Bảo vệ báu vật của đại ngàn

Đã lâu lắm rồi, người dân thôn Nà Thuôn, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) lại thấy đàn khỉ xuất hiện xuống vườn nhà dân để kiếm ăn, chơi đùa. Cảnh tượng từng đàn khỉ ông bà, bố mẹ, con cháu sống đầm ấm, thanh bình trong không gian xanh của núi rừng, bản làng ai cũng mừng vì loài vật đặc hữu - báu vật của đại ngàn đã được bảo vệ.

Hồi ức về đàn khỉ

Ông Quan Thanh Trưởng tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày cuối thôn Nà Đông, xã Thượng Lâm. Ông chỉ tay ra phía sau nhà cho biết, khỉ rất thích sống trên những hang vách dãy núi đá vôi nơi có rừng nguyên sinh có độ đa dạng sinh học cao. Bởi như vậy vừa an toàn cho đàn khỉ, chúng lại có nguồn thức ăn phong phú, ưa thích.

Theo ông Trưởng, ở Tuyên Quang khỉ có nhiều nhất trong Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình có diện tích rộng lớn hàng chục nghìn ha đã được tỉnh khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt. Người dân ở các thôn, bản đi làm nương, đi rừng thi thoảng vẫn bắt gặp voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, khỉ cộc, khỉ đuôi lợn, khỉ mốc, khỉ vàng, khỉ mặt đỏ.

Mấy chục năm về trước người dân hai huyện Na Hang và Lâm Bình rất quen thuộc với các đàn khỉ sống gần gũi với các bản làng. Buổi sáng hay chiều tà tiếng hú gọi đàn của khỉ vang vọng cả một cánh rừng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các loại súng săn, cạm bẫy của người dân làm cho số lượng đàn khỉ giảm đi nhanh chóng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Na Hang, nhân viên tuần rừng khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt đàn khỉ, voọc trên địa bàn.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Na Hang, nhân viên tuần rừng khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt đàn khỉ, voọc trên địa bàn.

Đàn khỉ bắt đầu sợ con người. Chúng thường ẩn náu nơi rừng sâu, trên các hang đá, vách núi treo leo. Nhiều đợt tuần rừng của kiểm lâm, đi mãi vẫn chưa bắt gặp khỉ. Chỉ thấy những dấu vết thức ăn vướng vãi của nó để lại. Trong khi giá của 1 lạng cao khỉ trên thị trường không phải là rẻ, được tuyên truyền chữa bách bệnh, kích thích nhiều thợ săn lén lút vào rừng bắn khỉ để mang về nấu cao. Đàn khỉ vì thế càng sợ hãi và tìm cách tránh xa con người.

Đồng chí Ma Công Khâm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết, thực hiện chủ trương của tỉnh về việc thu hồi các loại súng, nhất là súng săn do nhân dân tự chế, đã có nhiều hộ trên địa bàn xã tự giác giao nộp. Tại các thôn, công an viên đến từng nhà vận động chủ hộ ký cam kết không sử dụng súng săn, không săn bắt khỉ, không buôn bán, sử dụng khỉ làm thức ăn, nấu cao.

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh trong các cuộc họp thôn, họp đầu ngành. Khẩu súng kíp gắn bó với bao đời của người dân tộc vùng cao, nay được mạnh dạn giao nộp cho công an. Lúc đầu nhiều người còn luyến tiếc, bỡ ngỡ, song nhận thức sử dụng súng trái phép gây nguy hiểm cho cộng đồng và làm suy kiệt các loài động vật nên tự giác giao nộp. Sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động đã góp phần làm hồi sinh đàn khỉ trên địa bàn.

Đàn khỉ trở về sống cảnh thanh bình bên các bản làng vùng cao của tỉnh Tuyên Quang.

Đàn khỉ trở về sống cảnh thanh bình bên các bản làng vùng cao của tỉnh Tuyên Quang.

Chung tay bảo vệ

Từ khi tỉnh xác định phát triển du lịch là 1 trong 3 khâu đột phá, ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã được tăng cường hơn bao giờ hết. Nhiều vụ chặt cây rừng, săn bắn thú rừng được đẩy lùi, làm nhiều kẻ muốn ra tay phải chùn bước. Như mấy năm trước, tại km 15 đường Na Hang - Tuyên Quang thuộc địa phận xã Thanh Tương, lực lượng kiểm lâm phối hợp với công an huyện Na Hang kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 88C - 053.12.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 1 cá thể rắn hổ mang chúa, nặng hơn 1,7 kg được đựng trong túi lưới. Làm việc với cơ quan chức năng, chủ phương tiện không xuất trình được giấy tờ nguồn gốc động vật rừng nói trên. Cơ quan chức tăng đã tịch thu tang vật, xử lý nghiêm khắc đối tượng, tạo sức răn đe cho cộng đồng.

