Bảo tồn nguyên trạng thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải

Ý thức được vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của hệ sinh thái vùng đất ngập nước trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế lâu dài cho người dân vùng ven biển, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình vừa hoàn thành việc xác lập vị trí, ranh giới và diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Đây là cơ sở cần thiết để địa phương hoạch định những mục tiêu mới trong phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường.

Một góc Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải nằm trên địa bàn xã Nam Thịnh.

Một góc Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải nằm trên địa bàn xã Nam Thịnh.

Theo đó, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có diện tích 12.500ha nằm ở vùng ngoài đê số 5, số 6 của huyện Tiền Hải. Phía bắc giáp với vùng cửa Trà Lý và quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành-Cồn Thủ; phía nam giáp cửa Ba Lạt và quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành-Cồn Thủ; phía tây giáp với khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành-Cồn Thủ, khu lấn biển và khu quy hoạch phố biển Đồng Châu; phía đông giáp với Biển Đông.

Ranh giới Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xác định bằng 33 điểm tọa độ; trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (còn gọi là vùng lõi) có diện tích 2.726ha, phân khu phục hồi sinh thái 9.774ha và vùng đệm có diện tích 3.446,5ha.

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã giao sở triển khai thực hiện nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá thực trạng đa dạng sinh học và xác định vị trí địa lý, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải”.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải, đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan thực hiện xây dựng hồ sơ nhiệm vụ nêu trên theo quy định của Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

Bên cạnh đó, tổ chức lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường; các sở, ban, ngành có liên quan và lấy ý kiến của cộng đồng dân cư sinh sống hợp pháp trong hoặc tiếp giáp khu vực dự kiến thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải theo quy định tại Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức họp Hội đồng thẩm định kết quả nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá thực trạng đa dạng sinh học và xác định vị trí địa lý, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải” và lấy ý kiến chuyên gia.

Ông Phạm Văn Giới (bên trái), trú tại xã ven biển Nam Phú (huyện Tiền Hải) trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân.

Ông Phạm Văn Giới (bên trái), trú tại xã ven biển Nam Phú (huyện Tiền Hải) trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân.

Trước thông tin tỉnh Thái Bình đã hoàn thành xác lập vị trí, ranh giới và diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải trên thực địa và sẽ tổ chức công bố, ông Phạm Văn Giới cư trú tại thôn Bình Thành, xã Nam Phú (huyện Tiền Hải) chia sẻ: “Trước đây, khi chưa xác lập rõ được vị trí, ranh giới và diện tích thì người dân không biết được nơi nào là nuôi trồng thủy sản, nơi nào là diện tích rừng cần phải bảo vệ, nên cũng có sự xâm lấn, chồng lấn. Nhưng giờ Ủy ban nhân dân tỉnh đã có bản đồ phân khu rất cụ thể, rõ ràng và được xác định bằng các điểm tọa độ sẽ tạo điều kiện cho người dân ven biển Tiền Hải nắm bắt, có ý thức cao hơn cùng chính quyền và các cơ quan chức năng chung tay bảo vệ rừng cũng như phát triển kinh tế vùng ven biển”.

Ông Bùi Kiên Quyết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Thịnh (huyện Tiền Hải) cho biết, nhân dân các xã ven biển, trong đó có xã Nam Thịnh rất quan tâm đến phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. Trước đây, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải chưa có vị trí cụ thể, chưa rõ về mốc giới cho nên việc quản lý còn khó khăn, người dân cũng chưa tường tận được vấn đề. Nhưng thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã cho khảo sát, quy hoạch và về các địa phương lấy ý kiến tham vấn của người dân, giải thích rõ chủ trương của Nhà nước về phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, trong đó có việc giữ vững diện tích Khu bảo tồn là 12.500ha. Đây là điều rất phấn khởi cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải Đỗ Văn Trịnh cho biết, các tài liệu còn lưu giữ cho thấy vị trí ranh giới, tọa độ địa lý, quy mô khu bảo tồn tại huyện Tiền Hải trước đây chưa đồng nhất.

Về tọa độ địa lý, nếu lấy theo tọa độ tại Quyết định số 660/KH ngày 4/10/1995 của Bộ Lâm nghiệp phê duyệt Dự án khả thi “Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải” lại không trùng khớp với vị trí mô tả ranh giới khu rừng.

Còn theo UNESCO công nhận là 7.067ha thuộc vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng vào năm 2004. Tuy nhiên, trong bằng công nhận này không có mô tả cụ thể, cũng không có bản đồ kèm theo.

Do vậy đến nay, khi đã bảo đảm đủ các điều kiện; được sự ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, trên cơ sở các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chủ trương, định hướng phát triển kinh tế biển và khu vực ven biển tỉnh Thái Bình; đồng thời để phù hợp điều kiện thực tế, hiện trạng đa dạng sinh học, hiện trạng sử dụng đất, đất có mặt nước tại vùng đất ngập nước Tiền Hải, tỉnh Thái Bình tiến hành xác lập vị trí, ranh giới, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải với tổng diện tích 12.500ha đã phản ánh đúng tình hình thực tế, tạo nên sự hài hòa, cân đối giữa mục tiêu phát triển gắn với gìn giữ cảnh quan môi trường.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải tại địa bàn xã Nam Phú.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải tại địa bàn xã Nam Phú.

Phân tích rõ hơn về việc triển khai xác lập vị trí, ranh giới và diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Chiến nêu rõ, thời gian qua, đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì là Sở Tài nguyên và Môi trường, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Việc triển khai xác lập được tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, kết hợp hài hòa của nhiều yếu tố mà điển hình là 3 trụ cốt chính. Đó là, phải tuân thủ nghiêm các văn bản quy phạm của Nhà nước, bao gồm: Luật đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, Luật Biển Việt Nam và nhất là Nghị định 66 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

Bên cạnh đó, phải tuân thủ các quy luật vận động tự nhiên như: lũ sông, triều biển, quy luật gió, mưa, bồi tụ phù sa và cát biển; quy luật xói lở bờ sông, bờ biển cũng như biến đổi khí hậu… Cuối cùng, phải kết hợp hài hòa giữa khu bảo tồn và phát triển kinh tế chung, đặc biệt là kinh tế biển.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn giới thiệu bản đồ phân khu Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn giới thiệu bản đồ phân khu Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Thái Bình là tỉnh đất chật người đông, ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển rất hạn chế về không gian phát triển. Tuy nhiên, xu hướng phát triển về phía biển, trong đó có việc quai đê lấn biển luôn là mục tiêu chính đáng, là ý chí và nguyện vọng từ bao đời của người dân Thái Bình.

Nhưng để con người và thiên nhiên hòa quyện, cùng phát triển, theo chia sẻ của đồng chí Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình: Quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình là không đánh đổi tăng trưởng kinh tế đơn thuần dẫn đến sự tàn phá, hủy hoại môi trường sinh thái, mà trước hết là môi trường biển.

Việc xác lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là minh chứng khẳng định rõ chủ trương của tỉnh về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Đây không chỉ là nơi sinh kế của một bộ phận dân cư, nơi che chắn mưa dông, bão biển, nơi quần tụ của nhiều loài thủy sinh và chim muông quý hiếm, mà còn thể hiện cam kết của tỉnh Thái Bình với các tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường, phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

MAI TÚ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bao-ton-nguyen-trang-thien-nhien-dat-ngap-nuoc-tien-hai-post826192.html