Gìn giữ giá trị linh thiêng của di sản
Vụ việc một du khách trèo lên ngai vua triều Nguyễn tại điện Thái Hòa (Đại Nội Huế) đang gây bức xúc trong dư luận. Hành vi này không chỉ thể hiện sự thiếu ý thức mà còn phản ánh một thực trạng đáng lo ngại hơn: tính thiêng của di sản đang bị xem nhẹ trong chính không gian từng được gìn giữ như chốn tôn nghiêm.

Gìn giữ tính thiêng của di sản. (Ảnh: VŨ LINH)
Khi tính thiêng bị biến dạng
Trong văn hóa truyền thống Việt Nam, tính thiêng không chỉ gắn với tín ngưỡng hay tôn giáo, mà còn là sự kính trọng được bồi đắp bởi niềm tin, ký ức và cảm xúc cộng đồng qua nhiều thế hệ.
Một cây đa cổ thụ, một giếng làng, tấm sắc phong, pho tượng gỗ… có thể không quý ở vật chất, nhưng lại “thiêng” bởi bao lớp người đã gắn bó, thờ phụng, ký thác tinh thần.
Nhiều bảo vật quốc gia như Tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Mễ Sở, trống đồng Ngọc Lũ, chuông chùa Vân Bản… từng hiện diện trong không gian thờ tự, gắn bó với nghi lễ cộng đồng.
Với người xưa, vật thể chỉ thực sự có giá trị khi mang linh hồn. Vì vậy, trống đồng không chỉ là nhạc cụ mà luôn ở vị trí trung tâm nghi lễ. Tượng Phật không chỉ là tác phẩm điêu khắc mà là nơi cư ngụ của đức tin.
Khi hiện vật bị tách rời khỏi bối cảnh văn hóa và niềm kính ngưỡng, dù còn nguyên hình hài cũng coi như mất hồn.
Vụ việc trèo lên ngai vua không đơn thuần là hành động phản cảm, mà là sự xúc phạm vào ký ức thiêng liêng của một dân tộc. Ngai vua không chỉ là cổ vật mà là biểu tượng của vương quyền, của nghi lễ triều đình, của trật tự xã hội và của sự tiếp nối lịch sử.
Khi biểu tượng linh thiêng bị xâm phạm, đây là dấu hiệu mai một của tính thiêng trong những không gian văn hóa-tâm linh, khi những giá trị thiêng liêng đang dần bị xóa nhòa.

Ngai vua trong Điện Thái Hòa. (Ảnh: Cục Di sản văn hóa)
Không chỉ hiện vật, nhiều lễ hội truyền thống cũng đang bị “giải thiêng”.
Từ lễ rước kiệu Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, lễ rước nước ở Nam Định đến cầu mùa của đồng bào H’Mông ở Yên Bái. Đây là những nghi lễ mang đậm dấu ấn nông nghiệp, tín ngưỡng dân gian, nay dần bị biến thành những màn trình diễn văn nghệ hóa, sân khấu hóa, phục vụ nhu cầu du lịch.
Không ít công trình tín ngưỡng bị trùng tu theo lối hiện đại hóa, dát gạch men, lợp mái tôn, thay tượng cổ bằng tượng xi-măng sơn nhũ.
Những không gian vốn cần sự tôn nghiêm, tĩnh tại để người dân thành kính chiêm bái, nay bị lu mờ chiều sâu tâm linh. Ngay trong không gian bảo tàng, cũng có nơi sử dụng âm thanh, ánh sáng quá mức làm phá vỡ không gian tĩnh lặng cần thiết để chiêm nghiệm. Không ít người không giữ lòng tôn kính khi đứng trước những không gian linh thiêng. Họ vô tư trèo lên hiện vật để chụp ảnh, sờ mó, ném tiền lẻ vào bệ thờ…
Nhiều chuyên gia di sản đã cảnh báo: Một khi cảm thức về cái thiêng bị đánh mất thì không gì có thể thay thế được. Một hiện vật dù quý giá đến đâu, nếu chỉ được trưng bày mà thiếu đi ngữ cảnh văn hóa, thiếu sự kết nối với đời sống tâm linh thì cũng chỉ còn là món đồ vô tri.
Trả lại tính thiêng cho di sản
Chống giải thiêng lâu nay đã được nhắc đến nhưng thực tiễn đang thiếu sự phối hợp giữa các ngành văn hóa, du lịch, giáo dục… Gìn giữ tính thiêng không chỉ là việc giữ lại hình thức bề ngoài của di sản, quan trọng hơn phải giữ được chiều sâu tâm linh của di sản đã được cộng đồng tin tưởng, tôn kính và truyền nối qua nhiều đời.
Điều này đặc biệt quan trọng với di sản phi văn hóa phi vật thể, nơi tính thiêng nằm trong nghi thức, không gian, thời gian và con người thực hành. Thí dụ, trong lễ cấp sắc của người Dao Đỏ, sự linh thiêng không chỉ nằm ở trang phục rực rỡ hay nhạc lễ sôi động, mà còn nằm ở nghi lễ truyền thụ từ thầy cúng cho học trò, nơi người sống kết nối với tổ tiên.

Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ ở Lào Cai. (Ảnh: VŨ LINH)
Tính thiêng không thể tái dựng bằng kỹ thuật, mà phải được gìn giữ từ chính mạch sống của cộng đồng.
Đối với bảo vật được trưng bày trong các bảo tàng, cần tái tạo không gian gốc một cách nghiêm cẩn từ cách trưng bày, ánh sáng, âm thanh cho tới lời thuyết minh, câu chuyện mô tả nhằm khơi dậy cảm thức linh thiêng trong lòng người xem.
Bảo tàng Quốc gia Kyushu (Nhật Bản) là một thí dụ điển hình. Tượng Phật được trưng bày trong ánh sáng dịu nhẹ, không gian yên tĩnh với tiếng nhạc thiền định vang vọng… tạo cảm giác thiêng liêng và tôn kính cho người chiêm bái.
Bên cạnh đó, vai trò trung tâm của cộng đồng cần được khẳng định và phục hồi. Các nghệ nhân, thủ từ, thầy cúng, thầy mo… không chỉ là người thực hành nghi lễ, mà còn là người lưu giữ tri thức văn hóa và mang hồn di sản.
Khi lễ hội được “phục dựng” bởi các công ty tổ chức sự kiện, những nghi thức thiêng liêng dễ bị biến thành trò trình diễn thương mại. Nếu không đặt ranh giới rõ ràng giữa không gian tâm linh và không gian du lịch, nguy cơ biến dạng sẽ ngày càng nghiêm trọng.
Để ngăn chặn sự mai một của tính thiêng, cần được thực hiện một cách căn cơ, liên ngành từ giáo dục đến chính sách pháp luật. Trẻ em cần được nuôi dưỡng cảm thức về cái thiêng từ tín ngưỡng tổ tiên, qua nghi lễ làng xã, qua cách ứng xử trước di tích và với di sản.
Nhiều quốc gia có nền văn hóa mạnh đều dạy cho trẻ đạo lý, lễ nghi và lòng tôn kính với quá khứ như một phần tất yếu trong hành trình trưởng thành. Cùng với đó, việc hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ bảo vật quốc gia, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trùng tu, ngăn chặn tình trạng thương mại hóa di sản vô cùng cấp thiết.
Song song với đó là những chính sách hỗ trợ đội ngũ gìn giữ di sản để tính thiêng không bị “cắt đứt” trong dòng chảy hiện đại hóa.
Trong mạch sống văn hóa dân tộc, di sản không chỉ là hiện vật quá khứ mà còn là “vật thiêng” gắn liền với tín ngưỡng, ký ức, tâm linh và cả bản sắc cộng đồng. Trước thực trạng “giải thiêng” ngày càng phổ biến, việc gìn giữ và phục hồi tính thiêng cho di sản không chỉ là một hành động gìn giữ đạo lý văn hóa, mà còn là khôi phục niềm tin, củng cố bản sắc và giữ lại căn cốt tinh thần cho thế hệ tương lai.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/gin-giu-gia-tri-linh-thieng-cua-di-san-post882841.html