Bảo tồn và phát huy giá trị Hành cung Vũ Lâm

Là một di sản quý không chỉ của riêng Ninh Bình, Hành cung Vũ Lâm là minh chứng cho sự tài tình trong chiến lược quân sự của nhà Trần, thể hiện tầm nhìn sâu rộng trong việc gắn kết giữa chính trị, quân sự và văn hóa, tôn giáo.

Không gian văn hóa Hành cung Vũ Lâm tại Đền Thái Vi, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Không gian văn hóa Hành cung Vũ Lâm tại Đền Thái Vi, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Vai trò trong dòng chảy lịch sử

Hành Cung Vũ Lâm là một căn cứ quân sự của nhà Trần nằm trong vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An, thành phố Hoa Lư. Dưới triều Trần, nơi đây từng là một trung tâm quân sự và chính trị quan trọng, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử lớn của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông; đồng thời còn là nơi vua Trần Thái Tông tu hành, Trần Nhân Tông xuất gia và sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tạo nền móng cho Phật giáo Việt Nam thời Trần. Trung tâm Hành cung Vũ Lâm xưa chính là khu vực đền Thái Vi, xã Ninh Hải, thành phố Hoa Lư ngày nay.

Hành cung Vũ Lâm lúc đầu được xây dựng với mục đích làm nơi nghỉ dưỡng để Thượng hoàng Trần Thái Tông chuẩn bị cho sự nghiệp tu hành. Tuy nhiên, khi cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ hai của nhà Nguyên đang cận kề thì Hành cung Vũ Lâm trở thành nơi đặt đại bản doanh kháng chiến của triều đình nhà Trần. Khi cả triều đình tạm rút về Trường Yên thì Hành cung Vũ Lâm trở thành nơi thiết triều, là "an toàn khu" với việc bảo vệ an toàn cho hoàng tộc và triều đình.

Bên cạnh đó, vua Trần Thái Tông cũng cho xây dựng một số cơ sở tự viện, mà ngày nay còn được lưu truyền như chùa Sở, chùa Thông, chùa Khả Lương, chùa Khai Phúc ở xã Ninh Hải, thành phố Hoa Lư. Chỉ trong một thời gian ngắn, vùng đất Trường Yên đã trở thành một trung tâm Phật giáo thời Trần. Từ Hành cung Vũ Lâm, vua quan nhà Trần và người địa phương tiếp tục xây dựng tự viện ngoài phạm vi hành cung, nơi có thắng cảnh đẹp, tiêu biểu như các núi Non Nước, Động Sơn, Cánh Diều, Địch Lộng...

Không gian văn hóa Hành cung Vũ Lâm tại Đền Thái Vi, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Không gian văn hóa Hành cung Vũ Lâm tại Đền Thái Vi, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, trong số các hành cung, Vũ Lâm được xây dựng ở vùng núi hiểm trở Trường Yên, thành phố Hoa Lư. Khi lựa chọn, vua Trần Thái Tông và các vua Trần chắc chắn đã hiểu rõ vai trò, vị thế hiểm yếu của Trường Yên, nơi các triều Đinh, Lê cho dựng kinh đô thời kỳ đầu kỷ nguyên tự chủ. Những người đứng đầu vương triều muốn dựa vào các dãy núi hiểm trở làm thành cao, hệ thống sông hồ làm hào sâu, lòng người trung nghĩa làm điểm tựa để xây dựng, bảo vệ Hành cung Vũ Lâm và hậu thuẫn cho Thăng Long, Thiên Trường.

Khi đất nước hòa bình, các vua Trần tiếp nối các bậc tiền nhân xây dựng, khẳng định dòng Phật giáo riêng cho dân tộc, tạo tiền đề cho sự hình thành tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm - một trường phái Phật giáo mang đậm bản sắc Việt Nam. Do đó, Hành cung Vũ Lâm không chỉ là minh chứng cho sự tài tình trong chiến lược quân sự của nhà Trần, mà còn thể hiện tầm nhìn sâu rộng của triều Trần trong việc gắn kết giữa chính trị, quân sự và văn hóa, tôn giáo.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Quý, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, những kết quả nghiên cứu, khảo cổ học mới đây đã khẳng định Hành cung Vũ Lâm có đặc trưng giá trị lịch sử, văn hóa riêng biệt, khác hẳn với hệ thống di tích thời Trần còn lại trên miền Bắc nước ta. Nơi đây không có những di tích có quy mô hoành tráng như Hành cung Thiên Trường (Nam Định) hay Lỗ Giang (Thái Bình) mà chỉ có những công trình kiến trúc tre gỗ, hòa mình với thiên nhiên. Tuy nhiên, nơi đây lại có giá trị đặc trưng riêng biệt về địa chính trị - lịch sử - tôn giáo - văn hóa không nơi nào có được.

