Bảo tồn và phát triển làng nghề bánh tráng Phú Yên - Di sản phi vật thể quốc gia (kỳ cuối)

Dây chuyền sản xuất bánh tráng bằng máy ở xã An Mỹ. Ảnh: THÙY LINH

Kỳ cuối: Để bánh tráng Phú Yên đi xa hơn

Việc làng nghề bánh tráng Phú Yên được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia năm 2022 đã thể hiện nỗ lực của chính quyền trong việc khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống. Để bánh tráng Phú Yên vươn xa thị trường trong và ngoài nước, cần sự hợp tác của các ban ngành liên quan, trong đó, việc phát triển làng nghề gắn với du lịch là một giải pháp quan trọng.

Từ bánh tay đến bánh máy

Khác với thôn Đông Bình (xã Hòa An, huyện Phú Hòa), thôn Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An) đã có nhiều hộ chuyển sang làm bánh tráng máy. Toàn xã có 117 hộ làm bánh tráng, trong đó có 25 lò máy. Các hộ thủ công thường làm lúc nông nhàn hay lễ tết, còn các hộ làm máy thuê thêm nhân công làm quanh năm. Một ngày, một lò thủ công tráng được trung bình 1.500-2.000 bánh, lò máy thì trên 5.000 cái. Thu nhập của mỗi người khoảng 100.000-200.000 đồng/ngày.

Khi làm bánh thủ công, các công đoạn tráng bánh, đưa bánh lên vỉ đòi hỏi sự khéo léo, nhẫn nại nên thường do phụ nữ thực hiện. Đàn ông hỗ trợ những công đoạn cần sức vóc như nhóm lò, xay gạo, phơi bánh, giao bánh. Do quy mô nhỏ nên nhiều khi chỉ có phụ nữ làm, phần lớn đàn ông sẽ tìm việc khác để tăng thu nhập. Tuy nhiên, khi chuyển sang làm bánh máy, điều thú vị là vai trò lao động lại đảo ngược. Đàn ông tham gia nhiều hơn và sẽ đứng ở đầu máy tráng bánh; phụ nữ phơi bánh, xếp bánh. “Các chị thường đùa, việc nhẹ thì các anh giành làm. Các anh mới trả lời rằng, bưng thau bột đổ vào máy cũng nặng lắm chứ”, bà Hồ Thị Minh Cầm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Mỹ kể vui.

Ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Năm 2009, nhằm vực lại nghề truyền thống, hội nông dân đã hỗ trợ máy xay bột và hướng dẫn công nghệ mới cho bà con. Hội cũng rất quan tâm đến việc cải tiến công cụ lao động vì công cụ lạc hậu sẽ ức chế sức lao động. Ông Dũng kể lại một câu chuyện nhỏ: “Khi khảo sát ở Đông Bình, chúng tôi thấy bà con dùng chảo gang to, khi làm phải với tay, ngồi lâu sẽ ảnh hưởng đến cột sống. Do đó ở Hòa Đa, rút kinh nghiệm, chúng tôi thiết kế lò hẹp lại, khi ngồi lưng thẳng do không phải với tay nữa”.

Nỗ lực đạt OCOP

Khác với nhiều người, ông Nguyễn Hai (thôn Hòa Đa) rất quan tâm đến việc quảng bá thương hiệu bánh tráng Hòa Đa. Ông tích cực tham gia các khóa tập huấn về kinh doanh, kỹ năng bán hàng và đi tham quan học tập kinh nghiệm quảng bá sản phẩm ở các tỉnh khác. Ông Biện Ngọc Min, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Mỹ cho biết: “Xã An Mỹ đang cố gắng đưa bánh tráng Hòa Đa vào danh mục sản phẩm OCOP của tỉnh. Trong 117 hộ làm bánh thì hộ của ông Nguyễn Hai đầy đủ điều kiện nhất. Dù chính quyền xã đã tích cực hỗ trợ nhưng đến nay, sau gần 2 năm vẫn chưa được công nhận”.

Đầu năm 2021, gia đình ông Hai đã hoàn thành các thủ tục nhưng vướng dịch COVID-19. Đến năm 2022 thì mẫu kiểm nghiệm bánh tráng hết hạn, ông phải tự bỏ tiền túi gửi vào TP Hồ Chí Minh để kiểm nghiệm. Làm xong thì mã vạch hết hạn, ông lại phải nhờ người quen gia hạn nhưng chưa được. “Tôi mong cơ quan chức năng hướng dẫn tôi làm giấy tờ một lần cho hoàn chỉnh, chứ làm xong cái này thì cái kia hết hạn lại phải đi làm lại”, ông Hai đề xuất.

