'Bảo vật' của pharaoh vĩ đại nhất Ai Cập cổ đại tiết lộ sốc về thảm họa thiên thạch

Các nhà khảo cổ đã bị sốc khi tìm thấy một kho báu vật được chôn cùng pharaoh Tutankhamun - vị vua được cho là vĩ đại nhất Ai Cập cổ đại. Điều gây kinh ngạc hơn nữa là, một số 'báu vật' của pharaoh Tutankhamun còn liên quan đến thảm họa thiên thạch va vào Trái đất 28 triệu năm trước.

Một số "bảo vật' của pharaoh vĩ đại nhất Ai Cập cổ đại Tutankhamun có liên quan đến thiên thạch từng va vào Trái đất.

Pharaoh Tutankhamun đã qua đời khi chỉ mới 18 tuổi.

Khi nhà Ai Cập học Howard Carter và nhóm của ông tìm thấy lăng mộ của Tutankhamun ở Thung lũng Các vị vua vào ngày 4/11/1922, họ đã giật mình khi thấy kho báu vật đồ sộ, hiếm có đặc biệt tại nơi vị pharaoh yên nghỉ.

Vào thời điểm đó, các nhà khoa học vẫn chưa biết một số hiện vật được sản xuất bằng vật liệu đến từ... vũ trụ.

Ghim cài áo tuyệt đẹp của vua Tutankhamun

Ghim cài áo tuyệt đẹp của vua Tutankhamun

Phải mất rất nhiều năm sau đó các nhà nghiên cứu mới có thể xác định được một số bảo vật cùng Tutankhamun về thế giới bên kia đã được chế tác nhờ một thiên thạch đâm vào Trái đất 28 triệu năm trước.

Đầu tiên là cái ghim cài áo của Tutankhamun. Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng nó được làm từ chalcedony, một loại thạch anh.

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã nghi ngờ về chất liệu của chiếc ghim cài áo khi nhà địa lý Patrick Clayton, người đang khám phá khu vực sa mạc dọc theo biên giới Ai Cập và Libya hiện đại tình cờ phát hiện ra một mảnh thủy tinh bí ẩn trên cát vào năm 1932. Mảnh thủy tinh màu vàng ngả xanh này giống hệt với viên đá quý trên chiếc ghim cài áo được phát hiện trong lăng mộ của vua Tut.

Thủy tinh sa mạc giống hệt với viên đá quý trên chiếc ghim cài áo được phát hiện trong lăng mộ của vua Tut.

Thủy tinh sa mạc giống hệt với viên đá quý trên chiếc ghim cài áo được phát hiện trong lăng mộ của vua Tut.

Nguồn gốc của thủy tinh sa mạc khi đó vẫn còn là một bí ẩn, nhưng nay các nhà khoa học đã giải mã được bí ẩn này.

Theo đó, giờ đây các nhà khoa học đã biết vật liệu được gọi là thủy tinh Silica của sa mạc Libya được hình thành cách đây khoảng 28 triệu năm khi một thiên thạch lao vào bầu khí quyển của Trái đất và phát nổ trên khắp Ai Cập. Tác động của vụ nổ này đã làm nóng lớp cát bên dưới sa mạc lên đến nhiệt độ khoảng 2.000 độ C.

Điều này đã giúp hình thành thủy tinh sa mạc và vật liệu này sau đó được sử dụng để tạo ra ghim cài áo bọ hung của vua Tut.

Thú vị và đẹp đẽ không kém là chiếc dao găm của vua Tut.

Con dao găm của vua Tutankhamun

Con dao găm của vua Tutankhamun

"Các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Ai Cập ở Cairo, Đại học Bách khoa Milan và Đại học Pisa đã sử dụng công nghệ quét tia X để kiểm tra thành phần kim loại của con dao. Họ phát hiện lưỡi dao được bảo quản rất tốt, ít bị ăn mòn khi chôn cùng chủ nhân, có hàm lượng niken cao cùng với dấu vết của coban và phốt pho.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra những chất hóa học trên lưỡi dao là từ thiên thạch tên là Kharga. Các mảnh thiên thạch Kharga từng được tìm thấy vào năm 2000 trên cao nguyên Maras Matruh của Ai Cập.

Con dao găm được cho là một trong những báu vật nổi bật nhất được lấy ra từ lăng mộ của vua Tutankhamun.

Bảo Tuấn

Theo AP

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bao-vat-cua-pharaoh-vi-dai-nhat-ai-cap-co-dai-tiet-lo-soc-ve-tham-hoa-thien-thach-post1349082.tpo