Bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa của người dân miền biển
Nằm ở phía Nam của tỉnh Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn được thiên nhiên ban tặng 42km bờ biển và ở mảnh đất này vẫn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa của người miền biển với những trò chơi, trò diễn dân gian mỗi độ tết đến, xuân về.
Vào ngày mùng 3 tết, khi đến các thôn Thượng Nam và Thượng Bắc, xã Hải Nhân (thị xã Nghi Sơn), mọi người lại được đắm mình vào không gian văn hóa nơi đây, hòa chung vào tiếng reo hò, cổ vũ cùng với thanh âm của tiếng giã, tiếng sàng để chọn ra những hạt gạo chất lượng nhất cho hội thi thổi cơm. Nét độc đáo của cuộc thi là vừa đi vừa nấu, nồi cơm nấu không được chạm đất, mỗi đội có 6 người, không phân biệt nam nữ trên địa bàn 2 thôn. Trong thời gian 25 phút, cuộc thi trải qua 3 công đoạn: Giã thóc, sàng thóc lấy gạo và thổi cơm, đội nào nấu cơm chín nhanh, dẻo sẽ giành giải nhất.
Tương truyền, trò chơi, trò diễn dân gian nấu cơm thi đầu năm có nguồn gốc từ đời vua Quang Trung. Vào năm 1789, khi vua Quang Trung tiến ra Bắc đại phá quân Thanh, trên đường đến phủ Tĩnh Gia, dừng chân tại làng Do Xuyên, xã Hải Thanh (nay là phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn) để tuyển quân và củng cố lực lượng. Tại đây, vua đã ban lệnh cho các làng trên địa bàn phủ Tĩnh Gia nấu cơm thi. Từ đó, trở đi cứ vào những ngày đầu xuân, nhiều địa phương trên địa bàn lại tổ chức nấu cơm thi, trong đó có làng Thượng Nam và Thượng Bắc, xã Hải Nhân.
Nhắc đến thị xã Nghi Sơn là nhắc đến nước mắm Ba Làng nổi tiếng gần xa, từ những con cá đánh bắt được từ biển, người dân phường Hải Thanh làm nên thứ nước chấm óng vàng màu cánh gián, đặc sánh và thơm lừng mà bà con gọi là mắm chắt. Nước mắm Ba Làng được kết tinh và đúc kết từ lao động sản xuất, thể hiện nét đẹp văn hóa ẩm thực của người dân vùng biển, được chắt lọc từ vị mặn mòi của muối, vị ngọt của cá và những giọt mồ hôi thắm đượm tình cảm của người dân vùng biển Nghi Sơn.
Là vùng đất đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, trên địa bàn thị xã Nghi Sơn hiện có 38 di tích, danh thắng, nhiều làng nghề truyền thống và gần 20 lễ hội truyền thống, ghi đậm dấu ấn cuộc đời và sự nghiệp của nhiều nhân vật tiêu biểu trong lịch sử hình thành và phát triển quê hương, đất nước. Trong đó phải kể đến cụm di tích và thắng cảnh Lạch Bạng gắn liền với người dân vùng biển nơi đây là Đền thờ Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, đền Lạch Bạng, chùa Đót Tiên...
Xã đảo Nghi Sơn còn có tên cổ là Biện Sơn, vốn là cù lao nổi lên giữa một vùng sóng nước mênh mang nằm trong cửa Bạng. Trước đây, từ đất liền muốn ra đảo, người dân phải dùng thuyền nhưng sau này, do tác động của quá trình kiến tạo địa chất và con người quai đê lấn biển, Biện Sơn được nối với đất liền. Trên xã đảo có đền thờ vua Quang Trung tại thôn Bắc Sơn, đây là ngôi đền linh thiêng có niên đại hàng trăm năm, dù đã trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh, tuy nhiên, đến nay ngôi đền vẫn giữ lại được những nét cổ kính, trầm mặc của thời gian. Tại xã đảo Nghi Sơn có nhiều di tích mang giá trị văn hóa lịch sử như những chiếc giếng cổ hình vuông gắn liền với văn hóa người Chăm, hay như đền thờ vua bà Trần Quý Phi, giếng Ngọc gắn với sự tích Mỵ Châu - Trọng Thủy...
Ông Mai Sỹ Lân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn cho biết: “Cùng với bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa của người dân miền biển, xác định phát triển du lịch là 1 trong 4 chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm, trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Nghi Sơn lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền thị xã Nghi Sơn đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút các nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch, những Khu Du lịch Hải Hòa, Khu Du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn đã và đang thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, đồng thời tìm hiểu văn hóa về đất và người nơi đây”.