Bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng
Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Sóc Trăng luôn xác định bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa là yếu tố không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Khmer. Với lịch sử lâu đời, người Khmer ở Sóc Trăng đã kết tinh nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc, từ các loại hình nghệ thuật, tới văn hóa tín ngưỡng, văn hóa lễ hội…
Ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, chẳng mấy ai không biết tới bà Triệu Thị Vui, một nghệ nhân nổi tiếng với nghề khắc tranh trên kính. Đây là một nghệ thuật truyền thống ra đời từ cách đây khoảng nửa thế kỷ, với những bức tranh mang đậm sắc thái văn hóa hội họa của đồng bào Khmer, được thể hiện qua từng nét vẽ chăm chút trên tấm kính trong suốt.
Bà Triệu Thị Vui kể rằng, trước đây, mọi người trong ấp đều làm nghề này – từ người già đến trẻ nhỏ. Gia đình bà cũng đã có 5 đời làm nghề khắc tranh trên kính. Nhưng thời gian qua đi, những người làm nghề cứ thưa dần bởi đây là một nghề khó, làm hoàn toàn bằng thủ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ mà không phải ai cũng đủ kiên nhẫn theo nghề. Giờ đây, trong ấp Phước Thuận chỉ còn duy nhất bà Triệu Thị Vui là nghệ nhân khắc tranh trên kính.
"Tranh kính ở ấp Phước Thịn chủ yếu là vẽ Đức Phật, vì đồng bào dân tộc Khmer tôn trọng Đức Phật lắm, nhà nào cũng phải có hình Phật để trong nhà. Nghề này là mình học truyền thống, gia truyền từ ông bà để lại. Giờ gần hết người làm rồi, vì họ già, mắt kém không nhìn được. Tôi rất mong muốn duy trì nghề truyền thống này để truyền đạt cho những lớp trẻ", bà Triệu Thị Vui tâm sự.
Bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc, của gia đình, gìn giữ nét văn hóa lâu đời của người Khmer – bà Triệu Thị Vui cảm thấy may mắn khi nỗi niềm trăn trở của mình nhận được sự thấu hiểu, ủng hộ của chính quyền địa phương. Để rồi, một lớp học ngay tại cơ sở sản xuất của gia đình bà đã được tổ chức để bà có thể truyền đạt lại những kỹ năng mà bà tích lũy được trong hàng chục năm qua.
Ông Phạm Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Phú Tân cho biết: "Nghề này chỗ cô Vui hồi xưa là truyền lại của cha mẹ là 5 đời rồi. Ở Sóc Trăng chỉ duy nhất ở đây có, ở ấp cũng chỉ có chỗ cô Vui làm. Địa phương cũng xin ý kiến của huyện, tỉnh để hỗ trợ cô gắng duy trì nghề này. Thứ nhất là xây dựng phòng học để truyền nghề cho các em và đã đào tạo được 15 em, đồng thời đề nghị tỉnh rà soát và bổ sung vào danh mục nghề truyền thống".
Giống như khắc tranh trên kính, những làng nghề truyền thống khác ở Sóc Trăng như dệt chiếu, đan đát…đều là những nơi lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo của người Khmer, từ nghệ thuật về trang trí, chạm khắc, hội họa, đến thể hiện đời sống tinh thần, tín ngưỡng tôn giáo của người Khmer. Bởi thế, theo ông Sơn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa chung của Sóc Trăng.
"Với phương hướng phát triển làng nghề truyền thống phát triển du lịch cộng đồng, Sóc Trăng cũng đang đầu tư và bảo tồn như cốm dẹt, vẽ tranh trên kiếng, dệt chiếu…Với ưu thế là có nét văn hóa đặc sắc, thu hút nhiều khách du lịch, các làng nghề cũng là nơi thu hút nhiều khách du lịch", ông nói.
Cùng với các loại hình nghệ thuật, lễ hội cũng là “mảng ghép” không thể thiếu trong văn hóa của người Khmer ở Sóc Trăng, với nhiều cái tên quen thuộc như Lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe Ngo, Lễ hội Phước Biển, Lễ hội Thắc Côn, Lễ Dâng hương liệt sĩ nhà sư yêu nước Achar Sơn Thal của dân tộc Khmer… Trong đó, nổi tiếng nhất là lễ hội Ok Om Bok – Đua ghe ngo được tổ chức vào tháng 10 âm lịch hàng năm khi kết thúc vụ mùa. Đây là dịp để người Khmer bày tỏ lòng biết ơn với vị thần Mặt Trăng vì đã giúp bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại cây trái tốt tươi, no ấm cho người dân.
Lễ hội Ok Om Bok – Đua ghe Ngo ở Sóc Trăng đã được Tổ chức Guinness Việt Nam công nhận là lễ hội có số lượng ghe và vận động viên tham gia đông nhất Việt Nam, là niềm tự hào của người dân tỉnh Sóc Trăng nói chung, của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Lễ hội cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhân là di sản văn hóa phi vật thể để vừa bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, vừa tạo điều kiện cho đồng bào tham gia và hưởng thụ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Ông Lý Rotha, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Người Khmer ở Sóc Trăng thời gian qua rất đoàn kết, cùng nhau thực hiện nhiều chương trình, trong đó có duy trì và phát huy lễ hội Ok Om Bok. Lễ hội năm vừa rồi đã đạt kỷ lục về số lượng ghe và vận động viên tham dự. Lễ hội vừa để bảo tồn các giá trị văn hóa, vừa để giáo dục giới trẻ về lối sống tích cực của người Khmer".
Hiện nay, Sóc Trăng có 8 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó 5 di sản là của đồng bào Khmer gồm Lễ hội đua ghe Ngo, nghệ thuật trình diễn dân gian sân khấu Dù Kê, nghệ thuật trình diễn dân gian múa Rom Vong, nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ âm, nghệ thuật trình diễn dân gian Rô Băm. Theo chủ trương của Sóc Trăng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Vì thế, tỉnh đang tập trung thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030. Đây là cách để các giá trị văn hóa của người Khmer góp phần xây dựng nền văn hóa chung của Việt Nam – một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của tất cả các dân tộc anh em./.