Bảo tồn biển: Từ cứu cá voi đến công viên hải dương

Những nỗ lực bảo tồn biển đang được triển khai trên thế giới, bao gồm việc bảo vệ đàn cá voi và mở rộng một công viên hải dương lớn ở Australia.

Chim cánh cụt hoàng gia và hải cẩu voi ở đảo Macquarie, Australia. (Nguồn: CNN)

Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động của con người đã gây ra nhiều đe dọa cho sự sinh tồn của nhiều loài sinh vật biển. Chính vì thế, những hoạt động bảo tồn biển trở nên cấp thiết trên thế giới.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Royal Society Open Science ngày 28/2 vừa qua cho biết, số lượng cá voi lưng gù ở Bắc Thái Bình Dương đã giảm mạnh tới 20% trong vòng chưa đầy một thập kỷ, với các đợt nắng nóng ở biển được coi là thủ phạm chính, báo hiệu tương lai đầy khó khăn cho loài động vật có vú lớn nhất hành tinh này.

Nguy cơ cá voi chết đói

Nhóm nghiên cứu gồm 75 nhà khoa học quốc tế đã biên soạn bộ dữ liệu nhận dạng bằng hình ảnh lớn nhất từng được tạo ra cho một loài động vật để theo dõi quần thể cá voi lưng gù ở Bắc Thái Bình Dương từ năm 2002-2021.

Sử dụng ảnh chụp những chiếc đuôi độc đáo của loài cá voi để nhận dạng, phân biệt chúng, nhóm nghiên cứu đã xác định có hơn 33.000 con cá voi cho đến thời điểm 2012.

Trong hàng trăm năm qua, người ta đã săn bắn cá voi lưng gù ở khắp các đại dương để khai thác dầu cá voi, thịt và các tấm sừng có công dụng như răng hàm của chúng. Năm 1986, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã liệt loài này vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu.

Nhờ những nỗ lực bảo tồn và việc chấm dứt săn bắt cá voi, quần thể cá voi lưng gù đã tăng dần đều cho đến năm 2012. Nhưng ngay sau đó, số lượng cá voi lại giảm mạnh.

Từ năm 2012-2021, số lượng cá voi lưng gù đã giảm 20%, từ khoảng 33.000 con xuống chỉ còn hơn 26.600 con.

Từ năm 2014-2016, đợt nắng nóng trên biển mạnh nhất và dài nhất từng được ghi nhận đã tàn phá vùng Đông Bắc Thái Bình Dương, với nhiệt độ đôi khi vượt đến 6 độ C, làm thay đổi hệ sinh thái biển và làm suy giảm nguồn thức ăn của loài cá voi lưng gù, gồm các loài nhuyễn thể (mực, bạch tuộc) và tôm nhỏ.

Tác giả nghiên cứu Ted Cheeseman, nhà sinh vật học chuyên về cá voi và nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Southern Cross ở New South Wales (Australia), chia sẻ với AFP: “Chúng tôi ước tính có khoảng 7.000 con cá voi đã chết vì đói”.

Ông Cheeseman nói: “Ngày nay, việc bảo tồn sinh vật biển phải đi đôi với các hành động bảo vệ khí hậu. Những nỗ lực bảo tồn đã thành công khi giúp loài cá voi này không còn nguy cơ tuyệt chủng như hồi cách đây 50 năm. Tuy nhiên, có một thực tế mà chúng ta phải đối diện, đó là các đại dương đang thay đổi”.

Trong những nỗ lực bảo tồn biển, đáng kể tới việc Australia quyết định mở rộng gấp ba quy mô của Công viên biển thuộc đảo Macquarie nhằm bảo vệ hàng triệu loài chim biển và động vật dễ bị tổn thương.

Hòn đảo Macquarie, nằm ở khoảng giữa Australia và Nam Cực, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1997 và Công viên biển được thành lập ở đây năm 1999.

Mở rộng Công viên biển

Kể từ ngày 1/7/2023, Công viên Hải dương đảo Macquarie đã được mở rộng với tổng diện tích 475.465 km2, tăng lên gần 300% so với diện tích trước đó.

Theo Bộ trưởng Môi trường Australia Tanya Plibersek, khoảng 93% diện tích công viên sẽ là khu bảo tồn biển được bảo vệ và “hoàn toàn cấm đánh bắt cá, khai thác mỏ, và các hoạt động khai khoáng khác”.

Đảo Macquarie và vùng biển xung quanh nó là một địa điểm có ý nghĩa tự nhiên và địa chất nổi bật. Đây là nơi sinh sản của hàng triệu loài chim biển dễ bị tổn thương và động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm chim hải âu, hải cẩu lông, cá voi và một số loài chim cánh cụt, trong đó có loài chim cánh cụt hoàng gia, loài không thể tìm thấy ở nơi nào khác trên Trái đất.

“Chúng tôi muốn bảo vệ đại dương cho thế hệ con cháu chúng ta. Đây là một phần trong sứ mệnh của chúng tôi nhằm bảo tồn những địa điểm đặc biệt của Australia, đặc biệt là những nơi sinh sống của các loài bị đe dọa”, bà Plibersek nhấn mạnh.

Việc mở rộng công viên biển được các nhóm hoạt động vì môi trường rất hoan nghênh, do họ vốn lo ngại khu vực đảo này có thể trở thành nơi đánh bắt cá mang mục đích thương mại, và khai thác dưới đáy biển. Họ cho rằng đây là một thắng lợi to lớn cho hệ sinh vật biển có tầm quan trọng toàn cầu trong khu vực.

Tổ chức Bảo tồn đảo Macquarie nói với CNN, công viên biển này có tầm quan trọng đặc biệt đối với các loài trên đảo Macquarie.

“Nhiều loài động vật sống dựa vào vùng biển xung quanh đảo Macquarie để kiếm thức ăn và việc bảo vệ khu vực này sẽ giúp bảo tồn những loài này cho các thế hệ tương lai”.

Bà Fiona Maxwell, Giám đốc phụ trách mảng đại dương của Quỹ từ thiện Pew, nhận xét, chính phủ Australia “đã có sự quan tâm thích đáng, bằng cách mang đến cho các loài sinh vật biển của đảo Macquarie sự bảo vệ xứng đáng”.

Theo ông Darren Kindleysides, Giám đốc điều hành của Hiệp hội bảo tồn biển Australia, các khu bảo tồn rất quan trọng đối với động vật biển, hệ sinh thái đại dương và nghề cá thương mại bền vững.

“Trên khắp vùng đại dương ở Nam bán cầu, nhiệt độ đang tăng lên và tốc độ tan băng đã tăng nhanh gấp ba lần trước đây. Nghề cá công nghiệp đang gây tổn hại đến các khu vực có đa dạng sinh học cao, nên các loài động vật phong phú của đại dương đang phải vật lộn để thích nghi với những thay đổi nhanh chóng này”.

“Việc bảo vệ khu bảo tồn sẽ giúp môi trường biển ở gần Nam Cực có khả năng phục hồi khi đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng, đồng thời giúp bảo vệ điểm nóng động vật hoang dã có tầm quan trọng toàn cầu này khỏi các mối đe dọa trong tương lai”, ông nói.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ đó, hy vọng các loài động vật hoang dã như cá voi, hải cẩu và chim cánh cụt vẫn còn môi trường sống bình yên trong những thập kỷ tới.

(tổng hợp)

HOÀNG TRUNG HIẾU

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-ton-bien-tu-cuu-ca-voi-den-cong-vien-hai-duong-263298.html