Bảo vật Quốc gia: Đài thờ Mỹ Sơn A10
Trong tiến trình lịch sử của Việt Nam, văn hóa Chăm có sự ảnh hưởng không hề nhỏ. Sự phát triển rực rỡ của các vương triều Chăm pa vẫn còn được lưu dấu thông qua những khối kiến trúc độc đáo tồn tại cùng thời gian. Trong số đó, khu đền tháp Mỹ Sơn là một minh chứng điển hình nhất, đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999.
Ngược dòng lịch sử về lại những năm đầu tiên của thế kỷ XX, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp dưới sự chủ trì của Charles Carpeaux và Henri Parmentier đã tiến hành công việc phát quang, dọn dẹp, nghiên cứu và khai quật Khu đền tháp Mỹ Sơn. Tuy nhiên, các hoạt động săn tìm báu vật đã diễn ra trước khi các chuyên gia can thiệp vào khu di tích này. Đài thờ và hố thiêng của đền A10 đã bị xáo trộn và lật đổ. Qua 2 lần trùng tu đền A10, đài thờ vẫn không được chú ý.
Trong 5 năm (từ 2016 - 2021), Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Mỹ Sơn do Chính phủ Ấn Độ tài trợ ký kết theo biên bản ghi nhớ của Chính phủ hai nước Ấn Độ và Việt Nam với kinh phí hơn 60 tỷ đồng, trong đó Ấn Độ tài trợ hơn 50 tỷ đồng đã được triển khai ở các nhóm tháp A, K, H. Một trong những thành công lớn nhất của Dự án đó chính là Đài thờ Mỹ Sơn A10 nằm trong đền A10 thuộc nhóm A. Đây được xem là ngoặt lớn, mang tính lịch sử khi từ một phế tích, lần lượt những mảnh ghép còn thiếu đã được phát lộ.
Ông LÊ VĂN MINH - Trưởng phòng Bảo tồn Bảo tàng, Ban quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Quảng Nam: “Từ năm 2003, trong quá trình tái kiểm kê hiện vật Mỹ Sơn thì chúng tôi đã nhìn nhận được thành phần của đài thờ rồi. Tuy nhiên khi thử ráp vẫn thiếu 3 khối đá. Đến 2020 trong quá trình trùng tu, chúng tôi tin tưởng rằng trong lúc khai quật, dọn dẹp thì mình sẽ phát hiện những khối đá còn lại. Và đúng y như vậy. Giữa mùa trùng tu năm 2020, chúng tôi trong quá trình dọn dẹp hố thiêng giữa lòng tháp thì chúng tôi đã phát hiện 3 khối đá. Trong đó 2 khối đá liên quan đến thành phần đài thờ và 1 khối đá Yoni – Linga liền khối.”
Trong tháng 5/2020, các chuyên gia đã tiến hành nâng Linga – Yoni và 02 khối đá lên khỏi miệng hố và kết hợp với các khối đá thuộc đài thờ trước đền A10 để tiến hành nghiên cứu và lắp ghép một cách hoàn chỉnh đài thờ từ 17 khối đá và nhiều mảnh vỡ nhỏ. Việc lắp ghép cũng mất khá nhiều thời gian, nhất là việc xác định hướng của các mặt đài thờ ngoại trừ Linga – Yoni. Yoni có vòi quay về hướng Bắc, Linga với đường gờ mang tính biểu tượng quay về hướng chính của đền A10 là hướng Tây, còn lại các mặt của bệ thờ có bố cục chung giống nhau. Tuy nhiên, do chi tiết trang trí trên phần đế có sự khác nhau, 1 mặt là hoa văn hình quả trám, 3 mặt còn lại là hình dây nho. Đây chính là cơ sở để các nhà khảo cổ hoàn thiện lắp ráp lại đài thờ A10.
Ông NGUYỄN VĂN THỌ - Phó phòng Bảo tồn Bảo tàng, BQL Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Quảng Nam: “Đài thờ Mỹ Sơn A10 là một trong những đài thờ rất tiêu biểu cho 1 giai đoạn phong cách kiến trúc nghệ thuật của Chămpa khoảng thế kỷ thứ 9, đầu thế kỷ thứ 10, thuộc phong cách Đồng Dương. Trong giai đoạn này, dưới vương triều Indrapadman II, Phật giáo khá thịnh hành. Tuy nhiên Ấn Độ giáo vẫn được phát triển và tiêu biểu là kiến trúc đến A10 và đài thờ Mỹ Sơn A10 vẫn được xây dựng trong giai đoạn này.”
