Bảo tồn, phát huy các giá trị hệ sinh thái đất ngập nước sông Đầm

Đó là chủ đề hội thảo khoa học do UBND TP Tam Kỳ (Quảng Nam) tổ chức ngày 19-7. Dự hội thảo có ông Phan Thái Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Hội thảo thu hút đông đảo các đại biểu tham dự.

Hội thảo thu hút đông đảo các đại biểu tham dự.

Sông Đầm với diện tích toàn bộ lưu vực 650 ha, trong đó có khoảng 200 ha mặt nước, có hệ sinh thái rất đa dạng, gồm: hệ thủy sinh, hệ sinh thái mặt nước, hệ sinh thái trên bờ với hệ động thực vật phong phú. Bên cạnh đó, sông Đầm còn là khu vực có những giá trị về văn hóa, lịch sử. Giai đoạn 1954 – 1975, nơi đây là căn cứ cách mạng của huyện Tam Kỳ và các lực lượng vũ trang của huyện, tỉnh, Quân khu 5. Bãi Sậy - sông Đầm đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận Di tích lịch sử vào năm 2005.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sông Đầm đang bị tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, làm ảnh hưởng đến chất lượng hệ sinh thái, đa dạng sinh học. Do đó, việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái sông Đầm là hết sức cần thiết nhằm phục hồi, tạo môi trường sống an toàn, bền vững cho các loại động thực vật bản địa, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân; góp phần phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng sinh thái cho TP Tam Kỳ.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Duy Ân - Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết, những năm qua, TP Tam Kỳ luôn quyết tâm, vào cuộc tích cực trong việc bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái sông Đầm. Qua đó đã thực hiện trồng và chăm sóc hàng nghìn cây xanh, với nhiều chủng loại bản địa như: vừng, tre đồng, cừa, sậy, dừa nước... trên quy mô hơn 20ha; thường xuyên tổ chức ra quân truy quét nạn đánh bắt thủy sản trái phép, săn bắt các loài chim hoang dã và di cư; kiểm soát chặt chẽ nguồn nước đầu vào; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi đa dạng sinh học. Cùng đó, vận động nhân dân chấp hành, đồng hành với các chủ trương của thành phố bàn giao hơn 1.000 thửa đất với tổng diện tích hơn 3 ha để trồng và phát triển cây xanh. Nhờ đó, việc bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái sông Đầm đã có những kết quả tích cực bước đầu: diện tích cây xanh tăng lên, nước trở nên trong lành hơn, nguồn lợi thủy sản đang dần phục hồi.

Sông Đầm với hệ sinh thái đa dạng, phong phú.

Sông Đầm với hệ sinh thái đa dạng, phong phú.

“Thời gian đến, TP Tam Kỳ sẽ tiếp tục bố trí nhiều nguồn lực để thực hiện các dự án liên quan, như: tiếp tục phục hồi cây xanh bản địa; xây dựng bến thuyền; nhà đón tiếp; đầu tư khu cảnh quan và vui chơi giải trí du lịch sông Đầm; củng cố các Tổ hội nghề nghiệp du lịch cộng đồng; phát triển các dịch vụ du lịch. Từ đó, từng bước hoàn thiện hạ tầng, hình thành các dịch vụ du lịch trải nghiệm độc đáo, đặc sắc theo hướng xanh, sinh thái, bền vững tại địa phương; góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân; nhất là hướng đến tạo sinh kế bền vững cho các hộ dân vùng phụ cận sông Đầm”- ông Nguyễn Duy Ân nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Duy Ân, nhằm làm tốt hơn công tác bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học hệ sinh thái đất ngập nước sông Đầm, UBND TP Tam Kỳ tổ chức Hội thảo khoa học Bảo tồn, phát huy các giá trị hệ sinh thái đất ngập nước sông Đầm để được gặp gỡ, trao đổi với các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học về các nội dung liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước sông Đầm.

Du khách tham quan, trải nghiệm trên sông Đầm.

Du khách tham quan, trải nghiệm trên sông Đầm.

Theo đó, tại hội thảo lần này, Ban tổ chức nhận được 15 báo cáo khoa học của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học đang nghiên cứu về lĩnh vực đa dạng sinh học và quản lý đất ngập nước. Trong đó có 6 tham luận đại diện cho 5 nhóm nội dung liên quan được trình bày trực tiếp tại hội thảo. Các tham luận tập trung vào công tác quản lý hiện trạng đa dạng sinh học hệ sinh thái sông Đầm; chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý hệ sinh thái đất ngập nước của các vùng miền trên cả nước; sử dụng công nghệ viễn thám và GIS trong quản lý, định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng và thu hút nguồn lực đầu tư cho sự phát triển bền vững sông Đầm.

Các ý kiến góp ý, trao đổi, phân tích của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo là cơ sở khoa học quan trọng để Tam Kỳ tiếp thu, nghiên cứu triển khai các bước tiếp theo nhằm đẩy mạnh công tác phục hồi, phát triển hệ sinh thái đa dạng sinh học sông Đầm…

Trần Tân

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/bao-ton-phat-huy-cac-gia-tri-he-sinh-thai-dat-ngap-nuoc-song-dam-post298350.html