Bão và áp thấp nhiệt đới 'chen chân' gần Nhật Bản sau khi bão Maria gây mưa kỷ lục
Bão Maria vừa đi qua Nhật Bản và mưa do cơn bão này vẫn còn chưa dứt. Trong khi đó, ở ngoài biển, những cơn bão và áp thấp nhiệt đới khác đã hình thành. Ở thời điểm này, đường đi của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới gần Nhật Bản đang chồng chéo lên nhau, tạo nên một hình ảnh ít thấy.
Chỉ vài hôm trước, động đất mạnh xảy ra ở Nhật Bản khiến nước này lần đầu tiên phải ra cảnh báo về “siêu động đất Rãnh Nankai” (là đứt gãy dưới Thái Bình Dương).
Thế rồi hôm qua, bão Maria đổ bộ Nhật Bản. Trong vòng 48 giờ tính đến chiều thứ Hai, bão Maria đã trút xuống các vùng ven biển ở tỉnh Iwate lượng mưa hơn 480 mm. Đây là lượng mưa nhiều nhất từng được ghi nhận ở khu vực này.
Sáng nay, bão Maria đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi ra Biển Nhật Bản, nhưng cơ quan khí tượng nước này vẫn cảnh báo vẫn có mưa to, ngập lụt và nước sông dâng cao. Các con sông ở một số nơi thuộc tỉnh Iwate đã có mức nước vượt cả mức nguy hiểm. Bão Maria đã gây ra ít nhất một vụ sạt lở đất, san phẳng một tòa nhà ở Iwate.
Trong khi đó, ở vùng biển gần Nhật Bản có 3 hệ thống khác đang hoạt động, trong đó có 2 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới sắp thành bão.
Hình thành đầu tiên là bão Son-tinh (Sơn Tinh), đang ở phía Đông Nhật Bản, sức gió 65 km/h. Son-tinh có thể chỉ đi gần Nhật Bản chứ không đổ bộ nhưng chưa thể biết có ảnh hưởng đến các vùng ven biển của Nhật hay không.
Sau bão Son-tinh, một cơn bão khác đã hình thành là bão Ampil (Trái Me), hiện ở phía Nam Nhật Bản, có sức gió 75 km/h. Đây là cơn bão nguy hiểm, sẽ tăng cường độ nhanh và trở thành bão cực mạnh với sức gió 185 km/h vào thứ Sáu tới (16/8), khi nó tiến sát thủ đô Tokyo, có thể sẽ đổ bộ.
Vẫn chưa hết, còn có một áp thấp nhiệt đới đã hình thành, ký hiệu 09W, đang ở phía Đông Nam Nhật Bản, dự báo ngày mai sẽ thành bão, nếu vậy sẽ được gọi là bão Wukong (Ngộ Không). Cơn bão này được dự báo sẽ đi gần Nhật Bản, dù không đổ bộ nhưng chưa biết sẽ tương tác thế nào với các cơn bão khác.
Việc nhiều bão và áp thấp nhiệt đới cùng “chen chân” ở một khu vực thế này không thường xuyên xảy ra. Hiện tượng này được cho là do vòng hải lưu (hệ thống dòng chảy xoay vòng lớn của các dòng biển) rất rộng, tạo ra các dải gió xoáy mạnh và có môi trường thuận lợi cho sự phát triển của bão.