Bảo tồn trang phục dân tộc Sán Chỉ (Pác Nặm) gắn với phát triển du lịch
Nép mình bên dãy núi hùng vĩ và dòng suối Nà Nghè hiền hòa, bản của người Sán Chỉ Khâu Đấng, xã Bộc Bố (Pác Nặm, Bắc Kạn) yên bình và thơ mộng. Dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi nhưng người dân nơi đây vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong đó có trang phục truyền thống của dân tộc. Việc gìn giữ và duy trì mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong đời sống sinh hoạt hằng ngày đã được đưa vào trong quy ước, hương ước của thôn. Qua đó, góp phần tô thắm vườn hoa nhiều sắc màu các dân tộc vùng cao huyện Pác Nặm.
Trong bối cảnh nhiều dân tộc đang dần đánh mất đi trang phục truyền thống của mình, thì phụ nữ Sán Chỉ ở Khâu Đấng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm vẫn gìn giữ nó như một vốn quý. Dù làm gì, ở đâu, trong các dịp lễ, tết hay xuống chợ, làm nương, đi học, người phụ nữ Sán Chỉ vẫn mặc nó với niềm tự hào riêng. Được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, trang phục này thể hiện sự khéo léo, tinh tế và thế giới quan của người phụ nữ Sán Chỉ thông qua mỗi đường kim, mũi chỉ, mỗi hoa văn, họa tiết trên áo. Chị Hoàng Thị Mộng, thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cho biết: phụ nữ Sán Chỉ hầu như ai cũng biết dệt và khâu trang phục truyền thống của dân tộc. Trong cuộc đời mỗi người đều có rất nhiều bộ trang phục. Mặc thường ngày hay đi lễ hội.
Dù sắc áo không sặc sỡ, nhưng trang phục của phụ nữ Sán Chỉ vẫn có điểm nhấn nhờ những vật trang sức như vòng cổ, vòng tay và các phụ kiện dùng để quấn tóc. Áo trong thường do sở thích của từng người chọn kiểu và màu sắc nhưng thường là áo sáng màu, áo ngoài là áo chàm có hai mảnh được khâu chéo sang bên phải, các mép áo được viền một dải màu đỏ, chiều dài tà áo ngang bắp chân. Trong những dịp lễ, tết, cưới hỏi, người phụ nữ Sán Chỉ thường mặc trang phục có vấn tóc, đội khăn màu đen và kèm theo các phụ kiện như vòng cổ, vòng tay bằng bạc; Một trong những phụ kiện đi kèm không thể thiếu của bộ trang phục Sán Chỉ đó là chiếc thắt lưng. Thắt lưng được dệt từ những sợi len, sợi vải nhuộm nhiều màu sắc, có đính những bông bạc, hoặc kim loại, tạo điểm nhấn nổi bật cho bộ trang phụcđeo thắt lưng làm bằng lụa hoặc nhiễu với nhiều màu sắc khác nhau được các cô khéo léo kết hợp cho phù hợp với trang phục của mình.
Trong lúc nông nhàn, trên mỗi ngôi nhà sàn truyền thống những người bà, người mẹ lại truyền dạy cho con cách dệt vải, đan áo. Việc gìn giữ trang phục dân tộc cũng đã được đưa vào quy ước, hương ước của thôn do đó dù đời sống đã có nhiều thay đổi nhưng bà con người Sán Chỉ ở Khâu Đấng vẫn giữ được thói quen mặc trang phục dân tộc trong mọi sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt khi du khách đến thăm bản cũng sẽ được chiêm ngưỡng và có thể mua về những bộ trang phục truyền thống đặc sắc của người Sán Chỉ nơi đây.
Cùng với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, sự đồng thuận nỗ lực vươn lên từ chính người dân, giờ đây đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng dân tộc Sán Chỉ ở thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố đã có sự đổi thay rõ rệt. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 10% tổng dân số của huyện, nhưng với việc lưu giữ những nét đẹp truyền thống của mình, người Sán Chỉ đã góp thêm một sàu màu độc đáo trong kho tàng văn hóa phong phú của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Pác Nặm. Hi vọng trong thời gian tới khi Khau Đấng được đầu tư phát triển thành điểm du lịch văn hóa cộng đồng của huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn thì nơi đây ngày càng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Hoàng Hiền - Trung tâm VH&XTDLBắc Kạn