Bảo vật quốc gia bị phá hỏng: Lỗ hổng bảo vệ di tích?
Sự cố liên quan đến ngai vàng của vua nhà Nguyễn ở Huế cần được nhìn nhận như một lời cảnh tỉnh đối với công tác bảo vệ di tích nói chung trên cả nước.
Vụ việc một du khách ngang nhiên trèo lên Bảo vật quốc gia Ngai vàng của vua nhà Nguyễn tại Đại nội Huế và làm hư hại hiện vật này đã gây chấn động dư luận, không chỉ vì hành vi đáng lên án của cá nhân mà còn làm dấy lên nhiều câu hỏi về công tác bảo vệ, giám sát và phát huy giá trị di sản ở các điểm di tích lịch sử trọng yếu. Ngai vàng – biểu tượng tối cao của quyền lực triều Nguyễn – là một hiện vật đặc biệt quý giá, không chỉ về mặt vật chất mà còn hàm chứa ý nghĩa thiêng liêng đối với văn hóa dân tộc. Việc hiện vật này bị xâm phạm cho thấy những lỗ hổng đáng lo ngại trong công tác quản lý di sản, đặc biệt là trong bối cảnh du lịch văn hóa đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Ngai vàng của vua nhà Nguyễn trước khi bị xâm hại. Ảnh: Quốc Lê.
Trước hết, cần khẳng định rằng ở sự việc trên không thể chỉ quy trách nhiệm cho cá nhân vi phạm. Ở các quốc gia phát triển, công tác bảo vệ hiện vật tại các điểm tham quan luôn được thực hiện nghiêm ngặt. Các hiện vật có giá trị đặc biệt thường được đặt sau vách kính chống đạn, được canh gác bởi đội ngũ an ninh và giám sát bằng hệ thống camera hiện đại. Trong khi đó, tại Đại nội Huế – khu vực lõi của Di sản thế giới Quần thể di tích Cố đô Huế – ngai vàng của vua lại không được đặt trong lồng kính hay có hàng rào chắn phù hợp, cho phép du khách tiếp cận ở khoảng cách rất gần, thậm chí là leo lên hiện vật. Đây là một trong điểm yếu nghiêm trọng trong cách tổ chức không gian tham quan, dẫn đến nguy cơ cao bị xâm hại bởi hành vi vô ý thức hoặc có chủ ý.
Một nguyên nhân khác không thể không nhắc đến là sự thiếu hụt về nhân lực giám sát. Dù có lực lượng bảo vệ tại chỗ, song với lượng khách tham quan đông đảo vào mỗi ngày, việc kiểm soát hành vi của từng cá nhân là điều gần như không thể nếu không có sự hỗ trợ từ công nghệ giám sát hiện đại. Việc thiếu camera theo dõi hoặc có nhưng không đủ độ phủ, không có hệ thống cảnh báo sớm, khiến phản ứng trước các tình huống vi phạm trở nên chậm trễ. Trong vụ việc ở Đại nội Huế, nếu lực lượng bảo vệ phản ứng kịp thời, ngai vàng của các vua nhà Nguyễn đã không bị hư hại một cách đáng tiếc.
Cũng cần nhìn vụ việc từ cả góc độ truyền thông và giáo dục văn hóa ứng xử nơi công cộng. Trong nhiều năm qua, các chương trình hướng dẫn ứng xử văn minh tại di tích vẫn còn mang tính hình thức, thiếu sự lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều du khách, đặc biệt là giới trẻ, chưa ý thức đầy đủ về giá trị của các hiện vật lịch sử, dẫn đến những hành vi thiếu tôn trọng như sờ nắn, ngồi lên hiện vật, vẽ bậy lên tường hay thậm chí phá hoại. Đây không chỉ là vấn đề về ý thức cá nhân, mà còn là lỗ hổng trong việc giáo dục di sản – một mảng dường như chưa được coi trọng đúng mức trong hệ thống giáo dục phổ thông cũng như chiến lược phát triển du lịch quốc gia.
Thiết nghĩ, sự cố liên quan đến ngai vàng của vua nhà Nguyễn ở Huế cần được nhìn nhận như một lời cảnh tỉnh đối với công tác bảo vệ di tích nói chung trên cả nước. Vụ việc tuy gây phẫn nộ, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta nhìn thẳng vào những bất cập tồn tại lâu nay. Chỉ khi những bài học được rút ra một cách nghiêm túc và hành động cải thiện diễn ra thực chất, di sản mới thực sự được bảo vệ – không chỉ bằng hàng rào vật lý, mà bằng cả nhận thức và trách nhiệm xã hội vững chắc.