Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số
Sáng 13/9, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo 'Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số' với sự tham dự của gần 200 đại biểu.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành Báo chí. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, vấn đề bản quyền tác phẩm báo chí đối diện với nhiều thách thức mới. Vi phạm bản quyền nội dung số diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng.
Điều này ảnh hưởng đến doanh thu, uy tín, thương hiệu của các cơ quan báo chí cũng như công cuộc chuyển đổi số báo chí. Do đó, bảo vệ bản quyền đang là vấn đề cấp bách đối với các cơ quan báo chí và đòi hỏi các giải pháp phải được thực hiện tổng thể, đồng bộ để đạt hiệu quả cao nhất.
Trong bối cảnh như vậy, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp tổ chức Hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số” nhằm làm rõ thực trạng vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí hiện nay; đồng thời, thảo luận và tìm giải pháp hữu hiệu để bảo vệ bản quyền báo chí, đặc biệt trong môi trường số.
Hội thảo cũng nhằm nâng cao năng lực bảo vệ và khai thác bản quyền tác phẩm báo chí trong kỷ nguyên số cho các tòa soạn, các nhà báo; đồng thời, đóng góp vào quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý về bản quyền.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh: “Bảo vệ được quyền tác giả sẽ thúc đẩy sự sáng tạo và tạo động lực cho nhà báo, cơ quan báo chí đầu tư vào dự án phát triển nội dung, dự án đổi mới sáng tạo báo chí. Bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông hiện nay”.
Phát biểu chào mừng hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Huyền, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân, khẳng định, cách mạng 4.0 đã mang đến sự thay đổi lớn lao về công nghệ, thay đổi cả công nghệ làm báo và thay đổi hành vi của độc giả. Trong bối cảnh đó, báo chí không có cách nào khác là phải chuyển đổi số để tồn tại và phát triển. Nhờ chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí ngày càng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại hơn. “Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số báo chí cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề bản quyền trên môi trường số, đòi hỏi có giải pháp bảo vệ hiệu quả, đặc biệt là giải pháp công nghệ và hoàn thiện hành lang pháp lý”, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền nói.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để việc bảo vệ bản quyền báo chí trên nền tảng số hiệu quả hơn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, vi phạm bản quyền cũng chính là vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa người làm báo. Vì thế, các cơ quan báo chí cần tăng cường giáo dục đạo đức, văn hóa cho nhà báo. “Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số cần có bộ công cụ số để các quan báo chí nhận diện thương hiệu, làm nhãn bản quyền. Các cơ quan báo chí cần hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau bảo vệ bản quyền nội dung”, bà Đỗ Thị Thu Hằng đề xuất.
Các đại biểu cho rằng, tình trạng vi phạm bản quyền báo chí đang gia tăng. Theo Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới Nguyễn Minh Đức, hiện nay có khoảng 2.000 trang thông tin tổng hợp sao chép với tốc độ rất nhanh nội dung thông tin của các cơ quan báo chí. “Điều nguy hiểm là đa số trang tin này không có cơ quan quản lý, không có người chịu trách nhiệm, không có giấy phép hoạt động. Việc sao chép, vi phạm bản quyền này khiến các cơ quan báo chí bị thiệt hại lớn, trong khi các trang này lại chỉ ngồi không hưởng lợi từ các nguồn thu quảng cáo...”, nhà báo Nguyễn Minh Đức cho biết.
Tại Hội thảo, nhiều tham luận được trình bày bởi các nhà hoạt động thực tiễn, như:
Cơ sở pháp lý về vấn đề bảo vệ bản quyền ở các cơ quan báo chí hiện nay, do ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh trình bày;
Bảo vệ bản quyền từ góc nhìn kinh tế báo chí – truyền thông, do ông Nguyễn Minh Đức, Tổng biên tập báo Hà Nội mới trình bày;
Bảo vệ bản quyền số của VTV: Cơ sở pháp lý, thực trạng và kiến nghị, do ông Nguyễn Thanh Vân, Phó trưởng Ban Kiểm tra, Đài Truyền hình Việt Nam trình bày;
Bảo vệ bản quyền báo chí dưới góc nhìn văn hóa và đạo đức do PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam trình bày;
Bàn về bảo vệ bản quyền báo chí dưới góc độ bồi thường thiệt hại, do luật sư Trần Thị Khánh Hương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Pháp lý - Truyền thông Hà Nội trình bày;
Ứng dụng công nghệ số vào bảo vệ bản quyền báo chí, do ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam trình bày.
Phiên thảo luận với sự tham gia của các diễn giả: Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch; Ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Đo kiểm phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử; Ông Nguyễn Văn Bá, Tổng biên tập Vietnamnet; Ông Vũ Gia Luyện, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin của Mobifone; Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông.
Các diễn giả trao đổi sâu về các giải pháp giúp bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số đạt hiệu quả cao nhất; trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp công nghệ và đề xuất nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ bản quyền.
Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam về “Nâng cao năng lực, kiến thức thực thi pháp luật bản quyền, phổ biến kiến thức và đạo đức văn hóa cơ quan báo chí trong thực thi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí”.