Bảo tồn nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm

Trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm tại ngày hội VH-TT-DL các dân tộc tỉnh Phú Yên lần thứ XI. Ảnh: THIÊN LÝ

Từ bao đời nay, trống đôi, cồng ba, chiêng năm được coi là linh hồn trong đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Đồng Xuân nói riêng. Bên cạnh việc lưu trữ những bộ nhạc cụ để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị này, những nghệ nhân còn không ngừng nỗ lực truyền dạy cho thế hệ trẻ cách đánh trống, cồng chiêng đúng vần, đúng điệu và lưu giữ những bài nhạc truyền thống.

Tại Nhà văn hóa thôn 1, xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân, Sở VH-TT-DL vừa tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy kỹ năng trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm cho cán bộ, công chức văn hóa và con em đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, Ba Na ở địa phương.

Tâm huyết với di sản

Trong thời gian 1 ngày, các học viên được 4 nghệ nhân: Đoàn Văn Tươi, Yo Y Nơi, Lê Văn Điệp và Đoàn Văn Tuấn truyền dạy một số kiến thức về trống đôi, cồng ba, chiêng năm, đặc biệt là cách hòa tấu và biểu diễn giữa ba nhạc cụ này với nhau trong lễ cúng mừng lúa mới.

Ông Đoàn Văn Tươi là nghệ nhân đánh trống, cồng chiêng ở thôn 1, xã Đa Lộc. Bao nhiêu năm qua, già Tươi vẫn kiên trì, tích cực vận động con cháu dòng họ và bà con buôn làng lưu giữ, bảo tồn văn hóa trống đôi, cồng ba, chiêng năm. Bởi đó là phần hồn của buôn làng và là báu vật của cha ông để lại. Tuy tuổi đã cao nhưng vì đau đáu với việc giữ tiếng trống, tiếng cồng chiêng cho thế hệ mai sau, dịp này, già Tươi vẫn nhiệt tình chỉ dạy con em đánh trống, cồng chiêng cho đúng bài, đúng điệu.

Già Tươi chia sẻ: “Trống đôi, cồng ba, chiêng năm là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác của cơ thể với đôi bàn tay để tạo ra chuỗi tiết tấu đầy ngẫu hứng, lúc thưa nhặt, lúc dồn dập. Âm điệu ngẫu biến chồng lên nhau, làm người nghe liên tưởng về giai điệu róc rách của suối, bập bùng của lửa và mưa nguồn thác đổ của đại ngàn. Nghệ nhân múa trống đôi có thể trò chuyện với nhau qua những ký hiệu biểu cảm trong tiếng trống, điệu múa. Chiêng năm giữ giai điệu khoan nhặt, thanh thoát, âm vang ngân xa; còn cồng ba lại giữ vai trò của một bè trầm. Tiếng trống đôi, cồng ba, chiêng năm hòa quyện thành nhiều điệu thức khác nhau, khi chào mừng (đón khách) thì tiết tấu nhanh và vui nhộn; khi giao lưu thì lắng lại, trầm tĩnh; khi tiễn khách lại mang âm điệu man mác buồn”.

Thanh niên xã Đa Lộc say sưa trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm tại Nhà văn hóa thôn 1. Ảnh: THIÊN LÝ

Thanh niên xã Đa Lộc say sưa trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm tại Nhà văn hóa thôn 1. Ảnh: THIÊN LÝ

Giữ gìn cho mai sau

Dù bận rộn với việc ruộng rẫy nhưng nhiều trai tráng trong buôn làng đã thu xếp, tụ hội về Nhà văn hóa thôn 1 tham gia lớp tập huấn, cùng nghe các nghệ nhân hướng dẫn, cùng đánh trống đôi, cồng ba, chiêng năm. Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của các nghệ nhân, tiếng cồng chiêng vang xa đã cuốn hút đông đảo người dân. Đây là cơ hội, là nguồn động viên rất lớn, cổ vũ lớp trẻ tin yêu, gắn bó với âm nhạc truyền thống. Già Tươi cũng như các nghệ nhân không giấu được niềm vui khi lứa trẻ trong xã hào hứng với việc học trống đôi, cồng ba, chiêng năm cũng như biểu diễn loại hình nghệ thuật truyền thống này trong các lễ hội.

Anh Lê Văn Tuấn ở thôn 5, xã Đa Lộc chia sẻ: “Tôi yêu thích nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình và muốn học để chơi thêm nhiều nhạc cụ. Hôm nay, các anh, các chú đi trước đã truyền cảm hứng để tôi nhận ra rằng, lễ nhạc là quan trọng với cộng đồng buôn làng và người chơi nhạc giỏi sẽ đóng góp nhiều cho truyền thống văn hóa của dân tộc mình chứ không chỉ phục vụ cho đam mê cá nhân”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm của đồng bào Chăm và Ba Na (huyện Đồng Xuân), được công nhận là Di sản văn hóa cấp quốc gia vào tháng 2/2016. Hiện nay, nghệ thuật này đã và đang trở thành một sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo, thu hút đông đảo du khách tham gia, tìm hiểu và trải nghiệm, góp phần không nhỏ vào sự phát triển văn hóa và du lịch Phú Yên. Do đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm là việc làm cần thiết và cấp bách.

Lớp tập huấn này là một trong những hoạt động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 và dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch năm 2022 trên địa bàn tỉnh. “Tôi hy vọng qua lớp tập huấn này, trong thời gian đến sẽ có nhiều người biết trình diễn loại hình nghệ thuật dân gian này, để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phục vụ phát triển du lịch ở địa phương”, ông Thái nhấn mạnh.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/291834/bao-ton-nghe-thuat-trinh-dien-trong-doi-cong-ba-chieng-nam.html