Bảo vệ biên giới biển những ngày đầu giải phóng

Hòa bình lập lại, biên cương liền một dải, những chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) lại lên đường ra biên giới, bờ biển để tiếp tục sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong giai đoạn cách mạng mới.

CANDVT tuần tra bảo vệ cảng Đà Nẵng năm 1975. Ảnh: Tư liệu

CANDVT tuần tra bảo vệ cảng Đà Nẵng năm 1975. Ảnh: Tư liệu

Do có sự chuẩn bị chu đáo từ trước, Bộ Tư lệnh CANDVT đã triển khai lực lượng chi viện cho An ninh vũ trang miền Nam tiếp quản các vùng biên giới, bờ biển mới giải phóng. Trong vòng 4 tháng, đã thiết lập được 98 đồn và hàng trăm trạm Kiểm soát Biên phòng tuyến biển từ tỉnh Thừa Thiên - Huế tới tỉnh Kiên Giang, tạo thành thế liên hoàn trong quản lý, bảo vệ tuyến biển nước ta từ Móng Cái (Quảng Ninh) tới Hà Tiên (Kiên Giang). Các hải cảng lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh, Vũng Tàu, Sài Gòn đều được triển khai các đồn, trạm.

Thời điểm này, tuyến biển miền Nam mới được giải phóng, nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội rất phức tạp. Mặt khác, Mỹ-ngụy vẫn ráo riết tung gián điệp, biệt kích trở lại Việt Nam để liên lạc, chỉ huy bọn phản động tay sai quấy rối, phá hoại ta. Chúng lựa chọn tuyến biên giới biển là địa bàn tập trung hoạt động khiến cho áp lực đối với những chiến sĩ quân hàm xanh làm nhiệm vụ tại các tỉnh ven biển phía Nam vô cùng lớn.

Báo cáo tại Hội nghị công tác Biên phòng của Bộ Tư lệnh CANDVT năm 1976 cũng đã chỉ rõ: “Bảo vệ được chủ quyền của ta trên biển, bảo vệ tài nguyên biển, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hoạt động tình báo, gián điệp với mọi hình thức công khai hợp pháp, bí mật từ trong ra, từ ngoài vào, bọn trốn chạy ra nước ngoài, bọn buôn lậu trên biển, quan hệ trái phép với tàu thuyền nước ngoài...”.

Ngược chiều năm tháng, ngược dòng ký ức đầy tự hào, Đại tá Nguyễn Thành Mai, nguyên chiến sĩ An ninh vũ trang tham gia tiếp quản 10 tỉnh Trung Trung Bộ kể lại rằng, vượt qua những bỡ ngỡ, nghi kị ban đầu, người dân ven biển miền Nam đã thực sự tin cậy các chiến sĩ CANDVT miền Bắc. Bà con được sắp xếp, quy hoạch nơi sản xuất, an ninh trật tự bến bãi được duy trì đã giúp cho nhân dân hăng hái tham gia các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất nghề cá, nghề muối và các ngành nghề thủ công khác. Những làng biển rộn ràng bóng thuyền ra lộng vào khơi, những hàng dừa lại líu ríu bóng trẻ thơ hái quả, những lớp học lại bi bô tiếng trẻ đánh vần... Một cuộc sống mới bình yên lại bắt đầu, người dân đã vững lòng hơn khi có bóng người chiến sĩ quân hàm xanh gác nơi cửa bể.

“Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành phát động phong trào toàn dân xây dựng thế trận bảo vệ an ninh gắn liền với công tác đăng ký, đăng kiểm tàu, thuyền. Vậy là chúng tôi đề xuất với chính quyền để xây dựng các quy định quản lý tạm thời để kiểm soát các phương tiện và người hoạt động trên biển” - Đại tá Nguyễn Thành Mai nói.

Kể từ ngày 30-4 đến ngày 30-12-1975, các đơn vị CANDVT đã tổ chức đăng kiểm được 90 vạn tàu đánh cá, 40 vạn tàu thuyền vận tải. Ở các cảng lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh, Sài Gòn... tiến hành công tác sưu tra, phân loại các chủ thuyền, tài công, thợ máy, thủy thủ, cảng vụ, cảnh sát hải cảng, nhằm phát hiện, loại bỏ mạng lưới mật vụ, tình báo của địch cài lại. Qua đó, loại gần 200 đối tượng, đập tan âm mưu thực hiện kế hoạch hậu chiến của địch. Đồng thời, tham mưu cho chính quyền tuyển lựa, trưng dụng nhân viên kỹ thuật, công nhân làm việc trong các hải cảng, đảm bảo hoạt động hiệu quả, an toàn.

Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, nguyên Phó Chính ủy BĐBP cho biết: “Thời điểm ấy, dù mới là tân binh, nhưng cấp trên giao cho tôi nhiệm vụ rất khó là tiếp xúc và cảm hóa những sĩ quan ngụy hoặc các đối tượng thân cận với chế độ cũ được chế độ mới lưu dung (sử dụng lại). Quãng thời gian đó đã giúp tôi có thêm kinh nghiệm và niềm tin, tiếp tục lao vào nhiệm vụ, tích cực phát động xây dựng các phong trào quần chúng tấn công chính trị đối với các đối tượng có ý đồ chống đối cách mạng, vượt biên và câu móc vượt biên”.

Từ phong trào mà Thiếu tướng Lê Thái Ngọc nhắc tới, nhân dân tuyến biển đã báo cho các anh những tin tức quan trọng, góp phần giúp các đồn CANDVT phát hiện 31.687 lượt tàu thuyền nước ngoài xâm nhập vùng biển Việt Nam và ngăn chặn thành công 2.575 vụ vượt biên, vượt biển trái phép. Các đơn vị tuyến biển đã tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng thế trận an ninh - quốc phòng trong giai đoạn cách mạng mới, bố trí lại quy hoạch dân cư, xây dựng kế hoạch sản xuất. Dù là một nhiệm vụ nhạy cảm, song, nhờ có quyết tâm cao, các đơn vị đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức di dịch cư cho hàng vạn hộ dân. Trong đó, đáng kể nhất là di dân ra các đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cù Lao Chàm (Quảng Nam - Đà Nẵng), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa), Phú Quốc (Kiên Giang)...

Do thực tế để lại, vùng biển phía Nam sau giải phóng thường nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, mỗi ngày có hàng nghìn tàu thuyền nước ngoài xâm nhập đánh bắt thủy hải sản, gây thất thoát tài nguyên và gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biển. Thủ đoạn hoạt động của tàu thuyền nước ngoài là không treo cờ, biển kiểm soát và trà trộn vào tàu đánh cá của ta để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Cùng với đó, một số tàu thuyền giả dạng đánh bắt hải sản, nhưng thực chất là xâm nhập điều tra, thu thập tình báo và đón bọn phản cách mạng vượt biển trốn ra nước ngoài. Đồng thời, chúng lựa chọn khu vực biển, đảo Tây Nam Bộ làm bàn đạp tung người về thực hiện các hoạt động chống phá.

Kết hợp giữa tấn công chính trị và vũ trang trấn áp, các đơn vị CANDVT đã phát hiện và bắt giữ hơn 50 tên vốn là sĩ quan tình báo, an ninh, cảnh sát đặc biệt của chế độ ngụy quyền Sài Gòn đã thay tên đổi họ, giả dạng thường dân, sư sãi để ẩn náu hoạt động, bóc gỡ nhiều mạng lưới tình báo mật vụ, bọn biệt kích, bọn biệt hải bố trí dọc bờ biển, hải đảo, nhanh chóng ổn định tình hình tại các vùng Công giáo di cư từ tỉnh Quảng Đà đến Vũng Tàu. Đồng thời, phá nhiều chuyên án điều tra các đối tượng phản động lợi dụng hệ thống chùa chiền, nhà thờ ven biển để ẩn náu và tàng trữ vũ khí của địch để lại.

Các chiến sĩ CANDVT cũng hiệp đồng tác chiến chặt chẽ với bộ đội Hải quân cùng tàu thuyền của các hợp tác xã tích cực truy đuổi, bắt giữ tàu thuyền của các nước. Mặc dù phương tiện tàu thuyền kiểm tra, kiểm soát của ta còn thiếu, song, trong hai năm 1975-1976, các lực lượng bảo vệ trên vùng biển phía Nam của ta đã bắt giữ được gần 50 tàu thuyền của các nước, tịch thu hàng ngàn tấn cá, thu giữ hàng chục tấn lưới, lập biên bản cảnh cáo ngư dân các nước và trục xuất họ ra khỏi vùng lãnh hải nước ta.

47 năm đã qua! Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Côn Đảo, Phú Quốc..., những vùng biển, đảo mà những chiến sĩ CANDVT năm nào tiến vào tiếp quản, thiết lập trật tự mới và phong trào cách mạng mới trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, giờ đây đều là những địa bàn chiến lược, trọng điểm trong hành trình hội nhập, phát triển của đất nước. Màu vàng của lúa, màu xanh của cây cỏ và các công trình hiện đại đã phủ dần lên vết thương quá khứ. Đồn, trạm Biên phòng dựng tạm nơi chân sóng theo bước chân thần tốc năm nào giờ đã trở thành doanh trại khang trang, hiện đại, những khu kiểm soát liên hợp cảng biển sôi động...

Nhưng dù có thay đổi biết bao nhiêu, thì có một điều mãi sẽ không thay đổi, là bước tuần tra trên cát, phiên tuần tra trên sóng luôn lấp lánh những ngôi sao xanh của biển.

Phạm Vân Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-ve-bien-gioi-bien-nhung-ngay-dau-giai-phong-post450315.html