Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của tỉnh Lâm Đồng vẫn gặp khó vì cơ chế

Tại buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban chủ trì tại TP. Đà Lạt chiều ngày 17/12, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phản ánh nhiều vấn đề bất cập về cơ chế khiến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa còn gặp nhiều khó khăn, chưa thể đạt được hiệu quả tối đa như mong muốn.

Toàn cảnh buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với UBND tỉnh Lâm Đồng

Toàn cảnh buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với UBND tỉnh Lâm Đồng

Theo đó, mặc dù hiện nay tỉnh Lâm Đồng đang rất chú trọng ưu tiên nguồn kinh phí tự chủ để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tạo ra các sản phẩm du lịch mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn, tuy nhiên có một thực tế là đa phần việc xây dựng kế hoạch, định hướng, nguồn vốn nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể là do địa phương hoặc các tổ chức, cá nhân tự thân vận động và Nhà nước công nhận, điều này khiến việc bảo tồn văn hóa chưa trở thành hệ thống đồng nhất và bền vững vì chỉ những giá trị văn hóa nào phát sinh lợi nhuận mới được các nhà đầu tư ưu tiên nguồn vốn, còn những giá trị văn hóa mang tính cộng đồng thường khó thu hút xã hội hóa mà phụ thuộc vào nguồn vốn ngân sách.

Ông Nguyễn Tạo, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Tạo, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Tạo, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng lấy ví dụ, hiện nay, chỉ có một số đội cồng chiêng được Nhà nước và các doanh nghiệp bảo trợ để khai thác du lịch hoặc làm truyền thông thì được bảo đảm kinh phí hoạt động, còn các đội cồng chiêng do những cộng đồng thanh thiếu niên người đồng bào DTTS tại các buôn làng tự ý thức cần gìn giữ nét đẹp của dân tộc mình nên tự thành lập, tự vận động hỗ trợ. Đại biểu Nguyễn Tạo băn khoăn, điều này có thể dẫn đến thiếu sự định hướng phát triển của Nhà nước trong tương lai, do vậy cần phải tính toán xây dựng hệ thống hành lang pháp lý cụ thể về bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể.

Ngoài ra, thực tế cho thấy từ năm 2015 đến nay, sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa kết thúc, nguồn lực đầu tư cho văn hóa nói chung và cho công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa luôn ở mức thấp; công tác xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến nhiều di sản, di tích văn hóa - lịch sử trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa được quan tâm đúng mức, một số di tích bị xuống cấp và hư hỏng nghiêm trọng. Nhưng khi địa phương xây dựng phương án kêu gọi đầu tư xã hội hóa thì gặp vướng vì cơ chế sử dụng tài sản công cho mục đích kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng phát biểu

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng phát biểu

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, khi xây dựng phương án mời gọi đầu tư thì các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng cũng đã tính toán đáp ứng đúng các điều kiện để duy trì tốt hoạt động chuyên môn, thiết chế tại các bảo tàng, di tích lịch sử,... đồng thời vẫn có thể tạo ra một địa điểm tham quan du lịch mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng vẫn gặp vướng mắc về luật đầu tư công và nhiều quy định hạn chế khác.

Ông Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại hội nghị

Ông Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại cuộc họp, ông Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề cao vai trò của cả hệ thống chính trị của tỉnh Lâm Đồng trong nỗ lực phát huy tính tự chủ và sáng tạo, góp phần đưa tỉnh Lâm Đồng lên đứng trong top đầu cả nước về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bằng cách đưa văn hóa vào khai thác dịch vụ du lịch, mang lại nguồn thu rất lớn từ những di sản độc đáo của địa phương như hệ thống các dinh thự cổ, cồng chiêng, múa, hát Khan của đồng bào các dân tộc thiểu số…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đề nghị trong quá trình triển khai thực hiện nếu gặp vướng mắc về cơ chế chính sách thì cần nghiên cứu lại hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt là Luật Di sản văn hóa và Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa vừa được Quốc hội thông qua để có đề xuất cụ thể phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương, nhưng phải có kế hoạch chi tiết, báo cáo rõ ràng từng hạng mục cần tháo gỡ. Việc sử dụng tài sản công, ngân sách Trung ương và đặc biệt là Ngân sách tự chủ của địa phương để bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa cũng phải tuân thủ theo Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách và các luật khác nhằm tránh đầu tư dài trải thiếu hiệu quả và phát triển nóng dẫn đến thiếu tính bền vững và kế thừa.

Các ý kiến, kiến nghị của tỉnh Lâm Đồng về các lĩnh vực khác như giáo dục, đào tạo nghề, chế độ hỗ trợ cho giáo viên, cán bộ văn hóa tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số,... được các đại biểu đưa ra tại buổi làm việc sẽ được Đoàn khảo sát nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ nhằm phục vụ quá trình xem xét, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư ngân sách cho các lĩnh vực sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề, sự nghiệp văn hóa thông tin.

Đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đi khảo sát tại trường Cao đẳng Y tế tỉnh Lâm Đồng

Đoàn công tác Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đi khảo sát tại trường Cao đẳng Y tế tỉnh Lâm Đồng

Chiều cùng ngày, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đã có chuyến thăm và làm việc với Trường Cao đẳng Y tế tỉnh Lâm Đồng.

Ngọc Duy - Việt Bảo

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=91799