Bảo tồn, phát huy giá trị di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia
Vĩnh Phúc có hàng chục nghìn di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có giá trị hiện được lưu giữ tại các bảo tàng, nhà truyền thống, di tích lịch sử - văn hóa, di tích khảo cổ học. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, được ngành Văn hóa và các cấp chính quyền quan tâm thực hiện nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, tuyên truyền, quảng bá lịch sử, di sản văn hóa, hình ảnh đất và người Vĩnh Phúc với khách tham quan trong nước và quốc tế.
Tại Đền Gia Loan (thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc), ngôi đền thờ Nguyễn Khắc Khoan, vị tướng giỏi dưới thời Ngô Quyền còn lưu giữ 2 cuốn ngọc phả, 5 đạo sắc, 3 bức phù điêu chạm nổi bằng gỗ, ban thờ, bức đại tự, nghi môn, câu đối, gươm thờ, lục bình, đài quả, đài nước, đỉnh đồng, lư hương, phù điêu sư tử…
Để giữ gìn, bảo tồn các di vật, cổ vật này, dân làng đã cử cụ từ Nguyễn Văn Nhàn trông coi di tích. Cụ Nhàn cho biết: “Trong di tích có nhiều di vật, cổ vật được làm từ chất liệu giấy, gỗ rất dễ hư hỏng, mối mọt theo thời gian. Vì vậy, trong lúc thắp nhang, tôi luôn phải chú ý tránh để lửa bén vào các di vật, cổ vật; thường xuyên vệ sinh các hiện vật bằng kim loại để các hiện vật không bị rỉ sét.
Tôi túc trực, trông coi di tích cả ngày lẫn đêm để đề phòng kẻ gian đột nhập trộm cắp cổ vật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để hỏa hoạn xảy ra hoặc thiên tai làm hư hại các di vật, cổ vật. Nếu gặp phải tình huống khẩn cấp, tôi sẽ di chuyển các di vật, cổ vật đến nơi an toàn; đồng thời, báo cáo với UBND thị trấn Yên Lạc để có biện pháp kịp thời bảo vệ di tích và các di vật, cổ vật".
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lạc Nguyễn Văn Minh cho biết: Trên địa bàn thị trấn có 6 di tích, trong đó, có 2 di tích cấp quốc gia là chùa Biện Sơn và Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu; 4 di tích cấp tỉnh gồm: Đền Gia Loan, Đình Đoài, nhà thờ họ Dương và nhà thờ họ Phùng.
Trong các di tích hiện còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa. Chính quyền địa phương phối hợp với Ban quản lý di tích thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích và các di vật, cổ vật. Chùa Biện Sơn lưu giữ nhiều pho tượng Phật cổ có giá trị được nhà chùa cất giữ cẩn thận tránh để bị thất thoát, hư hỏng.
Những di vật, cổ vật ở Đền Gia Loan và Đình Đoài do cụ từ trông coi, bảo vệ. Đối với Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu, UBND thị trấn Yên Lạc bố trí bảo vệ trông coi 24/24h để kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm di tích khảo cổ.
Là thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa của tỉnh, những năm qua, Bảo tàng tỉnh thực hiện đồng bộ các khâu nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày những hiện vật về lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội của tỉnh qua các thời kỳ.
Để có nguồn hiện vật phong phú, Bảo tàng đã tổ chức nhiều đợt sưu tầm ở các địa phương trong tỉnh và các tỉnh bạn, các trung tâm lưu trữ, các viện nghiên cứu và các tổ chức, cá nhân trong cả nước; vận động các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài tỉnh tích cực đóng góp và hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng.
Công tác bảo quản các hiện vật được cán bộ Bảo tàng tỉnh thực hiện đúng kỹ thuật theo hướng dẫn từ các chuyên gia, tránh làm hư hỏng, phá vỡ tính nguyên gốc của hiện vật.
Đồng chí Mai Văn Trung, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang bảo quản hơn 21.500 hiện vật, tài liệu, phim ảnh của con người qua các thời kỳ lịch sử, đặc biệt là 2 bộ di cốt người Việt cổ thuộc văn hóa Phùng Nguyên; đồ dùng sinh hoạt gốm, sứ đặc trưng của văn hóa Đồng Đậu; bảo vật quốc gia Tháp gốm men chùa Trò (xã Yên Phương, huyện Yên Lạc)...
Hệ thống trưng bày thường trực của Bảo tàng tỉnh được đầu tư, chỉnh lý và nâng cấp, hiện có tổng số 1.518 hiện vật, trưng bày trên diện tích 1.785 m2, giới thiệu về truyền thống văn hóa, lịch sử vùng đất, con người Vĩnh Phúc từ thời kỳ tiền sơ sử đến nay.
Bảo tàng tỉnh đã tổ chức thành công 15 cuộc trưng bày chuyên đề có nội dung sâu sắc, hấp dẫn, mang tính thời sự tại Bảo tàng và trưng bày lưu động tại các địa phương trong tỉnh.
Em Lê Đình Khải, sinh viên Trường cao đẳng Vĩnh Phúc cho biết: “Khi đến Bảo tàng tỉnh tham quan, em được tận mắt chiêm ngưỡng, tìm hiểu về giá trị những di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp em hiểu hơn về lịch sử, văn hóa của người dân Vĩnh Phúc qua các thời kỳ lịch sử”.
Phó Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở VH-TT&DL Ngô Văn Khoa cho biết: Các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Ngoài Bảo tàng tỉnh, hàng nghìn di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hiện được lưu giữ, bảo quản, trưng bày tại các nhà truyền thống, các di tích lịch sử - văn hóa, di tích khảo cổ học trên địa bàn tỉnh.
Thông qua việc lưu giữ, trưng bày, thuyết minh về các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia giúp khách tham quan hiểu rõ về ý nghĩa, giá trị của hiện vật; làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; thúc đẩy phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.