Bảo tồn hiện vật lịch sử - Dân ta phải biết sử ta

PTĐT - Phú Thọ là vùng đất có hệ thống di sản văn hóa (DSVH) khá phong phú, đa dạng. Để góp phần bảo tồn di sản cho thế hệ mai sau, công tác sưu tầm, lưu trữ những hiện vật lịch sử đóng vai trò hết sức quan trọng. Đây là hoạt động được quan tâm thực hiện trong nhiều năm qua nhằm phát huy giá trị của các hiện vật, qua đó góp phần gìn giữ, lưu truyền giá trị lịch sử đặc sắc của tỉnh.

Giáo dục lịch sử và truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ thông qua các hoạt động tham quan hiện vật lịch sử.

Các di chỉ khảo cổ học được phân bổ dày đặc như khu di tích khảo cổ Làng Cả, di tích khảo cổ Xóm Rền, di tích khảo cổ Phùng Nguyên, di tích khảo cổ Gò Mun, Sơn Vi… cho thấy dấu vết lịch sử người Việt cổ cư ngụ trên vùng đất này hàng triệu năm về trước. Toàn tỉnh hiện có hàng chục ngàn hiện vật, nhóm hiện vật lịch sử; trong đó 4 hiện vật đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia…
Hằng năm, các cán bộ của ngành văn hóa đều thực hiện các chuyến đi thực tế về cơ sở, tiến hành khảo sát tại các địa phương để tìm hiểu, thu thập, sưu tầm hiện vật liên quan đến nhiều lĩnh vực, giai đoạn lịch sử. Được biết năm 2019, để tiến hành khai quật khẩn cấp di chỉ khảo cổ Đồi Giàm thuộc phạm vi dự án đường Mai An Tiêm, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì; ngành Văn hóa đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tiến hành khai quật trong suốt 2 tháng (từ 15/5 - 15/7). Nhóm khai quật đã tiến hành mở 4 hố khai quật và 4 hố thám sát với tổng diện tích 100m2, kết quả thu được 116 hiện vật đá, bao gồm các loại hình công cụ, dụng cụ sản xuất, đồ trang sức; 15.428 mảnh gốm tiền sử và cục đất nung. Hiện nay công tác tìm kiếm các di chỉ khảo cổ khác trên địa bàn toàn tỉnh vẫn tiếp tục được thực hiện.Cùng với đó, những năm qua, hàng trăm hiện vật lịch sử của các thời kỳ, các dân tộc cùng nhiều tư liệu hình ảnh, video clip và việc tổ chức, tham gia phục dựng một số lễ hội, nghi thức dân gian đã được sưu tầm. Số hiện vật sưu tập được không phải là ít nhưng vẫn khiêm tốn so với kho tàng văn hóa cổ truyền, đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng các dân tộc trên địa bàn, bởi quá trình giao thoa văn hóa cùng cuộc sống phát triển đã làm văn hóa các dân tộc ít nhiều bị mai một.

Các hiện vật lịch sử được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương.

Các hiện vật lịch sử được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương.

