Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg, lấy ngày 19/4 hằng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam nhằm tôn vinh và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)
Nước ta có 54 dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc đều có những đặc trưng riêng độc đáo, đậm đà bản sắc, thể hiện ở trang phục, tiếng nói, chữ viết, dân ca, dân vũ, âm nhạc, kiến trúc, lễ hội, phong tục, tín ngưỡng. Đó là sự kết tinh của cả một quá trình lao động, sáng tạo từ bao đời nay để tạo nên một nền văn hóa giàu đẹp, thống nhất trong đa dạng, tạo nên dáng đứng Việt Nam. Truyền thống văn hóa dân tộc chính là cội nguồn sức mạnh của cả dân tộc ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả mọi người nhằm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, bảo đảm giữ gìn được truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa của văn hóa nhân loại trong thời kỳ hội nhập.
Với những giá trị tốt đẹp đó, những năm qua, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã từng bước lan tỏa và thấm sâu trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, thực sự trở thành ngày hội để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau hòa mình trong các lễ hội truyền thống, qua đó góp phần giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có hơn 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có các dân tộc thiểu số như người Hoa, Khmer là chủ yếu, ngoài ra còn có người Chăm, Thái, Mường, Tày... Nhằm góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, cuối tháng 7/2021, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch thông tin, tuyên truyền thực hiện Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Nhiều hình thức truyền thông đã được triển khai tại tỉnh Đồng Tháp để quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số. Nhiều địa phương, đơn vị đã làm tốt công tác bảo tồn, phát triển văn hóa đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Với mục tiêu là nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Các hoạt động đưa văn hóa về cơ sở, đến vùng biên giới như: chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới; Câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật; Thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức” phục vụ Nhân dân nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa và phát huy vai trò làm chủ trong xây dựng đời sống văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Một nội dung khá mới là đẩy mạnh tuyên truyền về ứng dụng công nghệ số trong xây dựng các sản phẩm, phim, ảnh, tài liệu văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, góp phần bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Văn hóa các dân tộc là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng. Hằng năm, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam chính là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc.