Bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc Thái

Sơn La, vùng đất giàu truyền thống văn hóa, nơi sinh sống của 12 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Thái chiếm hơn một nửa dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc Thái sở hữu một kho tàng văn hóa truyền thống đặc sắc, đang được gìn giữ, lan tỏa, khơi gợi tình yêu văn hóa trong giới trẻ.

 Câu lạc bộ Văn hóa Thái bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi tập hát dân ca Thái.

Câu lạc bộ Văn hóa Thái bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi tập hát dân ca Thái.

Câu lạc bộ Văn hóa Thái bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi, thành lập từ năm 2020. Vào tối thứ 6 hàng tuần, các thành viên trong CLB tập trung về nhà văn hóa bản để tập múa, hát, chia sẻ về các phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết của dân tộc. Em Lò Thị Bảo Trâm, thành viên nhỏ tuổi nhất của CLB chia sẻ: Em rất tự hào vì mình là dân tộc Thái, mỗi khi rảnh rỗi em lại được các bà, các mẹ dạy hát, em sẽ cố gắng tiếp thu, góp phần gìn giữ văn hóa của dân tộc.

Ban Chủ nhiệm CLB Văn hóa Thái bản Chậu Cọ xây dựng kế hoạch sinh hoạt theo từng chủ đề, hoạt động theo phương thức xã hội hóa, huy động sự tham gia tự nguyện từ cá nhân và cộng đồng. Tính đến nay, CLB thú hút hơn 60 thành viên tham gia sinh hoạt, trong đó, thành viên nhỏ tuổi nhất 12 tuổi, thành viên nhiều tuổi nhất trên 70 tuổi.

Bà Hoàng Thị Châu, Phó Chủ nhiệm CLB Văn hóa Thái bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi cho biết: Câu lạc bộ có các đội: văn nghệ; đan lát; tó phại; tó mák lẹ và đội hát Thái, thường xuyên tập luyện theo các chủ đề. Bên cạnh đó, CLB luôn chú trọng việc truyền dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái cho các cháu nhỏ.

CLB Văn hóa Thái bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi tập hát dân ca Thái.

CLB Văn hóa Thái bản Chậu Cọ, phường Chiềng Cơi tập hát dân ca Thái.

Kin Pang Then là Lễ hội truyền thống gắn liền với nghệ thuật hát Then của người Thái trắng ở Quỳnh Nhai, Sơn La, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đồng bào người Thái vùng lòng hồ Sông Đà vẫn giữ được nét đặc trưng của lễ hội. Thường xuyên tổ chức, phục dựng để giữ gìn bản sắc, khẳng định cội nguồn và giáo dục văn hóa truyền thống.

Nghệ nhân Nhân dân Điêu Văn Minh, tiểu khu 5, xã Quỳnh Nhai, cho biết: Lễ hội Kin Pang Then được tổ chức hàng năm là dịp để tạ ơn tổ tiên, cầu cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, bà con có sức khỏe, hạnh phúc. Không gian lễ hội thành điểm hẹn văn hóa cho mọi người cùng nhau múa hát, chơi các trò dân gian, khơi dậy tinh thần đoàn kết, bồi đắp niềm tự hào dân tộc.

Các nghệ nhân thực hiện nghi thức cúng Then tại Lễ hội Kin Pang Then.

Các nghệ nhân thực hiện nghi thức cúng Then tại Lễ hội Kin Pang Then.

Phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, thời gian qua, các sở, ban, ngành cùng chính quyền các cấp tỉnh Sơn La luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa dân tộc. 6 tháng qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã thực hiện bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật Xòe Thái”; xây dựng clip quảng bá sách ảnh “Xòe Thái”. Nghiên cứu, lựa chọn lập danh mục bộ sưu tập Sách chữ Thái cổ - Thể loại tín ngưỡng, lập hồ sơ khoa học di tích trình xếp hạng cấp tỉnh năm 2025. Một số lễ hội, nghi lễ của dân tộc Thái được phục dựng và tổ chức hàng năm, như: Lễ hội Đua thuyền truyền thống, Lễ hội Hoa Ban, Lễ Mừng cơm mới… góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Múa Vũ điệu kết đoàn do nhân dân bản Hụm, phường Chiềng An thể hiện.

Múa Vũ điệu kết đoàn do nhân dân bản Hụm, phường Chiềng An thể hiện.

Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, cho biết:Việc bảo tồn giá trị của văn hóa dân tộc Thái, đã đạt nhiều kết quả tích cực. Ở khắp mọi các bản làng của người Thái, văn nghệ dân gian vang lên hàng ngày, hàng giờ, khắp mọi nơi và luôn song hành trong đời sống đồng bào dân tộc Thái. Hiện nay, ngành đang tập trung chỉ đạo nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh xây dựng các chính sách hỗ trợ nghệ nhân trong việc bảo tồn di sản văn hóa, nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trong những năm tiếp theo.

Với tình yêu bền bỉ từ các nghệ nhân, sự tiếp nối của thế hệ trẻ và sự quan tâm từ cấp ủy, chính quyền, văn hóa dân tộc Thái được nuôi dưỡng, thắp lên và lan tỏa, trở thành những “di sản sống” trường tồn mãi theo thời gian./.

Thanh Minh

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi-video/bao-ton-gin-giu-net-dep-van-hoa-dan-toc-thai-x99H9fyNR.html