Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Mường

Hòa Bình là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 64%. Trang phục được xem là một yếu tố nhận diện, phân biệt của mỗi dân tộc. Trong quá trình phát triển và giao lưu văn hóa, trang phục truyền thống của dân tộc Mường cũng có sự cải biến song vẫn thể hiện đặc trưng của dân tộc.

Hòa Bình là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 64%. Trang phục được xem là một yếu tố nhận diện, phân biệt của mỗi dân tộc. Trong quá trình phát triển và giao lưu văn hóa, trang phục truyền thống của dân tộc Mường cũng có sự cải biến song vẫn thể hiện đặc trưng của dân tộc.

Phụ nữ dân tộc Mường ở phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) tự hào khi khoác trên mình trang phục truyền thống.

Là một trong 4 vùng Mường cổ của tỉnh, những năm qua, Mường Bi – Tân Lạc luôn chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc Mường, trong đó có trang phục truyền thống. Tuy nhiên, số người Mường mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt ngày một giảm, chủ yếu là người già, phụ nữ trung niên ở vùng sâu, vùng xa, ước tính có khoảng 50 nghìn bộ trang phục của phụ nữ Mường được sử dụng. Đồng chí Bùi Minh Hồng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tân Lạc cho biết: Để bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc Mường, trên địa bàn huyện đã thành lập nhiều câu lạc bộ Mo Mường, "Thường rang, bộ mẹng” và tiêu biểu là câu lạc bộ giữ gìn tiếng nói, trang phục. Huyện khuyến khích các địa phương tiếp tục nhân rộng các câu lạc bộ để giữ gìn tiếng nói và trang phục của người Mường. Trong các lễ hội, sự kiện lớn của huyện, xã, khu dân cư và gia đình, người dân thường chọn trang phục dân tộc Mường để mặc như một niềm tự hào về truyền thống từ ngàn xưa.

Không chỉ ở Mường Bi, công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của người Mường được tỉnh quan tâm. Trang phục truyền thống của người Mường gồm thường phục và lễ phục với dấu ấn riêng không thể trộn lẫn với trang phục của các tộc người khác, nhất là về kiểu dáng, màu sắc và hoa văn trên trang phục của người phụ nữ. Trang phục truyền thống của người Mường được làm từ chất liệu có nguồn gốc thực vật và màu nhuộm từ tự nhiên. Trong trang phục truyền thống phụ nữ Mường có nét độc đáo ở cạp váy với các hoa văn được dệt rất kỳ công, cùng với trang sức gồm vòng tay, chuỗi hạt và bộ xà tích. Nghệ thuật trang trí cạp váy Mường đã thể hiện sự sáng tạo cấu trúc và hoa văn trên trống đồng Đông Sơn với nhiều họa tiết và bố cục trang trí hợp lý, không phô trương sắc màu rực rỡ mà rất tinh tế.

Trang phục truyền thống nam giới đơn giản hơn gồm áo ngắn cổ tròn, quần được may bằng vải tự dệt màu đen hoặc tím than. Hiện nay, xu hướng sử dụng trang phục hiện đại đang làm biến đổi các chi tiết trong bộ trang phục của người Mường, nhất là ở cạp váy và khuy áo của người phụ nữ. Bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mường thường được mặc vào các dịp lễ, Tết, đám cưới và các sự kiện quan trọng. Số người Mường còn mặc trang phục dân tộc thường xuyên còn rất ít, chủ yếu là người già, phụ nữ trung niên. Trang phục truyền thống của nam giới Mường hầu như không còn.

Thực hiện Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL, ngày 18/01/2019 của Bộ VH-TT&DL về việc phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay", UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 87/KH-UBND, ngày 26/4/2021 nhằm huy động sự tham gia của các cấp, ngành và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh, trong đó có trang phục của người Mường. Tuyên truyền, khuyến khích cán bộ, giáo viên, học sinh mặc trang phục truyền thống dân tộc 1 buổi/tuần tại các trường dân tộc nội trú; khuyến khích 1 buổi/tuần cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số ở các trường học trên địa bàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh đã có một số trường học may đồng phục bằng trang phục truyền thống của dân tộc Mường. Tiếp đó, ngày 24/11/2023, UBND tỉnh đã ban hành Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 – 2030. Trong đó, đánh giá thực trạng và đề ra các giải pháp đối với công tác bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của người Mường tỉnh Hòa Bình.

Hiện nay, các cấp, ngành, huyện, thành phố đang tập trung các giải pháp đồng bộ để bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc Mường. Trong đó chú trọng bảo tồn trang phục truyền thống gắn với phát triển du lịch. Ngành VH-TT&DL đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia "Kỹ thuật dệt hoa văn trên cạp váy truyền thống dân tộc Mường ở Hòa Bình”. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương hàng năm khôi phục và tổ chức lễ hội truyền thống, các cuộc thi "Người đẹp trình diễn trang phục dân tộc Mường” và các hoạt động văn hóa, trình diễn nghệ thuật để tuyên truyền, quảng bá giá trị của trang phục dân tộc Mường. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch sử dụng, trưng bày và cho khách du lịch thuê trang phục truyền thống dân tộc Mường và trải nghiệm nghề dệt, kỹ thuật tạo hoa văn trên trang phục của dân tộc Mường Hòa Bình...

Hương Lan

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/192366/bao-ton,-phat-huy-trang-phuc-truyen-thong-dan-toc-muong.htm