Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển của tỉnh đó là “Xây dựng, phát huy các giá trị văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội”. Hiện thực hóa nhiệm vụ trên, thời gian qua, Sở VH-TT&DL tích cực tham mưu, đề xuất với tỉnh; chủ động triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Tăng cường quản lý, quan tâm tu bổ, phục hồi

Vĩnh Phúc - vùng đất địa linh nhân kiệt, một trong những nơi được xem là cái nôi phát tích của người Việt cổ. Trải qua hàng nghìn năm phát triển với đặc thù về địa hình, khí hậu, cảnh trí thiên nhiên cùng những thăng trầm của lịch sử đã kiến tạo và để lại cho nơi đây những giá trị di sản văn hóa đặc sắc, phong phú bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể.

Di tích quốc gia đình Đình Chu, huyện Lập Thạch hoàn thành việc tôn tạo, tu bổ vào năm 2020

Di tích quốc gia đình Đình Chu, huyện Lập Thạch hoàn thành việc tôn tạo, tu bổ vào năm 2020

Hệ thống các giá trị văn hóa phi vật thể có thể kể đến như các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, tín ngưỡng thờ cúng, phong tục tập quán, làn điệu dân ca, hoạt động diễn xướng… Đến nay, toàn tỉnh đã công bố danh mục hơn 570 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 7 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Cùng với đó là đa dạng các di sản văn hóa vật thể như đình, đền, miếu, phủ, chùa, tháp, nghè, am, lăng, quán…; các di tích lịch sử, văn hóa; danh lam thắng cảnh. Toàn tỉnh hiện có hơn 500 di tích đã xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 65 di tích cấp quốc gia, hơn 430 di tích cấp tỉnh, cùng với hàng nghìn các di tích khác.

Nhận thức sâu sắc việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nhằm giáo dục truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc; lưu giữ những tinh hoa văn hóa quý báu để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đưa văn hóa sánh ngang, đồng hành và tạo động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh đã cụ thể hóa thành nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng thời, tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương quan tâm, thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, Sở VH-TT&DL đã khẩn trương phối hợp với các ngành, địa phương rà soát, kiểm tra, đánh giá tình hình xuống cấp của các di tích văn hóa, tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 71 quy định về cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025.

Tổ chức xây dựng bản đồ di sản theo Nghị quyết số 71; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 175 về thực hiện tu bổ, chống xuống cấp di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch theo từng năm.

Đặc biệt là Kế hoạch số 306 của UBND tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Điển hình là kiểm kê, công bố danh mục các di tích, di sản văn hóa phi vật thể; khảo sát, lựa chọn, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích; lựa chọn, lập hồ sơ khoa học đề nghị ghi danh vào các danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lập quy hoạch và tổ chức bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; xây dựng cơ sở dữ liệu, thực hiện số hóa dữ liệu về di sản văn hóa; phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, huy động xã hội hóa tham gia bảo vệ, tôn tạo, phát huy các giá trị của di sản văn hóa…

Cùng với đó, hướng dẫn các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý; triển khai các phương án bảo quản, chống xuống cấp các di tích; thực hiện các nhiệm vụ đầu tư, tôn tạo, tu bổ các di tích theo Nghị quyết số 71 của HĐND tỉnh đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Di sản, Luật Xây dựng và các quy định khác của pháp luật.

Nhờ vậy, nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử đã và đang được khôi phục, tôn tạo, bảo vệ, phát huy giá trị như đình Đình Chu, huyện Lập Thạch; đình Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường; đình Thạc Trục, huyện Lập Thạch… và nhiều di tích khác.

Tiếp tục nâng tầm giá trị các di sản văn hóa

Dự kiến trong năm 2022 tiếp tục có thêm 22 di tích được triển khai công tác tu bổ, tôn tạo, trong đó một số di tích đã được tỉnh phê duyệt triển khai, các di tích cấp quốc gia đang chờ thẩm định, xin ý kiến của Bộ VH-TT&DL.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Tây Thiên đang được lập quy hoạch tổng thể xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Khu di tích quốc gia đặc biệt Tây Thiên đang được lập quy hoạch tổng thể xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Ngoài ra, Sở VH-TT&DL đã hoàn thiện xây dựng hồ sơ trích ngang đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với đền thờ Phạm Công Bình, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc; chùa Hà Tiên, xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên.

Xây dựng hồ sơ khoa học và trình Bộ VH-TT&DL xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia với Lễ hội Chạy Cày, xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương; Lễ hội Xuống Đồng, xã Quang Yên, huyện Sông Lô. Trình UBND tỉnh quyết định công nhận xếp hạng 10 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh…

Theo kế hoạch, đến năm 2025, tiếp tục khảo sát, lựa chọn đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt từ 3-5 di tích; di tích quốc gia từ 8-10 di tích và 15-20 di tích cấp tỉnh.

Xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO từ 1-2 di sản; xây dựng hồ sơ khoa học, đề nghị ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ 8-10 di sản.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Bùi Hồng Đô cho biết: "Phát triển văn hóa nói chung và giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói riêng luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, coi đây là nền tảng để xây dựng xã hội Vĩnh Phúc giàu mạnh, văn minh, phát triển bền vững.

Điều này đã được tỉnh cụ thể hóa thông qua các nghị quyết, kế hoạch, chương trình để chỉ đạo các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Mới đây nhất là dự thảo đề án và nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.

Với chức trách, nhiệm vụ của mình, Sở VH-TT&DL đã không ngừng nỗ lực tham mưu tỉnh những cơ chế, chính sách, giải pháp để thúc đẩy phát triển văn hóa, cũng như bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống.

Đơn cử như Khu di tích quốc gia đặc biệt Tây Thiên, để đảm theo quy định của Luật Di sản, sở đã lập quy hoạch tổng thể, đang tổng hợp ý kiến của các ngành, địa phương để hoàn thiện, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ VH-TT&DL thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh sẽ tiến hành lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết, khi đó mới có thể thực hiện các dự án tôn tạo, tu bổ, bởi theo quy định, việc tôn tạo, tu bổ đối với di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

Song song với đó, tỉnh đã phê duyệt đề cương, nhiệm vụ xây dựng Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; tiến tới hoàn thiện, đề nghị ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.

Trước mắt, với Khu di tích quốc gia đặc biệt Tây Thiên, cũng như các di tích lịch sử văn hóa quốc gia khác, Sở VH-TT&DL đã tham mưu UBND tỉnh giao các địa phương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời triển khai các biện pháp gia cố, khắc phục bảo đảm an toàn cho các di tích, nhưng tuyệt đối không được ảnh hưởng, biến dạng di tích gốc.

Đối với các di tích còn lại, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, đồng thời phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá thực trạng, tăng cường công tác quản lý, tổ chức lập, thẩm định các phương án tôn tạo, tu bổ; bố trí nguồn vốn ngân sách và huy động các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư tôn tạo, tu bổ, đảm bảo các di tích vừa được gìn giữ lâu dài, phát huy tốt giá trị truyền thống, vừa là động lực thúc đẩy phát triển du lịch, đóng góp cho tăng trưởng chung của tỉnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/81543/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa.html