Bảo tồn và lan tỏa làn điệu Soọng cô cho thế hệ trẻ

Với nhiều chương trình đặc sắc, đặc biệt là truyền dạy cho con em đồng bào dân tộc Sán Dìu về văn hóa, nghệ thuật, phong tục của chính dân tộc mình, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã tổ chức các lớp truyền dạy đa dạng cùng sự đóng góp của các nghệ nhân ưu tú, từ đó bảo tồn và lan tỏa làn điệu Soọng cô trong đời sống cộng đồng.

Các làn điệu Soọng cô được con em đồng bào dân tộc Sán Dìu, thôn Trung Mầu, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên luyện tập, biểu diễn

Các làn điệu Soọng cô được con em đồng bào dân tộc Sán Dìu, thôn Trung Mầu, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên luyện tập, biểu diễn

Đối với người Sán Dìu, độc đáo nhất là hát ví Soọng cô - nghĩa là xướng ca. Cuốn sách “Dân ca Sán Dìu” do tác giả Diệp Thanh Bình sưu tầm và dịch ra tiếng phổ thông thể hiện tâm hồn và tình cảm của người Sán Dìu với nhau, với thiên nhiên, quê hương, làng bản… từ những thời xa xưa; trong đó, có hàng trăm bài hát dân ca Sán Dìu như hát ban đêm (Ki mạn cô), hát về giấc mơ (Mông vún cô), hát về lời khuyên vợ chồng (Công phố cô), bài ca bơi thuyền (Slao slọn cô), ca đám cưới (Sênh ca chú)... và được dịch ra tiếng phổ thông.

Tục lệ hát Soọng cô được diễn ra hằng năm vào dịp nông nhàn sau khi thu hoạch vụ mùa tháng 11, tháng Chạp âm lịch hoặc mùa Xuân sau Tết Nguyên đán, tháng Giêng, tháng Hai trai làng, gái bản rủ nhau đi chơi, thăm người thân ở làng xa. Họ đi từng nhóm, có trẻ, có già, nhưng giỏi hát đối đáp.

Họ đến một làng xa và đến nhà anh em họ hàng, buổi tối gặp gỡ những gái làng và sau bữa cơm rượu là cuộc hát đối đáp, giao duyên… Và cứ thế mọi người tới, uống nước, hút thuốc, xơi trầu rôm rả. Hai bên hát đối đáp với màn hát làm quen, hát chào hỏi, hát mời nhau uống nước ăn trầu, hát tâm tình đôi bên nam nữ, hát sang canh gà gáy và hát chia tay.

Cuộc hát có thể kéo dài 5-7 ngày, có khi tới 15 ngày từ làng này qua làng khác. Có nhiều cuộc hát làm đối phương thua không trả lời được. Lại có nhiều cô gái đẹp làm trai làng siêu lòng mà yêu họ. Cũng từ đó tình yêu nảy nở và nhiều đôi vợ chồng đã kết tóc trăm năm.

Điệu Soọng cô đã đi vào tâm thức mỗi người Sán Dìu và trở thành một nghệ thuật trong đời sống văn hóa. Nhưng, trước sự xâm lấn của luồng văn hóa ngoại lai, nghệ thuật này đang bị phôi pha nhiều.

Để bảo tồn và lan tỏa làn điệu Soọng cô, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã tổ chức tập huấn, truyền dạy chữ viết, tiếng nói, giọng hát của đồng bào dân tộc Sán Dìu thông qua các làn điệu hát Soọng cô - tại các huyện, thành phố Bình Xuyên, Tam Đảo, Phúc Yên - nơi có nhiều đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống.

Trung tâm đã lựa chọn những hạt nhân văn nghệ tham gia lớp học là những người có năng khiếu, nhiệt tình, trách nhiệm và tâm huyết với phong trào văn hóa-văn nghệ của địa phương truyền dạy cho đối tượng thanh, thiếu nhi, là con em đồng bào dân tộc Sán Dìu.

Thời gian qua, trung tâm đã tổ chức truyền dạy cho con em đồng bào dân tộc Sán Dìu tại xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo; thôn Trung Mầu, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên. Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Nguyễn Thị Nguyệt Ánh cho biết:

“Nhằm quảng bá rộng rãi giá trị đặc sắc của làn điệu Soọng cô của người Sán Dìu - di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là di sản cấp quốc gia và những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Sán Dìu huyện Bình Xuyên nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, trung tâm phối hợp với các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân hát Soọng cô ở địa phương xây dựng chương trình, nội dung, giáo án giảng dạy.

Đồng thời, thành lập Ban tổ chức; tổ giảng viên, trợ giảng trực tiếp tham gia quản lý lớp tập huấn. Thông qua chương trình truyền dạy nhằm bảo tồn và phát triển các làn điệu hát Soọng cô, khích lệ, động viên tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hăng say lao động, sản xuất của đồng bào các dân tộc trong tỉnh”.

Chương trình truyền dạy đã thu hút gần 100 con em đồng bào dân tộc Sán Dìu ở thôn Trung Mầu, xã Trung Mỹ tham gia với niềm say mê, hào hứng.

Em Lưu Thị Huyền Trang, học sinh lớp 9, Trường THCS Trung Mỹ chia sẻ: “Được tham gia lớp học về điệu Soọng cô trong 10 ngày, em được học những bài dân ca tiêu biểu như hát ca ngợi về Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước. Thêm nữa em còn được học lời chào, cám ơn. Qua đây, em cũng biết thêm nhiều kiến thức, hiểu thêm về phong tục của dân tộc mình”.

Truyền dạy điệu Soọng cô là một trong những hình thức bảo tồn có giá trị nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào văn hóa-văn nghệ quần chúng ở cơ sở gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó lan tỏa trong đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, động viên, khích lệ nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.

Bài, ảnh: Thu Thủy

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95198//bao-ton-va-lan-toa-lan-dieu-soong-co-cho-the-he-tre