Bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật của đồng bào Khmer
Kiên Giang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm khoảng 13% số dân toàn tỉnh. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật của đồng bào dân tộc Khmer luôn được duy trì ở các lễ, hội, tết truyền thống mang nét đẹp văn hóa và là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày.
Với lòng đam mê văn hóa dân tộc, ông Danh Bê (68 tuổi) ở ấp Hòa Thiện, xã Định Hòa, huyện Gò Quao đã tập hợp hơn 20 người là anh em, con cháu có năng khiếu và yêu thích múa, hát nhạc Khmer thành lập đội văn nghệ của ấp. Chuẩn bị cho các kỳ hội thi, hội diễn, mỗi buổi tối, sân nhà ông Danh Bê lại rộn ràng tiếng nhạc, lời ca tập dượt. Ông truyền dạy cho con cháu nghệ thuật hát dù kê, trong đó phải diễn chằn tinh ra sao, làm thế nào để lột tả được vai công chúa. Ông hướng dẫn rất kỹ cho các cô gái từng động tác của những điệu múa truyền thống như Sa-ri-ka-keo, Sa-vông… Ông Danh Bê thường chọn những vở kịch dù kê có giá trị nghệ thuật như: Tấm Cám, Tam Tạng thỉnh kinh, Thạch Sanh chém chằn… để phân vai cho người diễn.
Trong số các diễn viên được coi là hạt nhân trẻ đội văn nghệ của ấp Hòa Thiện có Thị Hai - con gái của ông nức tiếng hát hay, múa dẻo. Mỗi dịp được cha dạy hát, Thị Hai đều chăm chú theo dõi, sau đó bắt chước theo cho đúng động tác. Thị Hai cho biết mình rất mê nghệ thuật Khmer, bởi đó là “hồn cốt”, “tài sản” của dân tộc, mà nhiều thế hệ đã mất nhiều công sức vun đắp.
Hàng chục năm qua, đội văn nghệ ấp Hòa Thiện của ông Danh Bê là nòng cốt cho phong trào của xã, nhất là những dịp Tết Chôl-Chnăm-Thmây, Lễ hội Ok-Om-Bok và Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang được tổ chức hằng năm tại huyện Gò Quao. Hiện, ông Danh Bê còn nghiên cứu, học hỏi tự làm được các loại nhạc cụ, các loại mặt nạ trong sân khấu rô-băm, sáng tác kịch bản các bài múa dân gian truyền thống như: Múa rô-băm, múa áp-sa-ra, múa gáo…
Tại huyện Gò Quao có khoảng trên 200 người được ông Danh Bê truyền dạy múa, hát. “Tôi muốn thành lập được nhiều đội văn nghệ Khmer, được hỗ trợ về nhạc cụ, âm thanh để đội văn nghệ Khmer phục vụ tốt và nhiều hơn nữa cho người dân”, ông Danh Bê chia sẻ.
Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 15/76 ngôi chùa Khmer được trang bị phương tiện âm thanh nhạc cụ để hoạt động văn nghệ. Tỉnh cũng có đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp, 10 câu lạc bộ và đội văn nghệ quần chúng hoạt động hiệu quả. Nghệ thuật truyền thống đồng bào Khmer ở Kiên Giang có âm nhạc truyền thống, gồm các dòng nhạc cưới, nhạc lễ, các điệu ru, làn điệu Àday đối đáp; chế tác nhạc cụ truyền thống Khmer; múa truyền thống của người Khmer; sân khấu Dù kê; sân khấu Rô băm; nghệ thuật viết chữ Khmer trên sách lá…
Cũng giống như các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer như Trà Vinh, Sóc Trăng, cứ đến ngày rằm tháng 10 âm lịch hằng năm, các hoạt động Lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer được tổ chức tại huyện Gò Quao. Tại đây, ngoài hoạt động chính là giải đua ghe ngo và Lễ Cúng Trăng trong khuôn khổ lễ hội còn có nhiều hoạt động sôi nổi như: thi thả đèn nước, hội chợ thương mại, thi ẩm thực, liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê, trình diễn trang phục ba dân tộc: Kinh-Khmer-Hoa... tạo không khí tưng bừng, nhộn nhịp, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan. Thông qua đó giới thiệu, quảng bá về văn hóa, du lịch tỉnh Kiên Giang, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt tạo nên ý nghĩa và hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Khmer trong việc xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Sáu, hiện Kiên Giang đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Qua đó tiến hành lập hồ sơ khoa học về bốn loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer tiêu biểu ở Kiên Giang gồm: nghệ thuật múa truyền thống Khmer, Lễ hội Ok-om-bok, nghệ thuật diễn tấu dàn nhạc ngũ âm Khmer, văn học dân gian Khmer đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.