đã có trên 15.000 hiện vật, với khoảng gần 3.000 cổ vật quý hiếm - những tài sản vô giá, không phải chỉ về giá trị thương mại, mà lớn hơn tất cả là giá trị lịch sử, giá trị về những nhân vật lịch sử, những thời kỳ lịch sử oai hùng của dân tộc.

Nếu là người chỉ nghĩ cho riêng mình, thì với khối tài sản đó, Tuấn Cá sấu có thể ung dung sống và thụ hưởng đến đời con cháu cũng không hết. Nhưng “gã khùng” Cao Văn Tuấn không làm vậy. Ông quyết định xây dựng một bảo tàng đúng nghĩa, để các thế hệ được chiêm ngưỡng, chiêm nghiệm những hiện vật của những lớp thời gian, những tầng văn hóa, những lớp nguyên khí của văn hóa Việt, con người Việt, dân tộc Việt.

Đúng như nhà báo Nguyễn Tiến Cường (Báo Nhân Dân) nhận định: Bên cạnh các bảo tàng nghệ thuật công lập, nhiều nhà sưu tập ở nước ta cũng đang sở hữu kho tàng vô giá các tác phẩm nghệ thuật, cổ vật và tư liệu, hiện vật văn hóa nghệ thuật trong các bảo tàng ngoài công lập. Không chỉ là niềm đam mê và tình yêu, họ còn mong muốn lan tỏa, giới thiệu những bộ sưu tập đó, góp phần vào công cuộc nghiên cứu, bảo tồn nghệ thuật dân tộc, giáo dục thẩm mỹ cho công chúng. Năng động và hiệu quả, nhưng các bảo tàng nghệ thuật tư nhân cũng đang gặp không ít khó khăn trong hoạt động.

Những hy vọng…

Ông Cao Văn Tuấn đã từng bộc bạch: "Khi sưu tập được một hiện vật hay các tác phẩm nghệ thuật đã tốn nhiều công sức và tiền bạc rồi; nhưng để đưa ra trưng bày được cho công chúng xem, thì còn tốn kém hơn rất nhiều lần. Như họa sỹ triển lãm tranh vậy. Trong đời họa sỹ, vẽ thì nhiều, nhưng triển lãm được bao nhiêu lần? Vây kinh doanh bảo tàng ư? Không, tôi không kinh doanh. Việt Nam đã có trên 100 bảo tàng, nhưng rất ít bảo tàng có chất lượng và lôi cuốn được công chúng. Sức hấp dẫn của các bảo tàng đối với công chúng hiện nay không tăng lên bởi vì số bảo tàng mới ra đời nhưng lại không mới và không đáp ứng nhiều lắm sự mong đợi của xã hội. Ở Mỹ, Úc, Châu Âu... Cuối tuần có thể nhìn thấy hình ảnh dân chúng xếp hàng dài vào thăm bảo tàng. Nhưng ở ta thì... mơ".

Lời bộc bạch của Tuấn Cá sấu, ông chủ của Bảo tàng văn hóa nghệ thuật Đông Dương, là sự trăn trở của người chủ bảo tàng sau một thời gian chính thức khai trương và đi vào hoạt động, sau khi được UBND thành phố Hải Phòng cho phép vào ngày 1/1/2023. Đó là sau một khoảng thời gian hoạt động, mặc dù miễn phí toàn bộ phí thăm quan và có nhiều lời mời trân trọng tới các cơ quan, tổ chức đến thăm quan bảo tàng, nhưng bảo tàng vẫn lưa thưa khách...

Đến với Bảo tàng văn hóa nghệ thuật Đông Dương, để cùng chiêm ngưỡng những cổ vật, những bức họa có một không hai mà Tuấn Cá sấu đã dầy công tìm về. Cao Văn Tuấn cũng đã phải đi nhiều nơi trong và ngoài nước, gặp không ít chuyên gia ở các lĩnh vực bảo tàng, di sản, các họa sĩ, các kiến trúc sư… để xin ý kiến tạo dựng cho không gian bảo tàng hôm nay. Để đến với bảo tàng hôm nay, khách thăm quan cảm nhận được những giá trị văn hóa, những bề dầy lịch sử dân tộc tích tụ trong đó.

Tầng 1 của bảo tàng là không gian trưng bày chính. Du khách có thể tới các hầm kho xem “Hùng thư bảo điện” (ban thờ của người Nhật), hay những hũ nhỏ xinh đựng gia vị có từ thuở Hai Bà Trưng dựng nước được xếp tầng tầng, lớp lớp.

Cũng ở tầng 1, là chiếc trống đồng Đông Sơn, tiêu biểu cho Văn hóa Đông Sơn (thế kỷ 7 TCN - thế kỷ 6 CN) của người Việt cổ với ngôi sao nhiều cánh ở giữa mặt trống tượng trưng cho thần Mặt trời, vẫn còn khá nguyên vẹn.

Sau khi tham quan hết khu trưng bày tại tầng , du khách sẽ được hướng dẫn lên tầng 2 để chiêm ngưỡng các hiện vật gốm, đá, đồ đồng gồm binh khí, thạp, đĩa, hũ, bình hay đồ trang sức từ văn hóa Phùng Nguyên (cách nay gần 4.000 năm) đến thời Lý, Trần, Mạc… rồi nhà Nguyễn; đều được nâng niu, đánh số. Ngoài ra, bảo tàng còn lưu giữ những cổ vật đặc biệt, có giá trị lịch sử lâu đời như đôi câu đối cổ ca ngợi công ơn Đức Vương Ngô Quyền có niên đại thế kỷ 18, lư hương triều Lê Trung Hưng thế kỷ 16-17, hay bộ ba pho tượng Đệ nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải) - một “tứ bất tử” trong truyền thống thờ phụng của người Việt; rồi bức tượng Phật bà quan âm thiên thủ thiên nhãn... và nhiều hiện vật khác.

Đẹp như vậy, lung linh như vậy nhưng Bảo tàng văn hóa nghệ thuật Đông Dương vẫn chỉ là “nàng tiên ngủ trong rừng”, chưa được đánh thức để lan tỏa. Để Bảo tàng có thể phát huy được những giá trị đáng có, cần một sự trợ lực từ các cơ quan chức năng và những nguồn lực hợp lý. Đúng như nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận định: Thông thường, chủ sở hữu các bảo tàng nghệ thuật tư nhân là những người có khả năng về tài chính, bên cạnh niềm đam mê và như một thú chơi, thì họ không có nhiều kiến thức chuyên môn về bảo tàng, không phải người làm bảo tàng chuyên nghiệp. Bởi vậy, để lan tỏa về giá trị hữu dụng của Bảo tàng văn hóa nghệ thuật Đông Dương cần có những hỗ trợ phù hợp kịp thời. Nếu không Bảo tàng văn hóa nghệ thuật Đông Dương sẽ mòn dần theo thời gian.

Với chủ nhân của bảo tàng, ông Cao Văn Tuấn, thì Bảo tàng văn hóa nghệ thuật Đông Dương là một bản giao hưởng của những ước vọng và những ẩn ức, với những cung bậc đầy nhân sinh, nhân văn, đang chờ để bừng lên những thanh âm đích thực...

Theo KDPT

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/bao-tang-van-hoa-nghe-thuat-dong-duong-ban-giao-huong-cua-uoc-vong-20241122153556130.htm