Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Mường

Trên địa bàn huyện Yên Thủy có 7 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 70%, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 69%. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Yên Thủy luôn quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Trên địa bàn huyện Yên Thủy có 7 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 70%, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 69%. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Yên Thủy luôn quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Nghệ nhân Ưu tú Trương Đức Him, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mo Mường huyện Yên Thủy giới thiệu về di sản văn hóa mo Mường.

Nghệ nhân Ưu tú Trương Đức Him, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mo Mường huyện Yên Thủy giới thiệu về di sản văn hóa mo Mường.

Trong các di sản văn hóa dân tộc Mường, nhà sàn là một phần bản sắc văn hóa của người Mường. Hiện nay, số nhà sàn truyền thống trên địa bàn huyện có chiều hướng giảm mạnh, ước tính còn lưu giữ trên 20 ngôi nhà sàn truyền thống. Số gia đình người Mường có nhà sàn rất ít, nhiều nhà đã xuống cấp do thời gian hoặc chuyển sang chất liệu gạch, bê tông.

Đồng chí Trần Hữu Hậu, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Thủy cho biết: Huyện đã xây dựng đề án về giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh. Trong đó, di sản văn hóa chiêng Mường được cấp ủy, chính quyền, người dân quan tâm giữ gìn và bảo vệ tích cực. Thống kê toàn huyện còn lưu giữ gần 300 chiếc chiêng Mường, giảm so với giai đoạn trước. Ngoài ra, trên địa bàn huyện thành lập nhiều câu lạc bộ (CLB) như: CLB Chiêng Mường; CLB Bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường... Tiêu biểu là CLB Mo Mường huyện Yên Thủy được thành lập năm 2021 với gần 30 thầy mo tham gia. Đặc biệt, huyện có 2 nghệ nhân mo Mường được công nhận nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Huyện khuyến khích các địa phương tiếp tụcnhân rộng mô hình CLB để giữ gìn tiếng nói, trang phục của người Mường.

Toàn huyện có 11 đội văn nghệ tuyên truyền ở các xã, thị trấn; 115 đội văn nghệ xóm, khu phố tham gia các hoạt động ở xóm, khu và cuộc thi do xã, huyện tổ chức. Các tiết mục văn nghệ đậm bản sắc văn hóa địa phương như: Hát giao duyên, hát về Đảng và Bác Hồ có phần lời bằng tiếng dân tộc; đánh chiêng Mường... Hàng năm, huyện tổ chức các hội thi nhằm duy trì, bảo tồn một số lễ hội, các loại nhạc cụ dân tộc, ẩm thực, trò chơi dân gian như đánh đu, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co… Huyện phối hợp tổ chức các lớp dạy tiếng Mường; chỉ đạo các trường học tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về di sản văn hóa đến toàn thể học sinh thông qua chương trình học tập chính khóa, ngoại khóa.

Trong thời gian tới, huyện Yên Thủy tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia giữ gìn, bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc gắn với xây dựng đời sống văn hóa mới. Chú trọng bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống cộng đồng; quảng bá tiềm năng phát triển du lịch từ giá trị của các di sản văn hóa. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, xây dựng hình ảnh đẹp về vùng đất, con người Yên Thủy.

Nguyễn Cường

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/195360/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-dan-toc-muong.htm