Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển du lịch xanh

Văn hóa là cốt lõi, cộng đồng là trung tâm, môi trường là nền tảng - đó là hướng đi bền vững mà tỉnh Thanh Hóa đang theo đuổi trong hành trình phát triển du lịch xanh gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) với những “trải nghiệm xanh” hấp dẫn.

Bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) với những “trải nghiệm xanh” hấp dẫn.

Trong bối cảnh phát triển bền vững đang trở thành định hướng chủ đạo của ngành du lịch Việt Nam, du lịch xanh nổi lên như một yêu cầu tất yếu - nơi mà sự phát triển kinh tế song hành với việc bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa. Không nằm ngoài xu thế phát triển chung, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngày càng chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với xây dựng và định vị thương hiệu sản phẩm, điểm đến du lịch. Nổi bật nhất phải kể đến sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng ở các huyện miền núi Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Hóa... Mặc dù là sản phẩm “sinh sau, đẻ muộn”, song giờ đây du lịch sinh thái cộng đồng đã khẳng định vị trí là 1 trong 3 sản phẩm du lịch chủ đạo của tỉnh, cùng với các sản phẩm du lịch biển và du lịch văn hóa.

Bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) mặc dù mới được khai thác, phát triển du lịch từ năm 2019 đến nay, song điểm đến này đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách trong nước và quốc tế. Nơi đây được ví như một bức tranh đẹp, nơi du lịch sinh thái và văn hóa bản địa được kết hợp hài hòa. Trưởng bản Bút Hà Công Chức chia sẻ: “Được sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, bản Bút đã tập trung phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Một số hộ dân đã cải tạo nhà sàn truyền thống thành homestay, tổ chức các hoạt động trải nghiệm dành cho du khách như: văn nghệ, dệt thổ cẩm, chèo thuyền trên hồ Pha Đay, khám phá ẩm thực của đồng bào Thái... Từ khi làm du lịch cộng đồng, người dân địa phương ngày càng chú trọng đến bảo tồn văn hóa truyền thống, từ trang phục cho đến sinh hoạt hàng ngày. Nhiều người trẻ đã tích cực học nghề dệt thổ cẩm, múa xòe, hát khặp, khua luống... để phục vụ hoạt động du lịch. Văn hóa của đồng bào Thái ở bản Bút giờ không chỉ là những thứ xa xưa nữa mà còn là nguồn tài nguyên vô giá, đồng hành cùng người dân trong hành trình xây dựng điểm đến du lịch hấp dẫn, phát triển kinh tế - xã hội”.

Cùng với các bản du lịch cộng đồng miền Tây xứ Thanh, văn hóa truyền thống được huyện Thọ Xuân xác định là giá trị cốt lõi, giúp mỗi điểm đến, sản phẩm du lịch xây dựng nên giá trị thương hiệu riêng. Từ định hướng này, huyện đã, đang triển khai nhiều chính sách bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch xanh, bền vững. Một trong những điểm nhấn nổi bật trong kho tàng văn hóa của huyện là hệ thống 256 địa điểm, di tích đã được kiểm kê (trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt; 4 di tích và cụm di tích quốc gia), gắn liền với đó là hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng. Từ năm 2023 đến nay, huyện có 3 di tích được quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị; 4 di tích đã được trùng tu, tôn tạo và phê duyệt chủ trương đầu tư; đang đề nghị tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư di tích Điện Càn Long và Bia công đức Trường Lưu (xã Nam Giang); 5 điểm di tích hoàn thiện công trình phụ đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách; Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và 4 di sản văn hóa phi vật thể, trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống (trò Xuân Phả, Pồn Pôông, cồng chiêng, đánh mảng) được hỗ trợ kinh phí bảo tồn và phát huy giá trị... Với sự quan tâm của các cấp, ngành và sự vào cuộc của địa phương, cộng đồng, đến nay Thọ Xuân đã trở thành một trong những điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn của tỉnh, với đa dạng “trải nghiệm xanh” được du khách yêu thích.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Vương Thị Hải Yến khẳng định: "Bước vào giai đoạn phát triển mới, “ngành công nghiệp không khói” tỉnh Thanh Hóa coi du lịch xanh là trục phát triển chủ đạo. Văn hóa truyền thống chính là cốt lõi để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt. Thời gian qua, Sở VH,TT&DL luôn đồng hành, khuyến khích các địa phương trong công tác bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch bền vững; đồng thời hỗ trợ đào tạo nhân lực, quảng bá sản phẩm du lịch... Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích doanh nghiệp lữ hành xây dựng các hành trình du lịch xanh; điểm đến “đầu tư xanh” và chú trọng bảo tồn di sản văn hóa trong hoạt động du lịch”.

Trước những yêu cầu thực tiễn, tỉnh Thanh Hóa đã, đang nỗ lực phát triển đa dạng sản phẩm du lịch xanh, điểm đến xanh gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, đẩy mạnh số hóa di sản, xây dựng bản đồ du lịch số, phát triển nền tảng trực tuyến để quảng bá sản phẩm văn hóa - du lịch cũng là một trong những giải pháp được quan tâm thực hiện. Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, doanh nghiệp và cộng đồng, Thanh Hóa đang hướng tới trở thành một “điểm đến xanh” - nơi văn hóa và thiên nhiên hòa quyện, góp phần “Phát triển điểm đến xanh, nâng tầm du lịch Việt”.

Bài và ảnh: Lê Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-trong-phat-trien-du-lich-xanh-249708.htm