Bảo tồn giống bò Vàng Cao nguyên đá Đồng Văn
BHG - Giống bò Vàng vùng Cao nguyên đá Hà Giang hay còn gọi là bò Mông được nuôi dưỡng từ lâu đời, có sức chống chịu tốt với các điều kiện khắc nghiệt của khí hậu và dịch bệnh. Giống bò có nguồn gen đặc hữu, rất quý, có khả năng chịu lạnh, chịu kham khổ, sức đề kháng tốt, thể trạng to lớn, cho năng suất thịt cao, chất lượng thịt thơm ngon. Tuy nhiên, trước đây nuôi bò gặp nhiều thách thức, việc khai thác đàn bò Vàng còn mang tính tự nhiên, thiếu khoa học nên nảy sinh nhiều bất cập, không phát huy hết giá trị. Việc bán hoặc giết thịt một số lượng lớn bò giống tốt đã gây suy thoái chất lượng đàn bò. Ngoài ra, hệ thống quản lý và sử dụng giống chưa hoàn chỉnh, công tác tuyển chọn bò đực giống chưa được đầu tư theo đúng yêu cầu nên hiệu quả chăn nuôi chưa cao.
Nhận thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của việc phát triển giống bò Vàng địa phương, qua khảo sát thực tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng điều phối nông thôn miền núi phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang, Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi (GCTVVN) Phố Bảng triển khai Dự án “Ứng dụng công nghệ sinh sản phát triển giống bò Vàng Cao nguyên đá Đồng Văn”. Bằng cách áp dụng kỹ thuật sản xuất, thụ tinh nhân tạo giống bò Vàng thay thế phương pháp phối giống truyền thống, nhằm nâng cao chất lượng giống bò, đảm bảo quyền và lợi ích kinh tế cho đồng bào Mông ở vùng cao.
Bà Mai Thị Nhung, quyền Giám đốc Trung tâm GCTVVN Phố Bảng cho biết: Dự án triển khai từ tháng 7.2019 đến tháng 6.2022, trong đó tổ chức ký kết với đơn vị chuyển giao công nghệ, chọn các nhà cung cấp nguyên vật liệu, năng lượng, thiết bị máy móc chuyên dụng trong xây dựng mô hình tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tổ chức mở các lớp đào tạo, tập huấn cho kỹ thuật viên là cán bộ trung tâm, cán bộ và người dân 4 huyện vùng Cao nguyên đá tham gia. Trong đó, tập trung đào tạo về kỹ thuật chọn lọc bò đực giống, bò cái; sản xuất tinh bò dạng cọng rạ; bảo quản và phân phối tinh dịch; thụ tinh nhân tạo bò, phát hiện bò cái động dục; chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh thú y, phòng bệnh cho đàn bò. Cùng với đó, hoàn thiện về cơ sở vật chất chuồng trại, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống làm mát, khu chế biến thức ăn, khu trồng cây thức ăn thô xanh. Chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị sản xuất tinh cọng rạ gồm máy nạp tinh và cọng rạ, máy in cọng rạ, tủ đông lạnh tinh và giá chứa cọng rạ mi ni.
Quá trình thực hiện dự án đã sản xuất được 46.800 liều tinh, cung ứng cho 4 huyện vùng Cao nguyên đá. Thực hiện thụ tinh nhân tạo cho 400 con bò cái bằng tinh nhân tạo tự sản xuất, 100% số bò có chửa và sinh được 375 con. Từ năm 2019 – 2022, các huyện nhân rộng mô hình thụ tinh được 13.327 con, số con thụ tinh thành công 8.678 con. Đặc biệt với việc áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ thụ thai đạt hiệu quả cao, chất lượng bê con sinh sản có trọng lượng đạt từ 25 - 30 kg/con, tăng 4 – 6 kg so với sinh sản tự nhiên. Nhận thấy hiệu quả từ dự án, nhiều gia đình trên địa bàn 4 huyện vùng cao đã thay đổi cách thức phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Anh Vàng Mí Và, thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn chia sẻ: Tôi chăn nuôi bò sinh sản lâu năm tại địa phương, năm 2021 được sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ Trung tâm GCTVVN Phố Bảng, gia đình đã sử dụng tinh bò để thụ tinh nhân tạo. Nhờ đó, bê con sinh ra có ngoại hình to, khỏe, lớn nhanh, đạt năng suất cao khoảng 20 - 25% so với bò địa phương.
Có thể nói, việc triển khai thực hiện đề án “Ứng dụng công nghệ sinh sản phát triển giống bò Vàng Cao nguyên đá Đồng Văn” không chỉ góp phần nâng cao thể trạng cũng như chất lượng đàn bò, khắc phục hiện tượng giao phối tự nhiên, giao phối cận huyết trên đàn gia súc dẫn đến suy thoái đàn trong quá trình phát triển chăn nuôi mà còn là tiền đề quan trọng nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy giảm nghèo bền vững cho người dân vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.
Bài, ảnh: Thiện Ngay (Đồng Văn)