Cùng với nạn săn bắn trái phép, việc dâng nước hồ thủy điện Tuyên Quang cũng làm chia cắt, phân tán địa hình, nhiều đàn khỉ, voọc khó giao lưu đàn, phải sống trên các đảo, bán đảo chia tách. Trước thực trạng đó tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều giải pháp để bảo vệ, phát triển đàn khỉ, voọc trên địa bàn, đặc biệt loài voọc mũi hếch là động vật đặc hữu của địa phương. Tỉnh đã phối hợp với Tổ chức Con người - Tài nguyên và Bảo tồn (PRCF) - một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ, phi thành viên thúc đẩy bảo tồn, bảo vệ và sử dụng sáng suốt các nguồn tài nguyên thiên trong sự phát triển kinh tế - xã hội hợp lý.

Voọc đen má trắng xuất hiện tại Lâm Bình.

Voọc đen má trắng xuất hiện tại Lâm Bình.

Từ năm 2010 trở lại đây, Tổ chức Con người, Tài nguyên và Bảo tồn (PRCF) đã có nhiều hoạt động phối hợp với huyện Lâm Bình trong việc nghiên cứu, tuyên truyền bảo vệ đàn khỉ, voọc. Nhiều chòi quan sát khỉ được dựng lên ở những ngọn núi cao trong vùng, nhằm chụp ảnh, kiểm đếm, đánh giá các cá thể.

Chị Nguyễn Phương Nga, từng là thành viên của Tổ chức Con người - Tài nguyên và Bảo tồn ở khu vực Lũng Nhòi, xã Khuôn Hà khẳng định, nhờ khoanh vùng bảo vệ, đẩy mạnh công tác tuần rừng, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân mà đàn khỉ được bảo vệ. Tổ chức Con người - Tài nguyên và Bảo tồn còn tổ chức Hội thi “Vẽ tranh bảo vệ rừng và động vật hoang dã” cho học sinh trường THCS Khuôn Hà, Thượng Lâm.

Đồng chí Ma Thanh Khiết, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Na Hang cho biết, qua thông tin của anh em kiểm lâm tuần rừng, thời gian gần đây đã phát hiện nhiều đàn khỉ, voọc xuất hiện trên địa bàn, đây là một tín hiệu đáng mừng. Theo ước tính thì tại Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình có hàng trăm cá thể voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, các loài khỉ.

Riêng huyện Lâm Bình mới báo cáo phát hiện khoảng 150 cá thể voọc đen má trắng, tỷ lệ sinh nở, tái đàn khá tốt. Tại xã Thanh Tương hay xã Khâu Tinh, Sơn Phú người dân bắt gặp khỉ ngày một nhiều. Kiểm lâm huyện Na Hang đang theo dõi sát và quản lý chặt khu vực khỉ sinh sống, phối hợp với các hộ dân có cách ứng sử sống hòa thuận với thiên nhiên.

Những chỉ đạo, giải pháp của tỉnh đã từng bước góp phần hồi sinh đàn khỉ, voọc trên địa bàn, nhất là hai huyện vùng cao Na Hang và Lâm Bình.

Ông Lý Tiến Hữu, dân tộc Dao thôn Biến, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) cùng người dân trong thôn mới đây nhìn thấy đàn khỉ mấy chục con xuống ngay sát đường bê tông của bản để kiếm ăn. Khi người dân đi làm đồng, đi xe máy qua mà đàn khỉ không tỏ ra sợ hãi vẫn thản nhiên chơi đùa.

Trong đàn khỉ, ông Hữu nhìn thấy cả khỉ to, khỉ nhỏ, sự nối tiếp các thế hệ. Hiện nay thôn Biến đang phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng. Bên cạnh phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, bản sắc văn hóa phong phú, thì sự xuất hiện của đàn khỉ càng làm cho du khách tò mò. Ông Hữu cho rằng, trong cuộc họp thôn, nhân dân đồng tình cao trong việc bảo vệ đàn khỉ, nếu vi phạm sẽ bị người dân tố giác, xử lý nghiêm.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Na Hang, Lâm Bình xuất hiện ngày càng nhiều đàn khỉ, voọc xuống gần khu dân cư, cho thấy môi trường, sinh cảnh cho chúng sinh sống khá an toàn. Sau một thời gian chúng trốn tiệt vào rừng sâu, nay đàn khỉ đã trở về trong niềm vui của người dân, chính quyền, khách du lịch.

Quang Hòa

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/bao-ve-bau-vat-cua-dai-ngan-192804.html