Bảo Thắng góp phần xây dựng thương hiệu hàng Việt

Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' đã góp phần tạo chuyển biến về nhận thức của người dân trên địa bàn huyện Bảo Thắng, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu hàng Việt.

Tại huyện Bảo Thắng, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên huyện Bảo Thắng thường xuyên tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên và người dân bằng nhiều hình thức như thông qua hội nghị, hệ thống loa truyền thanh ở khu dân cư và các bản tin, trang thông tin điện tử… Cuộc vận động góp phần đẩy mạnh văn hóa tiêu dùng của người dân trên địa bàn đối với hàng hóa sản xuất trong nước và nông sản của địa phương.

Bưởi Múc đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

Bưởi Múc đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

Để cuộc vận động đi vào chiều sâu, huyện cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các nội dung theo lĩnh vực mà ngành quản lý. Có thể kể đến như Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý chất lượng an toàn thực phẩm cho cán bộ xã và người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Năm 2019, UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền thực hiện cao điểm năm an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp được 25 lượt trên hệ thống loa truyền thanh; cấp 40 giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho 40 người và ký cam kết với gần 1.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh ban đầu, nhỏ lẻ thuộc ngành nông nghiệp quản lý.

Đặc biệt, không chỉ tuyên truyền để người dân nhận thức ưu tiên sử dụng hàng Việt, huyện Bảo Thắng còn xây dựng nhiều sản phẩm mang thương hiệu riêng, khẳng định vị thế của sản phẩm địa phương trên thị trường. Huyện đang duy trì vùng sản xuất rau an toàn tại 3 thôn Giao Ngay, Giao Tiến, Thái Bo (xã Gia Phú) và rau, hoa công nghệ cao tại thôn An Tiến (xã Sơn Hà), thôn Đồng Lục (xã Gia Phú). Ngoài ra, nhắc đến sản phẩm uy tín sản xuất tại Bảo Thắng phải kể đến tinh dầu sả. Hợp tác xã Minh Ngọc (xã Phong Niên) đã đầu tư xây dựng 2 lò chưng cất tinh dầu sả, ký hợp đồng thuê và trồng 25 ha cây sả, đồng thời liên kết với các công ty dược liệu để tiêu thụ sản phẩm tinh dầu sả. Trong thời gian tới, hợp tác xã tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu sang các thôn lân cận có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với sự phát triển của cây sả Java như các thôn Cốc Sâm 2, Cốc Tủm, Phìn Giàng.

Bên cạnh đó, sản phẩm bưởi Múc xã Thái Niên đã xây dựng được thương hiệu và có uy tín trên thị trường. Hiện xã có 197 ha bưởi Múc, trong đó riêng thôn Múc có hơn 24 ha. Trong thôn, mỗi gia đình trồng khoảng 25 - 30 cây, có những gia đình trồng 200 - 300 cây. Điển hình như các gia đình ông Vũ Đình Hựu, ông Nguyễn Văn Tiến có thu nhập 500 - 600 triệu đồng/năm nhờ loại cây này. Bưởi Múc đã trở thành sản phẩm chủ lực mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã Thái Niên, nâng cao vị thế của sản phẩm địa phương trên thị trường.

Bà Lê Giang Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bảo Thắng cho biết: Từ khi cuộc vận động được triển khai, các tổ chức đoàn thể và người dân tích cực hưởng ứng và nhận thức được lợi ích của việc dùng hàng Việt, góp phần đẩy lùi tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo ổn định thị trường tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe của người dân. Thời gian tới, Bảo Thắng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về hàng Việt đến người dân và tăng cường tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về vùng nông thôn, vùng cao, đồng thời quảng bá sâu rộng các sản phẩm đặc hữu của địa phương.

Hoàng Thu

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/bao-thang-gop-phan-xay-dung-thuong-hieu-hang-viet-z36n20200318090939637.htm