Khi chúng tôi trình bày về trường hợp của ông Nguyễn Hai, ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT tỉnh) lập tức chỉ đạo nhân viên giải quyết việc này ngay trong tháng 10. “Chi cục cùng các bên liên quan sẽ trực tiếp đến, xem xét vướng mắc chỗ nào để hỗ trợ ông Hai sớm hoàn thành việc đăng ký OCOP”, ông Thắng khẳng định.

Người dân làng nghề phơi bánh. Ảnh: THÙY VÂN

Người dân làng nghề phơi bánh. Ảnh: THÙY VÂN

Gắn kết làng nghề với du lịch

Việc làng nghề bánh tráng Phú Yên được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia năm 2022 đã thể hiện nỗ lực của tỉnh trong việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống. Ông Huỳnh Từ Nhân, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở VH-TT-DL) cho biết: “Nhiệm vụ trước tiên là cần điều tra, quy hoạch tổng thể làng nghề bánh tráng Phú Yên. Từ đó xác định các mục tiêu dài hạn và tạo điều kiện phát triển bền vững làng nghề. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh các giải pháp cụ thể để bảo vệ và phát triển làng nghề”.

Theo khảo sát của chúng tôi, các địa phương có làng nghề bánh tráng đều có lợi thế về tài nguyên du lịch, hệ thống giao thông, việc mời gọi các đơn vị hoạt động du lịch gắn với làng nghề là điều khả quan. Du lịch sẽ mang lại nguồn kinh phí cũng như giúp lan tỏa các giá trị của làng nghề. Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Huỳnh Văn Dũng cho biết: “Trước năm 2010, thị trường lao động còn khó khăn, hội đã có những hỗ trợ khôi phục làng nghề, tạo việc làm cho bà con. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, bà con có nhiều lựa chọn nghề nghiệp, duy trì làng nghề không phải chỉ vì lợi ích kinh tế mà quan trọng hơn là còn để duy trì nét đẹp văn hóa, nét đẹp ẩm thực của người Phú Yên”.

Theo ông Dũng, nếu xây dựng được đề án du lịch gắn với làng nghề sẽ giải quyết được cả bài toán phát triển kinh tế lẫn bảo tồn văn hóa. Du lịch làng nghề không cần đầu tư cơ sở vật chất quá tốn kém, cứ giữ nguyên những sinh hoạt trong từng gia đình như xưa, giữ lại cái vỉ tre, cái ống phơi bánh bằng tre, thay vì bằng nhựa, bằng inox… Điều cần thay đổi là cảnh quan, môi trường làng nghề, nhà vệ sinh, nhà ăn phải sạch sẽ.

Tháng 8/2022, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trước đó, năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1732 phê duyệt đề án khôi phục phát triển một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp và du nhập phát triển một số nghề mới gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2021-2030. Hiện nay, UBND tỉnh đang chuẩn bị lấy ý kiến lần 2 cho dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên; trong đó có danh mục các làng nghề ưu tiên triển khai điểm du lịch nông thôn.

Khi chúng tôi đề cập đến ý tưởng đưa làng nghề bánh tráng Hòa Đa - Hai Thơm vào danh mục trên, ông Nguyễn Đức Thắng cho biết: Chúng tôi tâm đắc với chương trình phát triển du lịch nông thôn bởi sẽ vực dậy, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, gia tăng giá trị sản phẩm của làng nghề, làm cho nông thôn trở thành nơi đáng sống.

Như chia sẻ của ông Nguyễn Đức Thắng, khó khăn, thách thức thì nhiều nhưng cần tâm huyết của cả cán bộ và người dân trong việc phát triển làng nghề gắn với du lịch, để mỗi việc chúng ta làm, bên cạnh lợi ích kinh tế, còn vì niềm hạnh phúc, hãnh diện khi được sống với nghề cha ông để lại.

THÙY LINH - THÙY VÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/89/287969/bao-ton-va-phat-trien-lang-nghe-banh-trang-phu-yen-di-san-phi-vat-the-quoc-gia-ky-cuoi.html