Báo Thái Nguyên và một chút kỷ niệm với cố Nhạc sĩ Phó Đức Phương
12 giờ 18 phút trưa 19-9, Nhạc sĩ Phó Đức Phương ra đi ở tuổi 76 do bạo bệnh. Vậy là lại thêm một tác giả của những ca khúc mang âm hưởng dân ca đã về với tiên tổ. Nhắc đến Phó Đức Phương, người dân Thái Nguyên nghĩ ngay đến Huyền thoại hồ Núi Cốc: Ơi núi Cốc/Ơi dòng sông Công…ca từ mời gọi khiến người con xa quê nào cũng muốn trở về.
Cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, việc ngăn dòng sông Công làm hồ Núi Cốc là việc của lãnh đạo tỉnh Bắc Thái và dân công công ích trong tỉnh Bắc Thái. Không mấy ai biết có một hồ nước nhân tạo được hình thành từ sức lao động thủ công, gắn với một huyền thoại về tình yêu trai gái đẹp đến nao lòng như vậy…
Rồi đầu những năm 80, trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam xuất hiện ca khúc mới có tên Huyền thoại ghi ở Hồ Núi Cốc (tên ca khúc đầy đủ) của Nhạc sĩ tài hoa Phó Đức Phương và những người thể hiện là giọng ca Thu Hiền, Thanh Hoa… Chưa từng biết đến hồ Núi Cốc nhưng nghe những ca từ mời gọi đến bồi hồi, người con xa quê nào chẳng muốn về với quê hương. Một trưa, nhóm biên tập viên cho Thông tấn xã Campuchia (SPK) chúng tôi ngồi ăn cơm cùng Phó Tổng giám đốc TTXVN Đỗ Phượng tại Tây Ninh thì Đài tiếng nói Việt Nam phát bài Huyền thoại hồ Núi Cốc… Nghe xong, ông Phượng bảo: Hay, lãng mạn, trữ tình quá. Chú Tích (anh Lý Văn Tích, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức TTXVN quê Hợp Thành - Phú Lương), chú Minh (là tôi) về với nàng Công, chàng Cốc đi thôi ( !)…
…Đầu năm 2000, gặp nhạc sĩ ở mấy đại hội, tôi luôn ngỏ ý mời nhạc sĩ trở lại Thái Nguyên, cũng là để làm cuộc phỏng vấn đăng báo Thái Nguyên cuối tuần. Nhạc sĩ khá bận nhưng vẫn vui vẻ nhận lời. Một sáng, anh Nguyễn Hoài Khiêm, Bí thư Đảng ủy Liên hợp Gang thép Thái Nguyên điện cho tôi, thông tin: Nhạc sĩ Phó Đức Phương đang ở Gang thép, có ý lên thăm báo Đảng. Tôi cho người đi đón, và triển khai ngay ê kíp phỏng vấn.
Năm ấy, tóc ông đã bạc khá nhiều. Gặp những người đam mê và hiểu âm nhạc, ông say xưa hát, say xưa kể: Ông được người đứng đầu ngành văn hóa Bắc Thái Nguyễn Văn Nhung mời và chu đáo cử Nhạc sĩ Lê Tú Anh đón lên thăm tỉnh và đặt hàng sáng tác ca khúc về quê hương, đặc biệt là công trình hồ Núi Cốc vĩ đại rộng 25 cây số vuông, chứa 17 triệu mét khối nước vừa hoàn thành. Ông cười rất tươi pha chút hóm hỉnh rồi nói, đại ý, mặc dù ông đã quen sáng tác theo đơn đặt hàng, nhưng “đề bài” của lãnh đạo tỉnh khó quá. Ông mông lung: Không thể đưa Nghị quyết số… hay nhờ sức mạnh tổng hợp, nhờ phối kết hợp vào ca từ nên ông chọn giải pháp “Ghi thành câu hát, gửi lại mai sau’’…Bài hát ra đời như thế đó, vậy là là chúng tôi có một bài báo về cuộc trao đổi của những người làm báo với Nhạc sĩ, âu cũng là cách thầm tri ân người nghệ sĩ rút ruột, lao tâm để tôn vinh vùng đất này…
Tối đó, chúng tôi được trà dư, tửu hậu với Nhạc sĩ do anh Nguyễn Hoài Khiêm mời tại Trà Hoa Viên bên đường tròn Gang thép Nhạc sĩ tâm tình: Ông sáng tác bài Hồ trên núi là đi làm nhạc cho phim “Sông nước quê hương” của Đạo diễn Khánh Dư tại Hồ Cấm Sơn bên Lục Ngạn, Bắc Giang, nhiều người cứ nghĩ là nói về Hồ Thác Bà bên Yên Bái, may chả ai nghĩ đấy là hồ Núi Cốc.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương có 18 năm làm Giám đốc Trung tâm bản quyền âm nhạc Việt Nam. Vượt qua bao khó khăn, bằng tài năng và tâm huyết, ông đã đưa lĩnh vực bản quyền, sở hữu trí tuệ âm nhạc vào ý thức cộng đồng, từng bước động viên những người lao động và cống hiến cho âm nhạc. Khi làm Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, sử dụng tác phẩm âm nhạc nhiều, tôi thường nhắc anh em phải làm tròn nghĩa vụ tài chính bản quyền âm nhạc vì các tác giả rất thiệt thòi. Giám đốc - Nhạc sĩ Phó Đức Phương rất vui…
Giờ đây Nhạc sĩ đã về với nơi ông sinh ra, xã Đa Ngưu, huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên, nơi có dòng sông Hồng hát ru đêm ngày. Còn chúng tôi “Qua Núi Cốc đem lòng thương nhau” bởi ông đã “Ghi thành câu hát, gửi lại mai sau...