Bài 2 - Thắp sáng vùng cao từ hồn văn hóa
Những bản làng từng cheo leo giữa đại ngàn biên giới Lạng Sơn, nay đã có đường nhựa, đường bê tông đến tận ngõ, nhà kiên cố hiện hữu giữa những rừng hồi, rừng quế. Trường học rộn tiếng cười trẻ nhỏ, y tế, nước sạch, nghề nghiệp, sinh kế... dần đủ đầy hơn với đồng bào dân tộc thiểu số.
Dấu ấn chính sách nơi non cao: Bài 1 - Lạng Sơn bật dậy từ nền móng chính sách vùng dân tộc
Từ chỗ trông chờ, ỷ lại, nhiều hộ dân đã chuyển mình vươn lên thoát nghèo, bắt đầu nghĩ đến chuyện làm ăn, khởi nghiệp. Đằng sau những đổi thay ấy là dấu ấn sâu đậm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một hành trình vừa gian nan vừa đầy hy vọng đang dần định hình diện mạo mới nơi non cao biên giới.
Những con số biết nói từ vùng cao
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2021–2025, tỉnh Lạng Sơn được phân bổ thực hiện 10 dự án lớn trong Chương trình MTQG, bao trùm các lĩnh vực then chốt như đất ở, nước sạch, giáo dục, y tế, sản xuất, hạ tầng, văn hóa – xã hội.
Tổng thể, tỉnh đã và đang thực hiện hỗ trợ thiết thực cho hàng chục ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số, với kết quả giải ngân dự kiến đạt từ 70–100% ở phần lớn các tiểu dự án trọng yếu.
Đặc biệt, Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt ghi nhận nhiều dấu ấn: 1.323 hộ nghèo đã được hỗ trợ xây nhà (đạt 66% kế hoạch); 7.723 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán (70% kế hoạch); 50 công trình nước sinh hoạt tập trung đã hoàn thành (vượt gấp đôi kế hoạch).

Gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Bình Gia (trước ngày 1.7.2025) phấn khởi trước ngôi nhà mới xây từ nguồn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: Công thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn
Đồng thời, công tác chuyển đổi nghề cho đồng bào đang diễn ra mạnh mẽ: 2.554/5.000 hộ đã được hỗ trợ học nghề, chuyển đổi sinh kế (đạt 51%). Dù còn khiêm tốn, đây là một bước đi căn bản giúp người dân từ chỗ “được cho” sang “tự kiếm sống”.
Dự án 2 về bố trí ổn định dân cư cho thấy sự quyết liệt khi 1.025 hộ đã được sắp xếp di dời đến nơi ở mới trong 8/9 dự án đầu tư trọng điểm. Tỷ lệ giải ngân dự kiến đạt 100%, góp phần tạo lập cuộc sống mới cho đồng bào tại các vùng nguy cơ thiên tai, sạt lở.
Dự án 3 với mục tiêu phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị được đồng bào đón nhận tích cực: 47 dự án hỗ trợ theo chuỗi và 309 mô hình đa dạng sinh kế đã tiếp cận tới gần 10.300 hộ dân. Riêng diện tích rừng được giao khoán bảo vệ đạt 93.200 ha (vượt 112% kế hoạch), cho thấy nỗ lực rõ nét trong gắn sản xuất với bảo vệ tài nguyên.
Trong khi đó, Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu đã đem lại diện mạo mới cho vùng cao. Gần 600 công trình lớn nhỏ đã và đang được đầu tư, 193 km đường đất được cứng hóa (vượt 63% kế hoạch), 2 trạm y tế xã được xây mới, hàng loạt chợ, trạm y tế, nhà sinh hoạt văn hóa... được sửa chữa, cải tạo đồng bộ. Tỷ lệ giải ngân đến cuối năm 2025 dự kiến đạt 98%, một con số cho thấy sự quyết tâm và hiệu quả đầu tư.
Với Dự án 5 về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đến nay tỉnh đã đầu tư cho 85 trường học với 212 phòng học vượt chỉ tiêu đề ra. Các lớp xóa mù chữ thu hút 3.175 người; hơn 9.000 người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho hơn 4.000 lượt người.
Tuy vậy, các nội dung đào tạo dự bị đại học, đại học, sau đại học mới chỉ giải ngân được 5–10% do khó khăn trong lồng ghép chính sách và hạn chế đối tượng phù hợp.
Vun đắp con người – Gieo mầm văn hóa – Tăng cường an sinh
Dự án 6 về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS là một điểm sáng đặc biệt trong hành trình chuyển mình của vùng cao.
Với quyết tâm khôi phục tinh thần dân tộc ngay tại từng bản làng, Lạng Sơn đã triển khai đồng bộ các hoạt động khảo sát, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống như một cách lưu giữ ký ức vùng cao bằng trí nhớ cộng đồng.

