Bảo tồn và phát huy tín ngưỡng văn hóa của ngư dân vùng biển
Lễ hội Cúng biển Mỹ Long tại huyện Cầu Ngang diễn ra từ ngày mùng 10, 11 và 12/5 âm lịch hàng năm nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể và bản sắc văn hóa của ngư dân miền biển.
Đối với ngư dân thị trấn Mỹ Long, Lễ hội Cúng biển là lễ hội quan trọng nhất trong năm của ngư dân và người dân địa phương; đồng thời cũng là dịp để thu hút du khách thập phương, góp phần thúc đẩy lĩnh vực du lịch phát triển.
Để Lễ hội Cúng biển diễn ra trong không khí trang trọng, vui tươi, sôi động, các thành viên Ban Quản trị Hội Miếu Bà Chúa Xứ tất bật chuẩn bị vệ sinh cảnh quan môi trường cùng những vật dụng cúng bái, tế lễ, đóng 01 chiếc tàu bằng gỗ đặt một số phẩm vật: heo trắng, gạo, muối, chén, bát,… cúng tế ông Nam Hải với mong muốn hỗ trợ tinh thần khi thuyền ra khơi.
Vào những ngày này đến Miếu Bà Chúa Xứ, không khí chuẩn bị sinh động hơn, những lao động nam phụ trách đóng tàu, treo cờ, trang hoàng Miếu Bà, phụ nữ quét dọn vệ sinh khuôn viên Miếu Bà Chúa Xứ và mua sắm nguyên vật liệu như hoa, quả, lương thực, thực phẩm nấu ăn phục vụ Lễ hội.
Ông Nguyễn Văn Hải, Khóm 4, thị trấn Mỹ Long cùng với những thành viên khác đảm nhận nhiệm vụ đóng tàu cho biết: hàng năm vào ngày lễ hội, ngư - nông dân đều lo việc cúng tế thật trang trọng. Do đó, chiếc tàu đóng hoàn thành để ngư dân dâng vật lễ cúng bái lên tàu thể hiện lòng thành của ngư dân trong vùng nhằm tạ ơn thần biển đã đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho ngư dân. Để có chiếc tàu hoàn chỉnh, ông và các thành viên khác mất thời gian 03 ngày để đóng và trang trí chiếc tàu.
Lễ hội Cúng biển Mỹ Long là dịp để ngư dân và người dân địa phương tề tựu về gặp gỡ, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó và chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau quyết tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế ổn định cuộc sống, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Đối với nghề “hạ bạc” luôn chống chọi với sóng to, gió lớn nên phải có niềm. Theo lịch sử, ngư dân thị trấn Mỹ Long tổ chức Lễ hội Cúng biển nhằm tạ ơn cá Voi (cá Ông) mà ngư dân gọi là ngài Nam Hải. Nam Hải là vị cứu tinh của người đi biển. Vì thế, cúng biển là dịp để tạ ơn thần Nam Hải và cầu mong thần hộ độ cho mưa thuận gió hòa, trời yên, biển lặng và được mùa.
Ông Nguyễn Văn Đẹp, Chánh bái Miếu Bà Chúa Xứ cho biết: trong các ngày diễn ra Lễ hội, Ban Quản trị Hội Miếu Bà Chúa Xứ tổ chức ra khơi khấn nguyện, thỉnh ông Nam Hải về miếu dự lễ hội cùng các vị thần Nông nghiệp và các chiến sĩ vì dân, vì nước cùng về chứng giám để hỗ trợ ngư dân. Tổ chức nghinh Ngũ Phương để đưa ra biển nhằm tống tiễn những sui rủi của năm qua, đón nhận may mắn sẽ đến.
Theo phong tục và nghi thức lễ nơi đây, phần lễ gồm lễ rước và lễ tiễn. Trong phần lễ Nghinh Nam Hải. Người dân dùng kiệu rước Nghinh Ông từ biển về dự khán lễ hội tại Miếu Bà Chúa Xứ, dọc theo đường rước ngư dân bày lễ vật để nghinh đón và đoàn múa lân, sư tử nhảy múa chào đón ngài Nam Hải.
Lễ hội Cúng biển không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc, mà còn chiếm giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân thị trấn Mỹ Long. Lễ hội Cúng biển năm nay còn là cơ hội để đánh thức tiềm năng du lịch, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để du lịch của huyện ngày càng phát triển và hướng đến mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thời gian qua, huyện đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các điểm du lịch đã được quy hoạch của huyện, xã hội hóa đầu tư đa dạng các dịch vụ phục vụ nhu cầu của du khách tại điểm đã quy hoạch du lịch sinh thái Hàng Dương - Mỹ Long. Trong đó phối hợp xây dựng Dự án mời gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái ven biển, Cồn Bần, Cồn Nghêu, Hàng Dương gắn với Lễ hội Cúng biển Mỹ Long và các Lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN