Bảo tồn văn hóa truyền thống của người Chăm thông qua các nghệ nhân

Bình Thuận trước đây nay là Lâm Đồng, là vùng đất có nhiều di sản văn hóa. Các nghệ nhân cùng với các già làng chính là những di sản sống, nắm giữ giá trị văn hóa quý báu của người xưa để lại, góp phần giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.

Những di sản sống

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất đầy nắng và gió, từ nhỏ Sư cả Thường Xuân Hữu (được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân) ở xã Phú Lạc, tỉnh Lâm Đồng (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận trước đây) may mắn được thừa hưởng vốn chữ viết Chăm quý giá từ những người thầy của mình.

Với tình yêu sâu nặng và ý thức trách nhiệm cao với vốn văn hóa của cha ông, trong nhiều năm qua ông đã dày công sưu tầm những giá trị văn hóa phi vật thể, bằng việc ghi chép lại những phong tục, lễ nghi trong cưới hỏi, tấu chức, lễ hội Ka tê, Pô Dam... Trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, ông vẫn kiên trì đeo đuổi sưu tập, lưu giữ khá nhiều những bộ kinh thư viết trên giấy dó, lá buông.

Sử cả Thường Xuân Hữu (người thứ 2 trái sang) cùng với cộng sự đang sưu tra thư tịch cổ Chăm

Sử cả Thường Xuân Hữu (người thứ 2 trái sang) cùng với cộng sự đang sưu tra thư tịch cổ Chăm

Nghệ nhân Nhân dân Thường Xuân Hữu cho biết, hiện ông đang bảo quản hàng trăm thư tịch cổ, chứa đựng sức sống mãnh liệt của người Chăm xưa.

Đây là một công trình, nó ghi lại toàn bộ những lễ nghi, phong tục tập quán, kiến trúc của người Chăm xưa; ghi lại những đóng góp, sự gây dựng của tổ tiên, ông bà trong việc xây dựng các đền tháp Chăm, đến sinh hoạt đời thường để thế hệ con cháu sau này biết mà gìn giữ lại, đừng để mất phong tục tập quán của mình. Sư cả nói.

Ông bền bỉ tiếp sức cho văn hóa dân tộc mình bằng cách phổ biến, truyền dạy cho hậu thế và cộng đồng những nét đẹp văn hóa, giảm bớt những hủ tục, lễ nghi gây tốn kém thời gian và tiền của. Chính vì vậy, nhiều lễ nghi được tổ chức một cách tiết kiệm, vui tươi, không phô trương hình thức mà vẫn giữ gìn được nét đẹp truyền thống của người Chăm.

Còn Nghệ nhân Ưu tú Thổ Đồng ở xã Hồng Thái, tỉnh Lâm Đồng (trước đây là huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) được bà con và bạn bè gần xa yêu mến gọi với cái tên thân mật là Đồng “Trống” hoặc Đồng “Saranai”. Cái tên gắn với nghề cũng là nghiệp của ông.

Ông Thổ Đồng chia sẻ, ông rất vui vì được bà con tin yêu, chính quyền, Nhà nước quan tâm. Đây cũng là nguồn động lực cho ông tiếp tục niềm đam mê để cống hiến và giữ gìn văn hóa của dân tộc mình.

Với niềm đam mê cùng chút hiểu biết, ông Thổ Đồng đã đi sưu tầm, học hỏi những người biết đánh trống pa-ra-nưng (Chăm gọi Baraneng), trống ghi-năng (Chăm gọi là Ginang), thổi kèn saranai, rồi học luôn cách làm những loại nhạc cụ này.

Ông Thổ Đồng cho biết thêm, ông đã phải bỏ ra khá nhiều thời gian để học hỏi và đã tìm ra cách làm trống ghi-năng, cũng như kèn Saranai mà không phải ai cũng làm được.

Năm 1976 tôi theo học đánh trống ghi-năng, thổi kèn saranai, sau khi đánh thành thạo tôi tìm tòi cách chế tác ra trống ghi-năng, pa-ra-nưng cũng như các nhạc cụ khác.

Ông Đồng nói: "Để làm hoàn chỉnh cái trống, đòi hỏi người chế tác phải mất nhiều thời gian và công sức. Do đó, chỉ có niềm đam mê và sự kiên nhẫn mới có thể làm được những loại nhạc cụ này".

Trong ngôi nhà cấp 4 của gia đình ông, nội thất bên trong không gì khác ngoài các loại nhạc cụ truyền thống. Mỗi loại nhạc cụ, được ông sắp xếp rất bài bản, như là một bảo tàng thu nhỏ về văn hóa dân gian của dân tộc Chăm.

Nghệ nhân Ưu tú Thổ Đồng đang chế tác trống ghi-năng

Nghệ nhân Ưu tú Thổ Đồng đang chế tác trống ghi-năng

Ngọn đuốc truyền lửa

Bình Thuận trước đây (nay thuộc tỉnh Lâm Đồng) là vùng đất với rất nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Và đây cũng là mảnh đất hội nhiều tộc người cùng sinh sống lâu đời.

Ông Võ Thành Huy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, các nghệ nhân cùng với các già làng chính là những di sản sống. Họ nắm giữ giá trị văn hóa quý báu của người xưa để lại. Vì vậy, vai trò của họ rất quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Họ chính là ngọn đuốc truyền lửa cho các thế hệ trẻ, góp phần làm cho di sản văn hóa sống được mãi với thời gian.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có một Nghệ nhân Nhân dân và sáu Nghệ nhân Ưu tú được Nhà nước phong danh hiệu là người dân tộc thiểu số. Nhìn chung, thông qua việc triển khai các công việc về bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thì đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong việc cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể của dân tộc mình tại địa phương.

Ông Huy cho biết thêm: "Với vai trò vừa là chủ sở hữu, vừa giữ vai trò nòng cốt trong các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống trong đời sống xã hội, đội ngũ nghệ nhân được cộng đồng đánh giá, nhìn nhận là những bảo vật sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, chăm lo thực hiện tốt chính sách đối với nghệ nhân, góp phần rất lớn vào việc bảo vệ kho tàng di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số".

Đoàn Sĩ/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/bao-ton-van-hoa-truyen-thong-cua-nguoi-cham-thong-qua-cac-nghe-nhan-post1217096.vov