Hà Nội đặt tên mới cho 38 đường, phố
38 tên gọi mới của những con đường, tuyến phố sắp được Hà Nội đặt tên sẽ mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện bề dày lịch sử, văn hóa của Thủ đô và truyền thống 'uống nước nhớ nguồn' của dân tộc.
Việc đặt tên phố không chỉ là để gọi tên hay định vị địa lý. Đó còn là cách một Thành phố lưu giữ ký ức, tôn vinh những con người, sự kiện và giá trị văn hóa.
Đặt tên phố - không chỉ là tên gọi
Thành phố Hà Nội đang xin ý kiến về dự thảo Nghị quyết đặt tên, đổi tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố và công trình công cộng với 38 tuyến đường, phố. Đáng chú ý, thành phố muốn khôi phục phố Hàng Lọng cho đoạn từ ngã tư giao phố Trần Bình Trọng đến ngã ba giao phố Yết Kiêu, dài 174 m, rộng 13 m, lòng đường 7m, vỉa hè mỗi bên 3m.
Hàng Lọng là tên một phố cổ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm trước đây. Xưa kia, khu vực này thuộc đất thôn Cung Tiên, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương. Tên phố Hàng Lọng được cho là xuất hiện vào khoảng cuối triều Lê, đầu triều Nguyễn và đã qua nhiều lần đổi tên. Xuất xứ tên Hàng Lọng là do dân vùng này làm và bán kiệu, ô, lọng cho các quan và đình chùa. Ở phố Hàng Lọng trước đây từng có đền thờ ông tổ nghề lọng - thêu là Lê Công Hành. Quá trình tồn tại còn có ngõ Hàng Lọng, do thực hiện dự án an ninh quốc phòng nên đã được giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, còn một số tên đáng chú ý như đường Chử Đồng Tử - đoạn đường tiếp nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Quốc lộ 5B) đến ngã ba giao đường Lý Thánh Tông. Đoạn đường này dài 1,3km, rộng 10-12m. Đoạn ngã ba giao đường Lý Thánh Tông, đến đoạn tiếp nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dự kiến đặt tên mới là đường Tiên Dung, tuyến đường dài 1,2km, rộng 10-12m.
Tên Phố Doãn Khuê - là tên một vị quan Đốc học "tay bút - tay gươm” dưới triều ba vị vua nhà Nguyễn sẽ được đặt cho đoạn từ ngã ba giao đường Hoàng Minh Thảo tại tòa chung cư N01-T2 thuộc khu Ngoại giao đoàn đến ngã ba giao phố Nguyễn Xuân Khoát.
Tiêu chí chọn lựa khi đặt tên mới cho phố
Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh. Nhiều tuyến đường, tuyến phố và công trình công cộng mới ra đời, do đó sẽ xuất hiện nhu cầu đặt tên để thuận tiện cho quản lý, giao thông và sinh hoạt của người dân. Đây không chỉ là yêu cầu thực tế, mà còn là mong mỏi chính đáng của các cấp chính quyền và người dân Thủ đô trong quá trình xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại.
Có các tiêu chí cho việc đặt tên, đổi tên và điều chỉnh độ dài đường phố, công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung và năm 2025 nói riêng. Nhưng tất cả cũng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị, quản lý xã hội, quản lý hành chính; tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân về lịch sử, văn hóa của dân tộc; truyền thống cách mạng của quê hương. Qua đó nâng cao tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa - xã hội.
Các chuyên gia đều cho rằng, những tên được chọn nên gắn với các danh nhân, người có công với cách mạng và địa danh truyền thống văn hóa lịch sử của các địa phương.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: "Chúng ta cũng biết rằng, Hà Nội xưa có rất nhiều đường phố gợi cảm. Nếu đặt lại được tên phố Hàng Lọng, cá nhân tôi thấy hết sức có ý nghĩa trong việc giáo dục tầng lớp trẻ biết rằng, họ đang sống trong một thành phố có nhiều di tích văn hóa và lịch sử. Ngay tên phố cũng gợi lại quá trình xây dựng nền văn hóa của dân tộc".
Theo Tiến sĩ Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tỉ lệ giữa địa danh lịch sử và các danh nhân đã có sự cân đối khá rõ ràng. Những khảo sát đã tạo ra tính hợp lý, thể hiện ở các danh nhân và địa danh lịch sử, tương xứng với tên đường, tên phố và các công trình công cộng.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ha-noi-dat-ten-moi-cho-38-duong-pho-345516.htm