Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam
Giống như bao dân tộc anh em khác cùng chung sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, người Cơ Tu có phong tục tập quán lâu đời, phong phú và đa dạng sắc màu... Dù sinh sống ở đâu, người Cơ Tu vẫn luôn lưu giữ trong mình những giá trị văn hóa truyền thống.
Là một trong 54 dân tộc anh em của Việt Nam, người Cơ Tu cư trú chủ yếu trên dãy núi Trường Sơn, tại các huyện Đông Giang, Tây Giang, huyện Nam Giang của tỉnh Quảng Nam, huyện A Lưới, Phú Lộc của tỉnh Thừa Thiên - Huế và rải rác một số ít ở Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh...
Giống như bao dân tộc anh em khác cùng chung sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, người Cơ Tu có phong tục tập quán lâu đời, phong phú và đa dạng sắc màu …. Dù sinh sống ở đâu, người Cơ Tu vẫn luôn lưu giữ trong mình những giá trị văn hóa truyền thống.
Tây Giang, Quảng Nam là địa phương có đông đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống, chiếm hơn 92% dân số của huyện. Hiện nay, nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật của người Cơ Tu đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như: nói lý, hát lý, múa tung tung da dá... Đây vừa là vinh dự cũng là trách nhiệm đối với chính quyền và nhân dân huyện Tây Giang trong công tác bảo tồn và khai thác những giá trị văn hóa này.
Nói đến dân tộc Cơ Tu phải nhắc đến Gươl. Gươl không chỉ là ngôi nhà có kiến trúc độc đáo, là sản phẩm văn hóa đặc sắc mà còn mang sắc thái đặc thù lãnh thổ rõ rệt của cộng đồng người Cơ Tu. Gươl như một biểu tượng thiêng liêng và rất gần gũi trong đời sống và tinh thần của người Cơ Tu.
Những năm qua tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương khôi phục lại ngôi nhà truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh trong đó có Gươl của người Cơ Tu. Từ năm 2000 đến nay, tại huyện Tây Giang có 63/78 thôn (làng) đã có Gươl. Đặc biệt, trong quá trình khôi phục lại Gươl, những nghệ nhân và đông đảo bà con dân tộc Cơ Tu thuộc 3 huyện: Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang (Quảng Nam) đã tự nguyện đóng góp công sức và tiền bạc để khôi phục lại Gươl.
Bên cạnh các sinh hoạt mang tính tín ngưỡng dân gian của người Cơ Tu, thì sinh hoạt văn hóa mới cũng được đưa vào Gươl thường xuyên, sôi nổi thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” phát huy hiệu quả.
Sẽ là thiếu sót nếu nhắc tới văn hóa của đồng bào Cơ Tu mà không nhắc tới điệu múa “Tung tung – Da dá”. Có thể nói, điệu múa “Tung tung – Da dá” là linh hồn của di sản văn hóa Cơ Tu. Các điệu múa kết hợp với âm nhạc là yếu tố tạo nên nét đặc sắc của các lễ hội truyền thống. Âm nhạc và múa không chỉ giúp đồng bào vui chơi, giải trí trong sinh hoạt cộng đồng mà nó còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần. Đây là một trong hai loại hình được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tài sản tinh thần quý giá đó đã được đồng bào tích lũy bao đời, làm nên bản sắc văn hóa dân tộc.
Hiện nay, múa da dá của người Cơ Tu được bảo tồn, phát huy ở chính nơi đã khai sinh ra nó thuộc 3 huyện: Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang (Quảng Nam). Điệu da dá không còn bó hẹp trong phạm vi thôn làng nữa. Thời gian qua, vũ điệu da dá ấy trở thành màn trình diễn ấn tượng ở các lễ hội, hội thi, hội diễn được tổ chức như: Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản, các lễ hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Nam và nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng được tổ chức như liên hoan “Âm vang cồng chiêng”, đến liên hoan khu vực, toàn quốc mang lại nhiều cảm xúc.
Trong nhiều năm qua, bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân hiểu được những giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình, huyện Tây Giang còn mời các già làng tham gia vào câu lạc bộ nói lý, hát lý, qua đó truyền dạy cho những người trung niên có đam mê loại hình nghệ thuật này; thành lập những tổ dệt thổ cẩm tại các thôn...
Tại thôn Pơr'ning, xã Lăng hiện có 40 hộ biết dệt, tham gia dệt thổ cẩm. Thổ cẩm ở Pơr'ning được làm hoàn toàn thủ công và khép kín, từ các nguyên liệu bông, gai, đay, xe sợi, nhuộm, dệt vải, tạo hoa văn, tra cườm, thêu… cho đến công đoạn may thành sản phẩm. Điều đáng mừng ở đây là có sự chuyển giao thế hệ, có những người trẻ tham gia gìn giữ nghề.
Một điểm đáng chú ý là, bên cạnh các thiết chế văn hóa, gần 80 già làng, trưởng thôn trong Tây Giang đã phát huy tối đa vai trò tuyên truyền, vận động bà con lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của người Cơ Tu. Có thể nói những già làng là “báu vật sống” để mạch nguồn văn hóa Cơ Tu được bảo tồn và phát triển trong cộng đồng.
Một khu làng truyền thống của người Cơ Tu cũng được huyện Tây Giang đầu tư xây dựng ngay tại trung tâm huyện. Người Cơ Tu ở 10 xã đã tham gia đóng góp công sức để dựng nên Làng truyền thống Cơ Tu gồm 12 nhà truyền thống với 10 nhà sàn, 1 nhà Gươl, 1 nhà dài. Mỗi nhà sàn đại diện cho một xã. Nét kiến trúc và trang trí mỗi nhà tuy có đôi chút khác nhau, nhưng đều mang đậm sắc thái của cư dân Cơ Tu phân bố theo vùng cao, vùng trung và vùng thấp.
Hàng năm, tại khu làng truyền thống này nhiều lễ hội, hội thi mang đậm bản sắc của đồng bào Cơ Tu đã được huyện Tây Giang khôi phục, thu hút đông đảo người dân tham gia như: lễ hội mừng lúa mới, đâm trâu; hội thi đánh cồng chiêng, điêu khắc… Đặc biệt, những năm gần đây, đội văn nghệ truyền thống của huyện luôn được tỉnh Quảng Nam chọn để đại diện tham gia các hoạt động văn hóa ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội.
Hiện nay, huyện Tây Giang đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết về xây dựng con người Tây Giang trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh việc gìn giữ và phát huy những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào ở từng thôn, bản gắn với thực hiện tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.