Bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, cần chấn chỉnh biến tướng loại hình tín ngưỡng này
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi danh 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Việt Nam, trong đó 'Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt'.
Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn, là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin. Tâm là giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu. Mẫu dạy con người sống hướng thiện, có tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà tổ tiên và biết ơn những người có công với dân, với nước.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ với vị thần chủ là Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thực hành ở nhiều địa phương như Nam Định, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh… Trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành và phát triển mạnh mẽ. Từ thế kỷ XVI, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ cúng cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. Theo thư tịch và huyền thoại, Bà là tiên nữ giáng trần, làm người, rồi qui y Phật giáo và được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”, một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt. Chủ thể di sản tín ngưỡng này là các thủ nhang, thầy cúng, thanh đồng, hầu dâng, cung văn, con nhang đệ tử cùng với cộng đồng cư dân có chung một niềm tin vào quyền năng, sức mạnh tối linh, sự bảo trợ của các Mẫu, đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, gắn bó với nhau thành bản hội, cùng nhau thực hành nghi lễ thờ cúng, tham gia lễ hội, nghi lễ lên đồng tại các đền, phủ, điện Thờ Mẫu.
Đây là một loại hình tín ngưỡng dân gian phản ánh rõ nét tâm hồn người Việt, tín ngưỡng thờ Mẫu có sức sống mãnh liệt dẻo dai, uyển chuyển phù hợp với mọi hoàn cảnh lịch sử đất. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu luôn có sự gắn bó, dung hòa với các tôn giáo, tín ngưỡng khác, nương tựa, bổ sung cho nhau để cùng nhau tồn tại và phát triển.
“Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" bao gồm các nghi lễ, sản vật cúng tiến, trang phục, đạo cụ, múa thiêng, âm nhạc, lễ hội và nhiều hoạt động khác. Tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên, đề cao lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng; Thừa nhận sự tương đồng, tôn trọng đa dạng văn hóa. Đối với người dân Việt Nam Đạo Mẫu là niềm tin thiêng liêng, là sức mạnh gắn kết cộng đồng, là điểm tựa tinh thần dân tộc giúp vượt qua mọi khó khăn, thách thức của lịch sử để tồn tại và phát triển. Trên cơ sở hiểu biết sâu sắc những giá trị văn hóa truyền thống người dân có ý thức bảo tồn và phát huy, bày tỏ niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Đồng thời lan tỏa những giá trị nhân văn ra thế giới.
Những giá trị văn hóa nổi bật của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là không thể phủ nhận, nhưng từ thực tế cho thấy, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cũng có chiều hướng khó kiểm soát, khiến cho một số cá nhân lợi dụng, trục lợi và làm sai lệch giá trị văn hóa, tạo ra những hệ lụy không tốt trong xã hội.
Là người trực tiếp thực hành tín ngưỡng, Đồng thầy Bùi Thị Chinh (Nam Định) cho biết, Tín ngưỡng thờ mẫu có lúc, có nơi bị biến tướng, sai lệch nằm ở chính ý thức thực hành của các thanh đồng, bản đền, bản phủ. Tâm lý đua tranh của một bộ phận “đồng đua”, “đồng đú” nhằm tranh giành sức ảnh hưởng để trục lợi, kiếm tiền từ các hoạt động “sấm truyền”, xem bói, chữa bệnh... cùng với sự phát triển mạnh mẽ của một số hệ thống đền, phủ tư nhân đã đã khiến cho hoạt động Tín ngưỡng thờ Mẫu trở lên lộn xộn, khó quản lý hơn. Vì thế, việc chấn chỉnh biến tướng cách thực hành nghi lễ trong Tín ngưỡng thờ Mẫu nhằm ngăn chặn sự biến tướng trong quá trình thực hành di sản lúc này là vô cùng cần thiết.
Việc bảo tồn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là công việc lâu dài và khó khăn, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ của các nhà quản lý và cộng đồng. Các tổ chức, đơn vị liên quan cần tiếp tục triển khai các hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa thờ Mẫu, chầu văn như liên hoan hát văn, tổ chức giao lưu lên đồng giữa các đền các phủ. Khuyến khích những nghệ nhân hát văn cao tuổi truyền dạy những bài hát, điệu hát văn cổ cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó cũng cần phải xử lý thật nghiêm những biểu hiện lệch lạc, chưa hay và chưa đẹp, lợi dụng tín ngưỡng này để trục lợi, tuyên truyền yếu tố mê tín dị đoan… Có như vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu mới trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống của người Việt.