Bảo tồn di sản trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng
Với quyết tâm, nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, cuối năm 2018, Non nước Cao Bằng được UNESCO vinh danh là Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hành trình bảo tồn và khai thác tiềm năng di sản, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của địa phương.
KHO TÀNG DI SẢN PHONG PHÚ, ĐA DẠNG
Công viên địa chất Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.683 km2, nằm trên địa giới hành chính của Thành phố và các huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang và một phần diện tích các huyện Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An. Nơi đây được xem như chiếc nôi của người tiền sử với vô vàn di sản quý giá, phản chiếu hơn 500 triệu năm lịch sử hình thành của trái đất, minh chứng sinh động cho sự tiến hóa địa chất lâu đời, đa dạng sinh học. Chỉ riêng trong vùng CVĐC chứa đựng trên 130 điểm di sản địa chất quý giá như dấu tích hóa thạch cổ sinh, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản, ranh giới phân vị địa chất, đứt gãy... với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi phong phú, đa dạng như các tháp đá, nón, hang động, thung lũng, các sông hồ, hang ngầm… phản ánh chu kỳ tiến hóa karst kéo dài hàng trăm triệu năm.
Không chỉ là nơi lưu giữ ký ức địa chất mà còn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, gắn liền với những di tích lịch sử tiêu biểu cho công cuộc đấu tranh giữ nước, bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc như: đền vua Lê, đền Dẻ Đoóng, Khu di tích lịch sử Kim Đồng, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó cùng các dấu ấn trong quá trình hoạt động cách mạng từ năm 1941 - 1944 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hay huyền thoại đường số 4, sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; đỉnh núi Báo Đông - nơi ghi dấu sự kiện lần đầu tiên và duy nhất Bác Hồ trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo, động viên quân và dân chiến đấu... Trên địa bàn tỉnh hiện có 102 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng các cấp; 67 di tích, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 19 di tích quốc gia và 20 di tích cấp tỉnh.
Cùng với đó là nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Tỉnh có hơn 2.000 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó, loại hình tiếng nói, chữ viết có 6 di sản, loại hình ngữ văn dân gian 150 di sản, tập quán xã hội và tín ngưỡng 745 di sản, lễ hội truyền thống 200 di sản, nghề thủ công truyền thống 112 di sản, tri thức dân gian 487 di sản, nghệ thuật trình diễn dân gian 300 di sản. 7 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đặc biệt, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” (trong đó có nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng) được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.
NỖ LỰC BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN
Công tác xây dựng và phát huy danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được thực hiện đảm bảo theo các tiêu chí và 6 khuyến nghị của chuyên gia UNESCO. Tỉnh xây dựng các chương trình, nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhân dân về bảo vệ và phát huy giá trị CVĐC, phát triển du lịch bền vững, hợp tác quốc tế… với nhiều hoạt động đa dạng, hiệu quả. Tổ chức tập huấn, hội thảo, khảo sát thực địa nâng cao năng lực, tuyên truyền, giáo dục về CVĐC cho cá nhân, cộng đồng dân cư, đối tác CVĐC. Nổi bật là công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, từ đó thay đổi hành vi tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di sản CVĐC.
Chị Phan Xuân Tuyển, giáo viên Trường THPT Nà Bao (Nguyên Bình) chia sẻ: Câu lạc bộ “Cùng em khám phá CVĐC” nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo giáo viên, học sinh nhà trường. Qua các hoạt động trải nghiệm khơi gợi niềm tự hào quê hương, trách nhiệm giữ gìn, tuyên truyền, quảng bá nâng cao ý thức bảo vệ, gìn giữ các loại hình di sản cho học sinh.
Dưới sự tư vấn của chuyên gia UNESCO, tỉnh xây dựng 4 tuyến du lịch trải nghiệm kết nối 57 điểm di sản, đối tác với các tuyến, mang tên gọi “Khám phá Phja Oắc - Vùng núi của những đổi thay”, “Hành trình về nguồn cội”, “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”, “Một thời hoa lửa”. Các điểm di sản xây dựng các biển, bảng quảng bá, chỉ dẫn, biển thông tin, bãi đỗ xe, pano checkin… thu hút đông đảo người dân và du khách.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai nhiều chương trình đảm bảo cảnh quan và khoanh vùng bảo vệ các điểm di sản, thực hiện bàn giao sản phẩm của Dự án “Khoanh vùng di sản và đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị tổng thể các loại hình di sản trong CVĐC Non nước Cao Bằng”. Thông qua việc thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học về sưu tầm, nghiên cứu các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật dân ca, dân nhạc, dân vũ và các dự án về phát triển du lịch tại tỉnh, đặc biệt là trong phạm vi CVĐC, như: sưu tầm, nghiên cứu các làn điệu Dá Hai, nghệ thuật hát Then, đàn tính, dân ca, dân vũ của người Sán Chỉ, Dao Đỏ…; phục dựng các lễ hội: Lễ hội Nàng Hai, nghiên cứu nghi lễ đám cưới của người Lô Lô; Dự án bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Tày xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh)… Công tác phát triển mạng lưới đối tác CVĐC, cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân cư gắn với quản lý và bảo tồn di sản được các cấp, ngành quan tâm đẩy mạnh. Hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, kinh tế du lịch phát triển mạnh, các ngành nghề, dịch vụ tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được quan tâm lãnh đạo triển khai thực hiện đạt những kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 100% xóm, bản, tổ dân phố xây dựng, rà soát, sửa đổi quy ước, hương ước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; 100% lễ hội được tổ chức theo nếp sống văn minh đảm bảo đúng quy định; các hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi, môi trường văn hóa được xây dựng lành mạnh, tiến bộ, văn minh... Năm 2024, toàn tỉnh có trên 85% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, trên 80% xóm, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sầm Việt An cho biết: Để kết hợp giữa bảo tồn và phát triển kinh tế vùng, Sở đẩy mạnh phát triển, cung cấp các loại hình dịch vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan tại điểm di sản, khuyến khích người dân địa phương tham gia bán sản phẩm địa phương gần điểm di sản và thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; giới thiệu thông tin về điểm di sản cho du khách có thể triển khai tại các điểm di sản Mắt Thần núi, san hô cổ Lang Môn, Bazan cầu gối đèo Mã Phục… Chú trọng phát triển nghề thủ công truyền thống, thực hiệc các hoạt động chia sẻ lợi ích cộng đồng, cải thiện sinh kế và xây dựng hạ tầng cơ sở thúc đẩy các hoạt động phát triển du lịch bền vững. Đặc biệt là huy động sự tham gia trực tiếp của người dân cư bản địa sinh sống tại khu vực nơi có điểm di sản trong việc bảo vệ và phát huy các điểm di sản địa chất vùng CVĐC Non nước Cao Bằng.
Việc bảo vệ và khai thác các giá trị di sản địa chất, địa mạo cảnh quan cùng các giá trị về văn hóa, lịch sử, đa dạng sinh học góp phần quan trọng trong phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền, sự đồng lòng, nêu cao ý thức, trách nhiệm của người dân chính là chìa khóa để CVĐC Non nước Cao Bằng tiếp tục tỏa sáng, khẳng định thương hiệu, vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam cũng như thế giới.