Bảo vật ngai vua triều Nguyễn làm từ loại gỗ gì mà dễ gãy vậy?

Ngai vua triều Nguyễn làm bằng gỗ gụ, phần bệ tỳ tay trên ngai được chế tác khá mảnh mai và trải qua hàng trăm năm tồn tại nên dễ gãy.

Ông Hồ Hữu Hành - Giám đốc Công ty cổ phần Tu bổ di tích Huế, cho biết bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn vừa bị bẻ gãy được làm bằng gỗ gụ, loại gỗ quý hiếm, độ bền cao và chống chịu được với mối mọt, thời tiết.

Phần bệ tỳ tay trên ngai được chế tác khá mảnh mai. Khi vua ngồi lên ngai cũng để tay rất nhẹ nhàng. Ngoài ra, chiếc ngai được chế tác ra chủ yếu mang trên mình nhiệm vụ là biểu trưng quyền lực tối cao cho cả một vương triều chứ không dùng để ngồi nhiều.

Theo chuyên gia, bảo vật quốc gia ngai vua triều Nguyễn được làm bằng gỗ gụ, sơn son thếp vàng. (Ảnh: Lê Hoàng)

Theo chuyên gia, bảo vật quốc gia ngai vua triều Nguyễn được làm bằng gỗ gụ, sơn son thếp vàng. (Ảnh: Lê Hoàng)

Ngai vàng này tồn tại từ thời vua Gia Long lập ra triều Nguyễn cho đến ngày nay. Trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh, biến cố, thời gian, từng được tu sửa dưới thời vua Khải Định, nên việc xuống cấp độ bền là không thể tránh khỏi.

"Việc Hồ Văn Phương Tâm dễ dàng bẻ gãy phần bệ tỳ tay của ngai vàng chủ yếu là do kỹ thuật gắn kết các bộ phận chiếc ngai lại với nhau. Người xưa sử dụng sơn ta (loại nhựa lấy từ cây sơn thường mọc nhiều ở các vùng rừng núi phía Bắc) để gắn các bộ phận trên ngai.

Đây là nguyên liệu tự nhiên, độ kết dính không tốt bằng các loại keo công nghiệp sau này. Do vậy chỉ cần dùng lực giật ra thì phần gỗ ở bệ tỳ tay của ngai vàng có thể bung ra hết. Khi bị giật ra, phần bệ tỳ tay còn bị Tâm đập mạnh vào các vật bên trong điện Thái Hòa, làm hung khí để đe dọa bảo vệ nên mới bị gãy làm ba khúc", ông Hồ Hữu Hành lý giải.

Cũng theo chuyên gia, phần bệ tỳ tay của ngai vua triều Nguyễn được chế tác mảnh mai, gắn bằng chất liệu keo tự nhiên, trải qua hàng trăm năm tồn tại nên mới dễ dàng bị bẻ gãy. (Ảnh: MXH)

Cũng theo chuyên gia, phần bệ tỳ tay của ngai vua triều Nguyễn được chế tác mảnh mai, gắn bằng chất liệu keo tự nhiên, trải qua hàng trăm năm tồn tại nên mới dễ dàng bị bẻ gãy. (Ảnh: MXH)

Thời điểm trùng tu điện Thái Hòa vào năm 2021, ngai bảo vật này được đưa về Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế để cất giữ và trưng bày. Khi lập dự án trùng tu ngôi điện, ngai vàng triều Nguyễn cũng được hội đồng khoa học đánh giá xem cần phải tu bổ, sơn son thếp vàng lại hay chưa.

Tuy nhiên qua đánh giá, hiện trạng của ngai vàng khá nguyên vẹn nên chưa cần phải tu sửa, sơn son thếp vàng lại mà giữ nguyên hiện trạng.

Ngai vàng không chỉ là cổ vật quý hiếm, mà là biểu tượng quyền lực và linh hồn của triều Nguyễn (1802–1945), triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ngai vàng triều Nguyễn là hiện vật độc bản mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, còn được bảo tồn nguyên vẹn cho đến tận ngày nay.

Ngai vàng được chế tác dưới thời vua Gia Long (1802-1819) và sử dụng xuyên suốt trong thời Nguyễn với tổng cộng 13 đời vua, kéo dài 143 năm. Ngai vàng không được làm từ vàng hoàn toàn mà từ gỗ và sơn son thếp vàng, từng được trùng tu một lần dưới thời vua Khải Định (1916-1925).

Khác với nhiều bảo vật được lưu trữ trong lồng kính hoặc đặt tại bảo tàng, ngai vàng được đặt nguyên vị trí giữa gian chính điện Thái Hòa, nơi vua xưa từng thiết triều, tiếp sứ thần, tổ chức lễ đăng quang và các nghi lễ quốc gia. Ngai vàng có kích thước, chiều cao 101 cm, dài 87 cm, rộng 72 cm. Phần đế của ngai vàng dài 118 cm, rộng 90 cm, cao 20 cm.

Phần tựa tay của ngai còn bị Tâm đập gãy thành 3 đoạn.

Phần tựa tay của ngai còn bị Tâm đập gãy thành 3 đoạn.

Trưa 24/5, ngai vua triều Nguyễn bị Hồ Văn Phương Tâm (SN 1983, nơi ở hiện tại quận Bình Tân, TP.HCM) lẻn vào phá hoại. Ngai bị kẻ này bẻ phần tựa tay bên trái và đập phá làm phần tựa tay gãy ra thành nhiều mảnh vỡ.

Đến 12h10 cùng ngày, lực lượng bảo vệ Đại Nội mới khống chế được Tâm và báo cho Công an phường Đông Ba lập biên bản bắt người phạm tội quả tang. Cơ quan công an thực hiện test nhanh ma túy với Hồ Văn Phước Tâm, kết quả xác định âm tính.

Theo Công an TP Huế, Hồ Văn Phương Tâm sinh ra tại phường Hương Long (quận Phú Xuân, TP Huế). Năm 1990, Tâm theo gia đình sinh sống tại TP.HCM nhưng sau đó ra ngoài thuê trọ, thường xuyên thay đổi chỗ ở. Giữa tháng 5/2025, Hồ Văn Phương Tâm về Huế đến sống tại nhà người thân (cô ruột) ở Kiệt 28 (đường Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long) nhưng không được đồng ý nên đi sống lang thang. Ngày 18/7/2023, Hồ Văn Phương Tâm bị TAND quận Tân Bình (TP.HCM) ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chỉ đạo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đưa ngai vua triều Nguyễn về lưu giữ, bảo quản tại kho cổ vật. Đồng thời, đơn vị này đưa ngai phục chế đến trưng bày tại Điện Thái Hòa phục vụ du khách.

Về ngai vàng bị hư hỏng, thời gian tới Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức thành lập Hội đồng đánh giá tình trạng hiện vật, xây dựng phương án bảo quản, xử lý hiện vật báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của Luật Di sản Văn hóa.

Nguyễn Vương

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/bao-vat-ngai-vua-trieu-nguyen-lam-tu-loai-go-gi-ma-de-gay-vay-ar945328.html