Bảo tồn và phát triển

Kho tàng di sản văn hóa đặc sắc tại Hành cung Vũ Lâm thời Trần vô cùng phong phú. Nơi đây hiện hữu nhiều di sản vật thể, phi vật thể và di sản Hán Nôm vô cùng quý giá. Nằm trên một địa bàn khá rộng, khu di tích Hành cung Vũ Lâm cũng bao gồm nhiều di tích lịch sử như: Cửa Quan, Hành Cung, Cống Rồng, Tuân Cáo, Vườn Kho... hay nhiều chùa cổ tồn tại từ thời Trần đến nay như Hải Nham, Bích Động, Linh Cốc, Khê Hạ, Phúc Hưng…

Hành cung Vũ Lâm là vùng đất địa linh, nhân kiệt, căn cứ địa vững chắc của quân dân thời Trần. Tuy nhiên, hiện nay những di tích còn lại rất ít, nhiều dấu tích còn ẩn sâu dưới lòng đất. Vì thế, các chuyên gia cho rằng việc dựa trên những nghiên cứu khoa học, phỏng dựng, phục dựng, sáng tạo di sản Hành cung Vũ Lâm hết sức cần thiết, giúp làm giàu thêm giá trị di sản, đem lại giá trị kinh tế cho xã hội, cộng đồng.

Xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh để khai thác giá trị của Hành cung Vũ Lâm. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh để khai thác giá trị của Hành cung Vũ Lâm. Ảnh: Hải Yến/TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Song Tùng nhấn mạnh, ngày nay, không gian văn hóa Hành cung Vũ Lâm nằm trong Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trở thành điểm đến quan trọng trong hành trình tìm hiểu lịch sử dân tộc. Việc kết hợp nghiên cứu, nhận diện làm rõ thêm các giá trị lịch sử của Hành cung Vũ Lâm phục vụ công tác bảo tồn, trùng tu các di tích của Hành cung gắn với phát triển hạ tầng du lịch xanh, thân thiện với môi trường sẽ góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế địa phương.

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, với vai trò, ý nghĩa quan trọng, Hành cung Vũ Lâm thời Trần là nguồn tài nguyên văn hóa vô giá và vô tận, cần khai thác chuyển hóa thành các sản phẩm văn hóa, du lịch có giá trị, phục vụ phát triển nền công nghiệp văn hóa ở Ninh Bình.

Ông cũng cho rằng, thời gian tới, Ninh Bình cần xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích, định hướng bảo tồn lâu dài, phát huy giá trị Hành cung Vũ Lâm trong Quần thể danh thắng Tràng An và vùng phụ cận. Đồng thời, tỉnh cần xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù, như du lịch thiền, du lịch trải nghiệm di tích thời Trần, các chương trình tái hiện không gian lịch sử - văn hóa, góp phần thu hút du khách và nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lịch sử về Hành cung Vũ Lâm nói riêng và triều đại nhà Trần nói chung, gắn với quảng bá hình ảnh Ninh Bình là một điểm đến di sản văn hóa - lịch sử - thiên nhiên đặc sắc…

Có thể thấy, giá trị, tiềm năng của Hành cung Vũ Lâm cũng như của vùng đất Hoa Lư, Tràng An trên phương diện cảnh quan, di sản là rất lớn. Việc tiếp tục có những nghiên cứu, là cơ sở đề xuất quy hoạch, phát triển, khai thác giá trị của Hành cung Vũ Lâm và khu vực Di sản Tràng An sẽ góp phần đảm bảo cho sự phát triển xứng tầm, hài hòa và bền vững; qua đó hiện thực mục tiêu đưa Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ.

Thùy Dung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-hanh-cung-vu-lam-20250507125451906.htm