Đài thờ hoàn chỉnh có hình vuông, làm từ chất liệu sa thạch xanh xám, gồm 17 khối đá xếp thành 5 lớp chồng lên nhau. Lớp dưới cùng rộng nhất là phần đế đài thờ được ghép từ 9 khối đá, phần đế trang trí 4 mặt. Phần thân bệ thờ gồm 3 lớp đá ghép và xếp chồng lên nhau, có gờ giật cấp và các ô chữ nhật có viền khuôn trang trí. Thớt đá dưới Yoni là một tấm đá nguyên khối, ở vị trí trung tâm mặt trên của thớt đá này có một lỗ tròn sâu 2,5 cm, đường kính 3,5 cm, lỗ tròn này nằm ngay dưới Yoni. Có thể lỗ này dùng để chứa đựng những vật quý khi thực hiện các nghi lễ đặt Linga – Yoni.
Ông LÊ VĂN MINH - Trưởng phòng Bảo tồn Bảo tàng, BQL Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Quảng Nam: “Giai đoạn A10 là một cái đặc trưng rất dễ nhìn. Thứ 1 là phần điêu khắc gần như bao phủ khắp bề mặt, điêu khắc rất chi tiết và tỉ mỉ. Cái hay của công trình giai đoạn này là nó vẫn còn thấp, và đậm. Nhưng đài thờ A10 có một giá trị nổi bật so với hàng chục các đài thờ khác ở Mỹ Sơn, đó là trong 17 khối đá đó thì cái Linga – Yoni là 1 hiện vật liền khối duy nhất ở Mỹ Sơn cho đến bây giờ. Đồng thời là 1 Linga – Yoni liền khối lớn nhất Việt Nam.”
Điều đáng chú ý nữa là đài thờ Mỹ Sơn A10 bảo tồn được vật liệu và kỹ thuật xây dựng đá - là nơi duy nhất tìm thấy chất liệu chì trong mộng đuôi cá. Kỹ thuật này chỉ còn lại tại Khu đền tháp Mỹ Sơn cũng như trong kỹ thuật xây dựng đá của kiến trúc Chămpa cho đến nay.
Ông NGUYỄN VĂN THỌ - Phó phòng Bảo tồn Bảo tàng, BQL Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Quảng Nam: “Trong đài thờ này ẩn chứa rất nhiều điều, đặc biệt là về mặt vật liệu. Trong đài thờ này chúng ta phát hiện vật liệu Chì, sử dụng trong việc kết nối đá trong đài thờ Mỹ Sơn A10 mà hầu như duy nhất tại Mỹ Sơn là chúng ta tìm thấy được.”
Về kết cấu, kỹ thuật, hình dạng và trang trí, đài thờ A10 và A1 có sự kế thừa từ đài thờ Mỹ Sơn E1, tuy nhiên vẫn có sự phát triển. Thứ nhất đài thờ A10 không còn sử dụng các tấm chắn dựng đứng có trang trí bên ngoài và kỹ thuật xếp chồng phần lõi bên trong, mà chỉ là những lớp đá xếp chồng lên nhau và sau đó trang trí bên ngoài. Việc thay đổi về kết cấu và kỹ thuật này làm cho đài thờ được vững vàng hơn, nhưng việc trang trí bên ngoài sẽ gặp khó khăn hơn do gặp phải nhiều đường ghép giữa các khối đá. Thứ hai, có sự thay đổi hình thức của biểu tượng thờ, từ hình thức Linga 3 phần đặt xuyên qua lỗ vuông của Yoni thì đến giai đoạn này, Linga - Yoni liền khối nặng đến gần 3 tấn. Rất nhiều nghi vấn đã được đặt ra: liệu đài thờ 10 được xây dựng trước, hay đền A10 được xây dựng trước.