Ông Nguyễn Duy Phượng - Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương thông tin: Các hiện vật như: Dụng cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng sử dụng trong nghi thức, lễ hội dân gian, trang phục, nhạc cụ dân tộc, tài liệu về ngôn ngữ… của các dân tộc dần mai một theo thời gian, không còn tồn tại hoặc không còn tính nguyên gốc để sưu tầm. Hơn nữa, trong quá trình sưu tầm, nhiều hiện vật phải mua, nên sau khi thương thảo với chủ sở hữu về giá bán hiện vật, cán bộ bảo tàng trở về làm hồ sơ trình lãnh đạo đơn vị và chờ hội đồng khoa học phê duyệt. Trong thời gian ấy, chủ sở hữu có thể đổi ý hoặc hiện vật bị mất, hư hỏng do người dân sử dụng và bảo quản không cẩn thận, không đúng cách. Chưa kể là đối với các kỷ vật chiến tranh, những nhân chứng ngày một ít đi, công tác tìm kiếm càng trở nên khó khăn, vất vả. Đối với công tác khai quật di chỉ khảo cổ yêu cầu đội ngũ chuyên gia chất lượng cao đến từ Hà Nội; công việc tỉ mỉ, cẩn trọng trong thời gian kéo dài nhưng mức chi trả công nhật vẫn còn chưa tương xứng… Hiện nay, những hiện vật lịch sử - minh chứng cho các thời kỳ phát triển của dân tộc nói chung và con người Phú Thọ nói riêng được sưu tầm và trưng bày, bảo quản nghiêm ngặt tại Bảo tàng Hùng Vương. Chia sẻ về hoạt động trưng bày, ông Nguyễn Duy Phượng cho biết: “Để hiện vật thực sự “sống” và phát huy giá trị thì công tác gìn giữ, trưng bày để nhân dân biết và hiểu về lịch sử là rất quan trọng. Tuy nhiên, để hiện vật trưng bày thu hút, có cách tiếp cận mới lạ là những thách thức của bảo tàng”. Với diện tích gần 15.800m2, trong đó có nhà trưng bày rộng 9.000m2, không gian trưng bày cố định của Bảo tàng được thiết kế mở với các nội dung: “Thiên nhiên, con người Phú Thọ”, “Phú Thọ thời kỳ tiền và sơ sử”… Đặc biệt, trong kho tàng hiện vật khảo cổ tại đây, có bộ sưu tập Nha chương bằng đá ngọc có niên đại cách đây gần 3.500 năm- đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2020. Đây là những hiện vật quý giá, cả nước hiện chỉ có 8 chiếc trong đó được lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương 04 chiếc. Ngoài ra, Bảo tàng còn tổ chức các đợt trưng bày lưu động, trưng bày ngoài trời để đa dạng hóa hình thức, làm mới hoạt động trưng bày những hiện vật lịch sử: Trưng bày chuyên đề “Đất nước, con người Phú Thọ và cộng đồng ASEAN”; “Tín ngưỡng, Lễ hội và Cổ vật vùng Đất Tổ”… Năm 2019, Bảo tàng đã thu hút gần 12.000 lượt người dân, du khách tới tham quan tìm hiểu lịch sử.Được cha mẹ cho tới tham quan bảo tàng, được nghe các thuyết minh viên giới thiệu về các hiện vật, em Tạ Minh Anh (xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì) chia sẻ: Rất thích thú bởi những câu chuyện thú vị về các thời kỳ lịch sử của dân tộc ta. Em đặc biệt thích không gian trưng bày “Bí mật ngôi mộ cổ” với hai bộ di cốt của người Việt cổ có niên đại cách đây 4.000 năm. Theo em được biết, đây là không gian trưng bày độc đáo, có giá trị lịch sử quý giá bậc nhất toàn tỉnh. Em thấy rất tự hào khi được biết về lịch sử dân tộc ngay tại mảnh đất quê hương.Góp phần bảo tồn các hiện vật, giáo dục các thế hệ trẻ về lịch sử cội nguồn, ngành Văn hóa cũng đã có những sáng kiến mới; một trong số đó là ký kết với Sở Giáo dục và Đào tạo để đưa học sinh các trường trên địa bàn tới tham quan, học hỏi về lịch sử của địa phương tại Bảo tàng Hùng Vương và một số các DSVH khác. Ông Nguyễn Huy Hiền- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Việt Trì cho rằng: Đây là cơ hội tốt cho các em học sinh hiểu thêm về sự phát triển của lịch sử dân tộc thông qua quan sát trực quan những hiện vật lịch sử và nghe thuyết minh về nguồn gốc và ý nghĩa của các hiện vật. Điều này sẽ nhân lên trong các em tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc. Bác Hồ đã từng nói “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, vì vậy việc bảo tồn để lưu trữ, trưng bày các hiện vật lịch sử càng nên được người dân coi trọng. Theo ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Để các hiện vật với những giá trị của nó sống mãi cùng thời gian là vấn đề không hề đơn giản, cần nhiều hơn nữa trách nhiệm của cộng đồng, nhân dân để cùng tham gia gìn giữ, bảo tồn các hiện vật lịch sử, bảo vệ “tiếng nói” của nguồn cội dân tộc. Bởi hành trang hội nhập của đất nước trong bối cảnh hiện nay không gì quý hơn là nền tảng lịch sử, bản sắc văn hóa ngàn đời của dân tộc. Hiểu về lịch sử, trân trọng những hiện vật lịch sử sẽ giúp gìn giữ nguồn sức mạnh tinh thần to lớn mà cha ông đã trao truyền cho chúng ta hàng ngàn năm nay.

Huy Lê

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202005/bao-ton-hien-vat-lich-su-dan-ta-phai-biet-su-ta-170900