Truyền dạy và phục dựng múa sư tử truyền thống cho thanh thiếu niên dân tộc Tày
Hai lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số đã được phục dựng thành công, không chỉ tái hiện sắc màu văn hóa bản địa mà còn góp phần thu hút khách du lịch, nâng cao lòng tự hào dân tộc. 26 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, những “kho báu sống” của cộng đồng đã được hỗ trợ bảo tồn kỹ năng, truyền dạy tri thức văn hóa phi vật thể.
Tỉnh đã tổ chức 40 lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ; hỗ trợ 3 dự án nghiên cứu, phục hồi và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một. Hai mô hình văn hóa truyền thống đã được xây dựng; 23 câu lạc bộ văn hóa dân gian được duy trì sinh hoạt thường xuyên tại các thôn vùng cao, trở thành nơi hội tụ tâm hồn cộng đồng sau ngày lao động.
Đặc biệt, 303 đội văn nghệ truyền thống đang hoạt động sôi nổi, không chỉ phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân mà còn là lực lượng gìn giữ bản sắc trong các dịp lễ hội, ngày hội văn hóa – thể thao các dân tộc. Lạng Sơn cũng đã đầu tư 1 điểm du lịch tiêu biểu của đồng bào DTTS, đồng thời tổ chức 5 hoạt động thi đấu thể thao dân tộc, 4 chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với nghiên cứu tiềm năng địa phương, tạo đà phát triển du lịch cộng đồng bền vững.
Ngoài ra, tỉnh đã hoàn thành hỗ trợ tu bổ, tôn tạo 6 di tích quốc gia và di tích có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; xây dựng 3 làng bản văn hóa truyền thống tiêu biểu; trang bị 333 bộ thiết bị văn hóa cho nhà văn hóa thôn; xây dựng 26 tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào DTTS.
Tính đến hết tháng 3.2025, tỷ lệ giải ngân Dự án 6 đạt 74% kế hoạch vốn giao và dự kiến đạt 100% vào cuối năm, cho thấy sự nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả trong chỉ đạo, thực hiện. Tỷ lệ thôn vùng đồng bào DTTS có thiết chế văn hóa đạt 75,9%, một con số đáng tự hào, thể hiện sự hồi sinh mạnh mẽ của đời sống văn hóa tinh thần nơi vùng sâu, vùng xa.

Hát then “Câu then chào Xuân” do Câu lạc bộ Dân ca Điếp sli then xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc (nay là xã Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn) biểu diễn – hoạt động nằm trong Dự án bảo tồn văn hóa truyền thống. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN
Ở lĩnh vực y tế, Dự án 7 đã cải tạo 100% trạm y tế xã đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT, hỗ trợ 27 cô đỡ thôn bản người dân tộc, khám sức khỏe tiền hôn nhân cho gần 3.700 người, tăng cường tiêm chủng và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Dự kiến giải ngân đạt 97% cuối năm 2025.
Dự án 8 về bình đẳng giới ghi nhận nhiều mô hình hiệu quả: 639 tổ truyền thông, 116 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, 121 địa chỉ tin cậy được duy trì, tập huấn cho hơn 8.500 người, góp phần xóa bỏ định kiến, nâng cao vai trò phụ nữ dân tộc thiểu số.
Dự án 9 nhằm xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết tuy bị dừng một phần, nhưng tiểu dự án còn lại đã tiếp cận tới 57.000 lượt người, xây dựng 17 mô hình cộng đồng và triển khai mô hình tư vấn tiền hôn nhân tại 100% trạm y tế xã.
Cuối cùng, Dự án 10 về truyền thông và giám sát chương trình được triển khai sâu rộng: 6.500 người có uy tín được biểu dương; hơn 320 cuộc kiểm tra, giám sát được thực hiện; tài liệu pháp luật, sách, tờ rơi được cấp phát đồng loạt đến tận thôn bản; truyền thông qua CNTT được đưa đến tất cả xã khu vực III, góp phần nâng cao nhận thức và tính minh bạch trong triển khai.
Lạng Sơn là một trong những địa phương miền núi biên giới có điều kiện đặc biệt khó khăn. Việc triển khai đồng bộ 10 dự án của Chương trình MTQG không chỉ đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn từ cấp ủy, chính quyền các cấp, mà còn là bài toán phối hợp giữa nhiều sở, ngành, địa phương, giữa Trung ương và tỉnh.
Thực tế cho thấy, một số vướng mắc về chính sách, định mức đầu tư, lồng ghép chương trình… vẫn đang cản trở một số nhóm dự án.
Nhưng điểm sáng lớn nhất chính là niềm tin đã được khơi lên trong nhân dân. Người dân không còn thụ động chờ đợi, mà chủ động học nghề, giữ rừng, giữ văn hóa, giữ bản sắc, làm du lịch, khởi sự kinh doanh, xây dựng cuộc sống mới. Những con số hôm nay là nền tảng cho một vùng cao tự tin ngẩng đầu bước vào tương lai.
Từ đại ngàn Lạng Sơn, một hành trình “không để ai bị bỏ lại phía sau” đang từng bước thành hình, bằng con chữ, bằng con đường bê tông, bằng tiếng khèn, tiếng trống hội vang vọng giữa bản làng, và bằng niềm tin rằng nếu có chính sách đúng, cách làm trúng, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tự vươn lên để không nghèo mãi nữa.
(Còn tiếp)