Ông LÊ VĂN MINH - Trưởng phòng Bảo tồn Bảo tàng, BQL Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Quảng Nam: “Khi chúng ta làm một ngôi nhà, thường chúng ta lo kiến trúc ngôi nhà trước, vững chãi rồi mới đặt để những đồ thờ, vật dụng cần thiết vào bên trong. Thì trong trường hợp này cũng vậy. Người ta di chuyển đài thờ vào bằng cách nghiêng qua cửa. Và khoảng cách chiều cao Linga - Yoni khi nghiêng qua cửa vẫn chưa đụng tới tranh tô. Nên tôi nghĩ là người ta xây đền xong rồi mới chuyển vào bằng cách nghiêng đài thờ Linga - Yoni.”
Đài thờ Mỹ Sơn A10 đặt trong tổng thể của cụm tháp A. Cũng là khu vực có 2 đền thờ xây dựng song song với nhau. Thông qua việc nghiên cứu kiến trúc của cụm tháp, đặc biệt là đài thờ A10- cùng những họa tiết trang trí như các bó hoa hình đàn thất huyền trên trụ áp tường. Các nhân vật là các nhà tu khổ hạnh đứng dưới vòm cửa trong tư thế chắp tay trước ngực, quấn khố với hai dãi dây dài hai bên, đầu đội kirita-mukuta với chét hoa ở giữa; Họa tiết hình quả trám, dây nho được chạm khắc trên từng phiến đá của đài thờ…. Đã cho các nhà nghiên cứu một cái nhìn khá toàn diện về văn hóa, lễ nghi của người Chăm xưa.
Ông LÊ VĂN MINH - Trưởng phòng Bảo tồn Bảo tàng, BQL Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Quảng Nam: “Chúng ta sẽ hình dung rằng người Chăm đến Mỹ Sơn, bắt đầu từ tháp A9, tịnh tâm ở tháp A9 đó và đó là nơi sửa soạn lễ, tịnh tâm. Sau đó qua tháp cổng A8, nó như nơi chiếu lại, như 1 biên giới giữa 2 thế giới trần tục và tâm linh. Qua tháp này nghĩa là nó gột rửa tất cả những trần tục bên ngoài, chọn lấy sự trong sạch nhất, thánh thiện nhất đến với thần linh. Cuối cùng người ta sẽ đến với A10 hoặc A10 để cầu đảo thần linh.”
Ông PHAN HỘ - Trưởng BQL Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Quảng Nam: “Đài thờ Mỹ Sơn A10 đáp ứng được 3 tiêu chí quan trọng: là hiện vật nguyên gốc và duy nhất; thứ 2 là nó độc đáo, thứ 3 là nó có tính sáng tạo và là hiện vật tiêu biểu cho 1 thời kỳ.”
Chính vì lý do đó, cuối năm 2021, Đài thờ Mỹ Sơn A10 đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Điều này cũng đặt ra nhiều khó khăn cho công tác bảo tồn di tích, để báu vật giữ được vẹn nguyên giá trị. Phương án thoát nước trong lòng đền A10 và mái che cho đài thờ phù hợp với không gian đền thờ cũng như kiến trúc tổng thể nhóm tháp A sẽ được triển khai trong năm tới. Song song với đó, Quảng Nam cũng nghiên cứu các phương án để đảm bảo công tác bảo tồn di tích đạt hiệu quả. Càng đặc biệt hơn khi đây là kết quả quan trọng của mối quan hệ hợp tác giữa 2 chính phủ Việt Nam và Ấn Độ trong trùng tu di tích.
Ông PHAN HỘ - Trưởng BQL Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Quảng Nam: “Trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn về mặt tài chính, cũng như các kiến thức khoa học trong công tác trùng tu. Đối với nền văn hóa Ấn độ có rất nhiều nét tương đồng đối với đến tháp Mỹ Sơn. Do đó công tác phối hợp, hợp tác giữa chúng ta với chính phủ Ấn Độ và các chuyên gia trong trùng tu là hết sức quan trọng và cần thiết.”
Bảo vật Quốc gia Đài thờ A10 đã góp phần làm sáng tỏ và tô đậm thêm giá trị văn hóa Chămpa đối với đời sống người Việt xưa. Nó không chỉ đơn thuần là không gian tế tự của một ngôi đền Hindu tiêu biểu tại khu đền tháp Mỹ Sơn mà còn là minh chứng cho một giai đoạn phát triển của kiến trúc và nghệ thuật tại thung lũng thần linh – nơi văn hóa cổ được bảo tồn và lưu giữ qua hàng thế hệ.
Thực hiện : Mỹ Phượng Lê Quang
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/bao-vat-quoc-gia-dai-tho-my-son-a10