Bảo tồn nhà trình tường trên Cao nguyên đá Đồng Văn
Khi nói đến kiến trúc nhà trình tường của đồng bào dân tộc Mông ở Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), ông Bùi Đức Tân, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Giang cho biết, theo quan niệm người Mông, ngôi nhà trình tường truyền thống chính là thước đo đánh giá sự giàu có của mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Đây cũng là căn cứ để xác định đâu là người Mông cư trú lâu nhất vùng.
Nhà trình tường - di sản văn hóa của người Mông
Đối với những gia đình giàu có, thường làm nhà to với 3 gian 2 cửa gồm 1 cửa chính, 1 cửa phụ và tối thiểu là 2 cửa sổ. Ngôi nhà có thể có 1 hoặc 2 chái nhà, nhưng các chái đều không liên quan trực tiếp đến 3 gian nhà chính, được sắp xếp theo thứ tự, gian bên trái được đặt bếp nấu nướng và buồng ngủ của vợ chồng gia chủ, gian bên phải đặt bếp sưởi và giường khách. Gian giữa thường rộng hơn hai bên là gian để bàn thờ tổ tiên, cũng là nơi tiếp khách ăn uống của gia đình.
Ngoài cửa chính được đồng bào treo một tấm vải đỏ với ý nghĩa mang lại may mắn cho gia đình. Ngoài ra, ngôi nhà còn có thêm cửa phụ và cửa sổ thoáng khí làm bằng gỗ hoặc thân trúc mai già. Cửa nhà người Mông mở vào trong chứ không mở ra ngoài, chếch với cửa chính và tùy thuộc vào hướng gió, người Mông đặt làm chuồng gia súc. Tất cả đều được gói gọn trong phạm vi rào đá.
Tại thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, thôn có 100% số hộ gia đình người Mông cư trú, hiện vẫn còn 60% số hộ giữ được nếp nhà trình tường bằng đất. Ông Giàng Mí Lình, ở thôn Đoàn Kết giải thích, để hoàn thành một ngôi nhà trình tường bằng đất theo kiến trúc truyền thống, những người thợ mất rất nhiều thời gian và công sức. Người Mông luôn tỉ mẩn trong tất cả các khâu, từ làm móng nhà đến nhồi đất, trình tường, lợp mái. Đá núi dùng làm móng nhà phải là loại bằng phẳng để đặt cho khít. Móng nhà được đào sâu khoảng 1 mét rồi kè đá kết hợp với chất kết dính là đất trộn nhuyễn, móng nhà cao hơn mặt sân khoảng 2 gang tay.
Tiếp theo là khâu nện đất trình tường. Người Mông trình tường nhà hoàn toàn bằng đất nện dày mà không có bất cứ cột hay cọc nào làm trụ. Để tạo nên những bức tường dày tới vài gang tay, đồng bào thường chọn loại đất có kết dính cao, loại bỏ sạch rễ cây, đá to, cỏ rác. Trước khi trình tường, người thợ phải làm những chiếc khuôn gỗ có chiều dài 1,5 mét, rộng chừng nửa mét, sau đó, đổ đất vào khuôn gỗ và dùng những chiếc vồ nện chặt đất. Tất cả các khâu để hoàn thiện một ngôi nhà trình tường được làm thủ công mà không có bất cứ máy móc nào.
Trình tường xong, cây cột cái và cây đòn được đưa ngay lên nóc nhà sau khi chặt từ rừng về mà không đặt xuống đất. Hai cây cột này có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông, nhất là trong tang ma.
Cuối cùng là khâu lợp mái. Mái của những ngôi nhà trình tường được lợp bằng ngói âm dương (ngói máng). Khi lợp, người thợ đặt từng dãy ngói ngửa (âm) rồi đến từng dãy ngói sấp (dương) phủ lên rìa 2 dãy ngói âm liên tiếp, chồng lên nhau tạo thành rãnh thoát nước khi có mưa. Mỗi dãy âm - dương được chồng so le giữa các viên chỉ chừng 4-5cm, vì thế, mật độ ngói trong mái ngói âm dương rất dày, giúp ngôi nhà mát mẻ suốt trong năm.
Cùng với ngôi nhà trình tường truyền thống là hàng rào bằng đá bao quanh ngôi nhà. Những viên đá thô ráp được bàn tay tài hoa của người Mông xếp đặt, có khi mất cả năm trời để tạo thành một nét văn hóa hàng rào đá vô cùng đặc sắc.
Giải pháp bảo tồn nhà trình tường
Hiện nay, cùng với xu thế hội nhập và phát triển, trên Cao nguyên đá Đồng Văn ngày càng xuất hiện nhiều nhà xây bằng gạch, mái lợp prô xi măng hay lợp tôn. Sự thay đổi này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến không gian văn hóa của toàn vùng, làm mất đi vẻ đẹp vốn có của nhà trình tường. Một số nhà trình tường có tuổi thọ hàng trăm năm đã bị xuống cấp theo thời gian như ở xã Lũng Táo...
Từ thực trạng này, vài năm gần đây, huyện Đồng Văn đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện những giải pháp cụ thể nhằm phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc, trong đó, ưu tiên các giá trị văn hóa của dân tộc Mông. Huyện đặc biệt chú trọng tới việc bảo tồn, gìn giữ và khôi phục kiến trúc nhà trình tường cổ, khoanh vùng bảo tồn nhà trình tường cổ có tuổi thọ cao tại một số xã như Sà Phìn, Lũng Táo, thị trấn Đồng Văn.
Tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng, huyện có kế hoạch phục dựng, bảo tồn, nỗ lực giữ lại nguyên nét văn hóa truyền thống của đồng bào. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích người dân sử dụng nguyên liệu truyền thống để làm nhà; tại một số xã, triển khai xây dựng nhà văn hóa là nhà trình tường truyền thống.
Đặc biệt, từ khi chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo, người có công, cựu chiến binh khó khăn về nhà ở được triển khai, huyện Đồng Văn đã vận động người dân, các hộ được hỗ trợ xây nhà theo kiến trúc truyền thống. Chủ trương này đã góp phần bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống, được người dân đồng tình cao.
Còn tại huyện Mèo Vạc, để góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, tạo điểm nhấn trong thu hút khách du lịch, Ban Thường vụ Huyện ủy Mèo Vạc đã ban hành Chỉ thị số 07 ngày 1/7/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của các ủy Đảng đối với công tác tuyên truyền, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã chỉ đạo UBND huyện ban hành 3 mẫu nhà ở theo kiến trúc nhà truyền thống dân tộc Mông áp dụng rộng rãi trên địa bàn huyện.
Trong tháng 11 tới đây sẽ diễn ra Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ VIII năm 2022, tỉnh Hà Giang đã chuẩn bị trồng hàng trăm ha hoa tam giác mạch dọc theo những triền núi vùng Cao nguyên đá Đồng Văn và các bản làng người Mông còn bảo tồn được những nếp nhà trình tường truyền thống để thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Cùng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian, giới thiệu ẩm thực, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng…, tỉnh Hà Giang đang nỗ lực phát huy ngành công nghiệp không khói để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.